Kết thúc chấm thi chung kết Nhân tài đất Việt:
Nhiều sản phẩm có tính sáng tạo và độ hoàn thiện cao
(Dân trí) - Như vậy, sau 2 ngày thi liên tiếp vòng chung khảo cuộc thi Nhân tài đất Việt đã hoàn thành. Ngay sau khi buổi thi chiều 18/11 kết thúc, BGK đã họp chấm điểm cho các sản phẩm và đã có kết quả sau gần 2 tiếng đồng hồ làm việc căng thẳng. Kết quả này chắc chắn sẽ được giữ kín đến đêm chung kết 20/11. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin mới nhất xung quanh cuộc thi công nghệ lớn nhất trong năm này.
Hệ thống tổng đài IP ứng dụng cho mạng doanh nghiệp và điểm văn hoá xã- một sản phẩm đầy chuyên nghiệp.
“Một sản phẩm chuyên nghiệp của những người chuyên nghiệp”, đó là nhận xét của vị giám khảo Bùi Quang Độ, khi phần thi của nhóm thí sinh này kết thúc.
Thí sinh Nguyễn Trung Thành, đại diện nhóm cho biết sản phẩm này có thể thay thế cho các sản phẩm khác cùng loại của các đối tác nước ngoài, chỉ với giá thành rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, rẻ hơn bao nhiêu thì tác giả không nêu ra được con số chính xác.
Hầu như tất cả các giám khảo có mặt đều xoay quanh tính khả thi khi đem sản phẩm này ra ứng dụng trong thực tế. Ông Hoàng Lê Minh - PGĐ Sở Bưu chính viễn thông TPHCM hỏi thẳng: Nếu chúng tôi có 200 triệu, đặt hàng các bạn làm tại 5 điểm bưu điện xã, có được không?” Tác giả trả lời không nao núng: "Làm được".
Thứ trưởng bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam đánh giá: Sản phẩm này rất sâu về chuyên ngành. Trong ngành bưu điện, quá trình nghiên cứu làm tổng đài rất khó khăn. Đây là sản phẩm nhiều tiềm năng.
Hệ thống Phần mềm hỗ trợ tin học hoá đơn vị hành chính cấp phường xã- tiến tới một xã hội điện tử.
Theo tác giả Đỗ Việt Hà, phần mềm này có thể sử dụng với máy móc có cấu hình thấp. Đây là phần mềm mở và có thể nâng cấp hoàn thiện theo nhu cầu. Tính ưu việt của phần mềm là tin học hoá mọi thủ tục hành chính cấp phường xã, xây dựng được trang thông tin phường và xây dựng kho dữ liệu cho người dân. Ngoài ra, phần mềm còn có phần huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ phường sử dụng và tự phát triển phần mềm, dần dần phổ cập tin học tới từng người dân.
Về điều kiện và biện pháp nào để thông tin đến được với người dân, theo thí sinh Đỗ Việt Hà, đó là cần nỗ lực của cấp quản lý, đặc biệt cái khó nhất là nhận thức của cán bộ phường.
BGK đánh giá cao tinh thần tin học hoá nông thôn của nhóm tác giả. Nhìn chung, theo BGK, để xây dựng được phần mềm này không quá khó, nhưng để người dân nhận thức được ý nghĩa của công trình thì là cả một vấn đề.
Môi trường thiên nhiên Việt Nam - Điểm hẹn du lịch sinh thái
Minh Tuệ đã rất dày công sưu tầm được một khối lượng lớn kiến thức đa dạng, phong phú về chủ đề môi trường thiên nhiên Việt Nam (từ hành chính, địa hình đến động, thực vật), phong phú về loại hình tư liệu (từ văn bản, ảnh tĩnh, bản đồ đến âm thanh, hình ảnh động) phục vụ khoa học giáo dục, du lịch, có hiệu quả giáo dục tốt. Sản phẩm dự kiến sẽ sử dụng cho đối tượng là học sinh, sinh viên.
