Nhiều thí sinh tiếp tục đòi quyền lợi vì “lý lịch”

(Dân trí) - Sau khi Bộ Công an đồng ý chiếu cố tiêu chuẩn lý lịch để em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà đủ điều kiện theo học khối trường công an, nhiều trường hợp có hoàn cảnh tương tự cũng đã phản ánh về Dân trí mong nhận được sự giải quyết từ phía Bộ Công an.

Mặc dù Bộ Công an khẳng định đã có công điện gửi công an các tỉnh/thành phố yêu cầu báo cáo chi tiết những trường hợp đã có giấy báo trúng tuyển khối trường công an nhưng chưa nhập học được vì lý do lý lịch để xem xét giải quyết nhưng nhiều thí sinh vẫn không thể yên tâm và quyết định tìm đến báo Dân trí để nhờ sự giúp đỡ.

Em Vũ Văn Nguyên (huyện Yên Thế, Bắc Giang) cùng với gia đình đến tận tòa soạn báo Dân trí với tâm trạng đầy lo lắng vì cho rằng có thể công an tỉnh Bắc Giang bỏ sót và không báo cáo lên Bộ Công an.

Gia đình em Nguyên cho biết, trong kì thi THPT quốc gia vừa qua, Nguyên đạt 22,0 điểm với Địa 8,0 điểm; Sử 7,5 điểm và Ngữ văn 6,5 điểm. Em Nguyên thuộc diện đối tượng 01, khu vực ưu tiên 1 nên tổng điểm xét tuyển khối C là 25,5 điểm. Với mức điểm này, em trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát Nhân dân ngành Nghiệp vụ cảnh sát và đã nhận được giấy báo nhập học.

Niềm vui của Nguyên và gia đình chưa được bao lâu thì công an huyện Yên Thế thông tin hồ sơ lý lịch của em không đạt.

Theo tường trình của gia đình, sau khi công an huyện Yên Thế báo tin Nguyên trúng tuyển vào HV Cảnh sát Nhân dân thì bắt đầu tiến hành thẩm tra lý lịch. Lúc này Nguyên mới biết cách đây hơn 2 năm, bố em có tham gia đánh liêng (một hình thức đánh bài) và bị công an huyện Yên Thế bắt quả tang sau đó thì bị xử phạt hành chính. Theo giấy báo thì ngày mai Nguyên sẽ nhập học nhưng đến nay vẫn chưa có giấy xác nhận của công an địa phương để hoàn tất thủ tục.

Giấy báo nhập học của thí sinh Lường Thị Mỹ Anh
Giấy báo nhập học của thí sinh Lường Thị Mỹ Anh

Em Lường Thị Mỹ Anh trú tại phường Quyết Thắng (TP Sơn La, tỉnh Sơn La )cũng đăng ký vào HV Cảnh sát nhân dân và được 28,5 điểm. Đủ điều kiện đỗ HV Cảnh sát Nhân dân nhưng lại bị vướng trong phần sơ yếu lý lịch của ông nội em nên đến giờ Mỹ Anh vẫn chưa được nhập học. Em đã có đơn gửi lên công an thành phố nhưng đến nay cũng chưa có tín hiệu trả lời.

Cũng trong sáng nay, một thí sinh ở tỉnh Hải Dương chia sẻ về việc đủ điểm trúng tuyển vào HV An ninh Nhân dân nhưng chưa được nhập học với lý do ghi thiếu phần lý lịch của ông nội…

Tiếp nhận thông tin của bạn đọc, Dân trí đã chuyển toàn giấy tờ liên quan đến Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an. Thiếu tướng Cẩn cho hay: Nguyên tắc chung là chỉ xử lý khi công an địa phương có báo cáo đề xuất. Việc chuyển thông tin là để cho Tổng cục nắm thêm.

Chưa thể bỏ điều kiện chính trị của thí sinh xét tuyển

Trả lời báo chí, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn cho biết, Bộ Công an đã có Thông tư số 53 ngày 15/8/2012, quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, kể cả tuyển mới. Tổng cục Chính trị cũng đã có Hướng dẫn số 9443 ngày 15/10, hướng dẫn đơn vị địa phương thực hiện thông tư 53.

Theo thông tư và các hướng dẫn thì đối với các trường hợp có thân nhân bị tòa tuyên phạt dưới 3 năm tù hoặc cho hưởng án treo và đã được xóa án tích, trừ trường hợp phạm các tội như: xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm ma túy... đã được quy định trong Bộ luật hình sự, nếu hiện thân nhân chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của nhà nước thì công an các địa phương báo cáo về Tổng cục Chính trị để xem xét, kết luận.

Đáng ra những trường hợp của em Bùi Kiều Nhi, Nguyễn Đức Ngà, công an tỉnh phải có văn bản báo cáo, Bộ Công an sẽ xem xét, trường hợp nào chiếu cố được Tổng cục Chính trị sẽ giải quyết. Tuy nhiên, công an một số địa phương nắm bắt chưa tốt, chưa báo cáo kịp thời nên mới xảy ra tình trạng như vừa qua.

Cũng theo Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Công an là ngành đặc thù, là lực lượng đảm bảo an ninh quốc gia, nên phải tuyệt đối trung thành. Bầt kỳ một chế độ nào đều quan tâm đến việc đó. Những tội phạm như xâm phạm an ninh quốc gia, nói xấu Đảng, Nhà nước... thì những người trong gia đình đó ít nhiều bị ảnh hưởng. Các ngành khác có thể không quan tâm nhưng công an phải chặt chẽ. Thông tư quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân ban hành từ năm 2012, qua nhiều năm thực hiện chưa thấy phản ánh gì bất cập.

“Tuy nhiên Bộ Công an không duy ý chí, trong từng thời điểm, có thể khi xã hội phát triển ở góc độ khác thì quy định có thể sẽ được điều chỉnh. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi đất nước thống nhất chưa lâu thì chưa thể bỏ quy định này được” - Thiếu tướng Cẩn nhấn mạnh.

Công an địa phương đã thiếu trách nhiệm?

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, mặc dù Bộ Công an có Thông tư số 53 ngày 15/8/2012, quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân nhưng nhiều thí sinh chưa ý thức được trong việc kê khai đầy đủ lý lịch. Trách nhiệm của công an địa phương là phải hướng dẫn và tư vấn cũng như cung cấp thông tin cho thí sinh đăng ký nộp hồ sơ vào khối trường công an.

Qua sự việc vừa qua cho thấy sự thiếu trách nhiệm của một số công an địa phương trong việc rà soát cũng như hướng dẫn thí sinh dẫn đến tình trạng “rối loạn” ở khối trường công an. Điều đáng nói, chỉ khi thí sinh đã nhận được giấy báo nhập học rồi thì công an địa phương mới thẩm tra lý lịch và lúc đó mới phát hiện sai sót. 

Vừa qua, Bộ Công an đã xử lý nhanh gọn, "thần tốc" hai thí sinh, đó là quyết định nhân văn, kịp thời, hợp lòng dân. Dư luận đang trông chờ Bộ Công an sẽ tiếp tục có phương án giải quyết thấu tình đạt lý với những trường hợp thí sinh mới; đồng thời có thêm văn bản hướng dẫn yêu cầu cụ thể, rõ ràng trách nhiệm đối với công an các địa phương trong công tác sơ tuyển; để không xảy ra những câu chuyện buồn vui và đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh dự thi vào khối trường Công an như năm nay.

Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm