Nhiều sinh viên ngoại tỉnh "mắc kẹt" ở TPHCM trong những ngày giãn cách

Phương Nhi Tuyết Mai

(Dân trí) - Khi UBND TPHCM quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, hầu hết sinh viên ở các tỉnh đã về quê tránh dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sinh viên "kẹt" lại thành phố.

Ở lại vì sợ mang dịch về quê

"Ba mẹ mình gọi trách sao không về nhà, nhưng mình sợ về sẽ ảnh hưởng đến gia đình do tình hình dịch bệnh tại thành phố đang rất phức tạp". Đó là nỗi niềm của bạn Lê Thị Anh Thư (quê Đăk Nông), sinh viên năm cuối trường ĐH Công nghiệp TPHCM đang trọ tại Thủ Đức.

Cũng như Anh Thư, bạn Trần Thị Loan (quê Đăk Nông, sinh viên năm cuối trường ĐH Công nghiệp TPHCM, trọ tại Thủ Đức) quyết định ở lại TP thay vì về quê tránh dịch.

Nguyên nhân, Loan thấy nếu mình về quê thì có khả năng làm lây lan dịch bệnh khi số ca nghi mắc Covid-19 ở TPHCM tăng nhanh, nhiều chuỗi lây nhiễm nhưng chưa rõ nguồn lây.

Loan chia sẻ: "Mình sợ về quê mà bản thân có mầm bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người thân trong gia đình. Tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, mình cũng muốn hạn chế việc đi lại để góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh".

Nhiều sinh viên ngoại tỉnh mắc kẹt ở TPHCM trong những ngày giãn cách - 1

Những ngày này, gọi trực tuyến với gia đình là cách để sinh viên bớt nhớ nhà.

Bạn Nguyễn Thanh Thiên Long (quê Gia Lai, sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, trọ tại quận Bình Thạnh) cũng quyết định ở lại TP sau lệnh giãn cách xã hội. Nguyên nhân là Long có đến một địa điểm mà ca nghi mắc Covid-19 từng tới. Khi hết thời gian theo dõi y tế tại nhà cũng là thời điểm bắt đầu giãn cách.

Long kể: "Hai tuần trước thông báo giãn cách xã hội, mình có đi mua rau củ trùng ngày với một người nghi mắc Covid-19. Nghe thông tin phường báo tới chung cư nên mình lập tức đi khai báo y tế".

Theo Thiên Long, việc quyết định ở lại TP là một quyết định đúng đắn. Long nói: "May mắn là mình không vội về Gia Lai. Nếu có gì thì thành tội đồ mất!".

Nhiều sinh viên ngoại tỉnh mắc kẹt ở TPHCM trong những ngày giãn cách - 2
Những ngày giãn cách, Long có thời gian theo đuổi sở thích vẽ tranh.

Còn bạn Lưu Khánh Linh (quê Lâm Đồng, sinh viên năm nhất ĐH Học Kinh tế - Tài chính TPHCM, trọ tại Quận 11) tâm sự gia đình mình lo lắng và trách móc khi Linh quyết định ở lại Sài Gòn trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

"Cả nhà mình ai cũng lo, cứ hối mình về nhà cho an toàn. Nhưng mình cũng trấn an mọi người là thành phố vẫn ổn, mình cần ở lại đây, tuân thủ 5K và thực hiện trách nhiệm công dân "ai ở đâu thì ở yên đó" cho Nhà nước nhờ", Khánh Linh nói.

Cuộc sống chật vật nhưng vẫn ổn

Ở trọ xa nhà đúng đợt giãn cách xã hội này, sinh hoạt của sinh viên tỉnh lẻ cũng bị xáo trộn như người dân thành phố. Tuy nhiên, điều các em lo ngại nhất là chi phí sinh hoạt hàng ngày.

H'Tâm Cil (quê Đăk Lăk, sinh viên năm 3 ĐH Sài Gòn, trọ tại Quận 10) vốn làm gia sư dạy tiếng Anh tại trung tâm để kiếm thêm thu nhập. Vì dịch nên trung tâm đã tạm đóng cửa, H'Tâm mất nguồn thu nên em sử dụng số tiền dành dụm trước đây để chi tiêu sinh hoạt.

"Trong những ngày này mình chỉ ở nhà. Dù không phát sinh nhiều chi phí nhưng tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống hằng ngày khá tốn kém. Không đi làm thêm được dẫn đến khó khăn về tài chính, mà ngồi nhà cả ngày cũng khó chịu, mệt mỏi", H'Tâm rầu rĩ.

Nhiều sinh viên ngoại tỉnh mắc kẹt ở TPHCM trong những ngày giãn cách - 3
Tranh thủ thời gian này rảnh rỗi, Yến Ngọc tham gia các lớp online để trau dồi thêm kiến thức.

Tương tự, Nguyễn Phạm Huyền Trân (quê Nha Trang, sinh viên năm 3 ĐH Văn Lang, trọ tại Bình Thạnh) cũng khá bức bối khi phải quanh quẩn trong căn phòng trọ nhỏ suốt nhiều ngày. Cảm giác tù túng, cô đơn, nhớ nhà và lo lắng chi phí sinh hoạt khiến Huyền Trân mệt mỏi.

"Việc làm ăn của gia đình ở quê dạo này khó khăn, không thể chu cấp cho mình như trước. Thu nhập từ việc làm thêm của mình cũng giảm nhiều so với trước dịch", Huyền Trân tâm sự.

Trước đây, Trân làm thêm ở một công ty du lịch với mức lương 7 triệu đồng, cộng với việc kinh doanh thực phẩm qua mạng, Trân có thể tự lo liệu chi phí sinh hoạt, học tập. Thế nhưng, từ khi dịch bùng phát, thu nhập của Trân giảm xuống rất nhiều nên mọi sinh hoạt đều khó khăn.

Tuy nhiên, Trân và H'Tâm cho rằng cuộc sống thế này vẫn tạm ổn, cố gắng tiết kiệm cũng có thể vượt qua, chịu khó ở nhà còn hơn để dịch bệnh lây lan. Trân chia sẻ: "Mình khó chịu một chút nhưng đã sướng hơn nhiều so với những cán bộ y tế, chiến sĩ đang vất vả chống dịch".

Còn với Nguyễn Võ Yến Ngọc (quê Hậu Giang, sinh viên năm cuối CĐ Phát thanh - Truyền hình II, trọ tại Quận 12), thời gian rảnh rỗi này sẽ là cơ hội để ôn tập lại kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thực tập đáng lẽ đang diễn ra nhưng phải hoãn lại vì dịch.

Khánh Linh thì cho biết: "Mình có lịch thi kết thúc học phần online vào đầu tháng 6 nên sẽ tận dụng thời gian này để tập trung ôn thi. Đồng thời, tìm kiếm một công việc online để làm và chuẩn bị học một số chứng chỉ online".