Thanh Hóa:
Nhiều thắc mắc về những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2016
(Dân trí) - Chương trình tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2016 tổ chức tại Thanh Hóa với gần 5.000 học sinh tham gia. Nhiều câu hỏi về những điểm mới của kỳ thi THPT năm 2016 và xét tuyển ĐH, CĐ của học sinh quan tâm đã được giải đáp.
Ngày 28/2, tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, diễn ra chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2016. Chương trình do Báo Tuổi trẻ, Bộ GD-ĐT, phối hợp với Sở GD-ĐT Thanh Hóa, Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức.
Đây là dịp các em học sinh cùng phụ huynh, các thầy cô có thể trao đổi những thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016.
Thông qua Ban tư vấn gồm 17 thành viên là đại diện lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT; đại diện các trường ĐH như: ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường ĐH thành viên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đại diện Khối trường Công an, Quân đội,…
Tại buổi tư vấn, PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã thông tin ngắn gọn những điểm quan trọng thí sinh cần chú ý trong kì thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ sắp tới.
Trong phần lớn thời gian tư vấn, học sinh thắc mắc về những điểm mới của kì thi này như: Hướng ra đề thi, cách thức ôn tập, cách đăng kí nguyện vọng xét tuyên ĐH, CĐ, những quy định ưu tiên đối với thí sinh…
“Gia đình em rất khó khăn, vậy em nên đăng ký một ngành dễ học, dễ xin việc hay là em theo đuổi ước mơ của mình?”, một học sinh thắc mắc.
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tư vấn: Vấn đề quan trọng nhất khi chọn nghề là chúng ta phải tính toán cả thị trường lao động cũng như tính toán cả khả năng bản thân, điều kiện gia đình. Nếu điều gia đình còn khó khăn, năng lực có những cái nhất định thì các em có thể lựa chọn những công việc ngắn hạn. Sau khi làm một thời gian, các em tích lũy đủ điều kiện kinh tế, kinh nghiệm thì lúc đó các em có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Đó là con đường chúng ta đi chắc chắn nhất. Nếu chúng ta cố theo đuổi ước mơ mà không có những điều kiện phù hợp thì chúng ta gặp khó khăn rất nhiều, thậm chí thất bại”.
Nhiều thí sinh cũng đặt câu hỏi liên quan đến quy chế tuyển sinh vào khối ngành Công an. Theo Trung tá Trần Văn Đồng - Phó giám đốc Trung tâm thông tin khoa học tư liệu, Trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy (Bộ Công an) trả lời: Trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, Bộ Công an sau khi họp triển khai công tác tuyển sinh năm 2016 đã quyết định phân vùng tuyển sinh. Các em ở phía Bắc chỉ được đăng ký các trường tính từ Quảng Trị trở ra, phía Nam từ Quảng Bình trở vào. Ở phía Bắc, các em chỉ được đăng ký 4/7 trường Đại học và Học viện Công an nhân dân (CAND), gồm: Học viện An ninh, ĐH Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy, ĐH Kỹ thuật Hậu cần CAND và Học viện Chính trị CAND.
Thông tin liên quan đến vấn đề mắt cận thị, năm nay, Bộ Công an cho dự tuyển không hạn chế, bỏ quy định tổng thị lực hai mắt của thí sinh phải từ 10/20 trở lên. Nhưng khi đi thi, thí sinh nhớ mang giấy chứng nhận của bệnh viện chuyên khoa về mắt, hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên chứng nhận đôi mắt có thể được chữa trị, được khắc phục sau khi chữa.
Liên quan đến chỉ tiêu, một vấn đề đáng lưu ý là năm 2015, có khoảng 100 nghìn thí sinh thi vào ngành CAND. Năm nay, chỉ tiêu sẽ giảm xuống khoảng trên dưới 30%. Vì vậy các em cần phải chuẩn bị tinh thần và hết sức cố gắng trong các khối thi bao gồm A, A1, C và D1.
Ngoài ra, nhiều học sinh bày tỏ nỗi lo “ảo” như kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015. Theo PGS-TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa HN khẳng định: “Các trường ĐH phải chấp nhận tình trạng “ảo”, nhưng bù lại thí sinh có nhiều cơ hội. Trong trường hợp thí sinh đậu vào 2 trường thì thí sinh có quyền chọn một trong hai trường đó”.
Duy Tuyên