Nhiều trường ĐH dân lập “thoi thóp”
Tổng kết mùa tuyển sinh ĐH 2005, có 11 ngành học phải đóng cửa do không tuyển được sinh viên. Các trường ĐH dân lập còn đối diện với nguy cơ “vỡ nợ”, do số sinh viên của mỗi ngành học quá ít, dẫn đến thu không đủ chi.
Ngày 20/11 vừa qua, Trường ĐHDL Văn Hiến đã tổ chức khai giảng năm học mới, chào đón 583 tân sinh viên. Đây có lẽ là trường ĐH cuối cùng trong cả nước tổ chức khai giảng năm học mới 2005 - 2006, khép lại mùa tuyển sinh 2005 ảm đạm nhất từ ngày thành lập trường đến nay: Năm ngành học phải đóng cửa!
Không còn ngành ngoại ngữ
Trường ĐH dân lập (ĐHDL) Văn Hiến đào tạo các ngành xã hội là chủ lực, thế nhưng năm học mới này trường phải đóng cửa ngành văn hóa học và toàn bộ các ngành ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật vì không tuyển được sinh viên.
Không riêng Trường ĐHDL Văn Hiến, Trường ĐHDL Hùng Vương cũng lâm vào tình cảnh tương tự: Các ngành ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật tuyển được rất ít sinh viên nên không thể mở lớp được. Trên 20 sinh viên của trường phải chuyển sang trường khác có đào tạo các ngành này và một số chuyển sang các ngành khác của trường.
Trường ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học cũng phải đóng cửa ngành tiếng Pháp do ngành này chỉ tuyển được 7 sinh viên, đành phải chuyển sang ngành Đông phương học của trường hoặc chuyển sang trường khác. Tại Trường ĐHDL Hùng Vương, ngoài các ngành ngoại ngữ, trường này còn phải đóng cửa ngành toán ứng dụng.
Thu không đủ chi
Nhiều trường ĐHDL còn đứng trước một khó khăn khác: Số sinh viên trúng tuyển vào mỗi ngành đào tạo quá ít, khiến học phí thu không đủ chi. Tại Trường ĐHDL Công nghệ Sài Gòn, nhiều ngành chỉ có 30-40 sinh viên. Các ngành như cơ - điện tử, điện - điện tử, số lượng sinh viên còn thấp hơn. Tại Trường ĐHDL Văn Hiến, 3/7 ngành có sĩ số lớp trên 30 như: công nghệ thông tin: 38, điện tử - viễn thông: 32, tâm lý học: 37. Ngành tiếng Trung tại Trường ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học cũng chỉ có trên 30 sinh viên.
Theo tính toán của bộ phận tài chánh Trường ĐHDL Văn Hiến, một ngành học có khoảng 90 sinh viên thì mới hy vọng thu đủ bù chi, còn dưới con số này coi như phải bù lỗ. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học, cho biết: Ngành học có 30 sinh viên thì quá ít nhưng vẫn phải duy trì bằng cách lấy ngành có đông sinh viên để bù qua ngành ít sinh viên. Nhưng nguy cơ vẫn đang rình rập. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, tỉ lệ hao hụt sinh viên ở năm thứ nhất thường rất cao, khoảng 20%, nên việc duy trì sĩ số này đến cuối khóa quả là nan giải.
Tại điểm sàn?
Nhiều trường ĐHDL tuyển không đủ chỉ tiêu có phải do nguồn tuyển đã cạn? Ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ ĐH và sau ĐH, khẳng định: Nguồn tuyển vẫn còn. Ông Ngô Kim Khôi cho rằng các trường tuyển không được sinh viên là do các ngành đào tạo của trường chưa đa dạng hóa, chưa hấp dẫn thí sinh, chưa khẳng định “thương hiệu” đối với thí sinh... Tuy nhiên, theo thống kê của Trường ĐHDL Văn Hiến, số hồ sơ nộp vào trường tổng cộng lên tới 1.800 hồ sơ, so với chỉ tiêu là 1.000 thì trường dư chỉ tiêu. Điều này cho thấy không phải trường kém hấp dẫn với thí sinh. Nhưng ngặt nỗi số thí sinh dưới điểm sàn cũng nhiều nên trường đành phải gạt ra và chấp nhận thiếu chỉ tiêu.
Rõ ràng, sau nhiều lần cải tiến, cách tuyển sinh “3 chung” với việc khống chế điểm sàn như hiện nay vẫn còn nhiều điều bất ổn.
Theo Người Lao Động