Phần mềm cho phép xem các thông tin dưới dạng multimedia, kết hợp hình ảnh, âm thanh, bản đồ, có một số đoạn băng video.
Tuệ cho biết em muốn đưa những gì mình tích luỹ được để phổ biến rộng rãi, tạo được hiệu quả kinh tế, xã hội qua việc muốn chuyển hoá sản phẩm này thành sản phẩm thương mại.
Bộ phần mềm giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh phổ thông
Sản phẩm của Nhóm tin học ứng dụng thuộc viện ITIMS, ĐHBK Hà Nội là một bộ phần mềm bao gồm 5 nội dung giảng dạy về môi trường, nước sạch, cây xanh, không khí, tiếng ồn và rác thải. Nội dung giáo dục bảo vệ môi trường được truyền đạt dưới hình thức phim hoạt hình, đan xen các thí nghiệm, trắc nghiệm.
Phần mềm có ý nghĩa giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phần mềm đạt hiệu quả về hình thức trình bày, mang tính sư phạm trong chọn lọc tư liệu văn bản, hình ảnh. Tuy nhiên sản phẩm còn đơn giản về thiết kế đồ hoạ và chưa có sự tham khảo, đối sánh với các phần mềm nổi tiếng cùng loại trên thế giới.
Sản phẩm này được nhóm mang đi dự thi cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật 2005 nhưng chưa có kết quả. Các tác giả cũng đang có ý tưởng hoàn thiện sản phẩm theo chuẩn e-learning.
Hệ thống hiển thị và kiểm soát tốc độ đoàn tàu - Để không còn những “sự cố E1”
Nhiều người trong chúng ta chắc hẳn còn nhớ vụ tai nạn tàu E1 kinh hoàng xảy ra cách đây không lâu. Vấn đề kiểm soát tốc độ đoàn tàu đang đặt ra cho các nhà quản lý một câu hỏi hóc búa. Sản phẩm này của nhóm tác giả Trần Thị Thu Hương, giảng viên khoa CNTT trường ĐHGTVT kết hợp cùng Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đã giải quyết được vấn đề phức tạp này bằng công nghệ GPS.
|
Sản phẩm này cung cấp cho người lái tàu những thông tin cần thiết để điều khiển đoàn tàu đi đúng bản đồ và lịch trình chạy tàu, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Hệ thống sẽ hiển thị các thông số như vận tốc cho phép, vận tốc thực tế của đoàn tàu, vận tốc cho phép của điểm kế tiếp, khoảng cách đến điểm thay đổi vận tốc kế tiếp, thời gian quy định của hành trình…
So với hộp đen được trang bị sẵn trên các đoàn tàu, thiết bị này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn. Hệ thống này có độ tự động hóa cao, có khả năng đưa ra những cảnh báo cho lái tàu khì vượt quá vận tốc cho phép. Nếu sau 5 giây lái tàu không giảm tốc độ, hệ thống sẽ tự động cấp tín hiệu ngắt hệ thống truyền lực, nếu vận tốc đoàn tàu vẫn không giảm, hệ thống này sẽ gửi thông tin đến bộ phận hãm và tự động dừng đoàn tàu.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, hệ thống hiển thị và kiểm soát tốc độ đoàn tàu không phải là công nghệ mới, tuy nhiên việc áp dụng công nghệ này vào trong lĩnh vực an toàn cho các đoàn tàu là một nỗ lực lớn của các tác giả. Trong phần trình bày, tác giả Thu Hương rất tâm đắc với các thuật toán do nhóm đã dày công xây dựng để hiển thị chính xác gần như tuyệt đối các điểm mốc cần thay đổi tốc độ đoàn tàu.
Hệ thống này hoạt động dựa trên bản đồ số của đường sắt Việt Nam thông qua kết nối GPS với vệ tinh và một thiết bị gắn với đầu trục của đoàn tàu. Khi tàu đi qua hầm hoặc mất tín hiệu GPS hệ thống đọc trực tiếp trên đầu trục sẽ hoạt động và tiếp tục cung cấp các thông tin cho hệ thống. Một trong những ưu điểm của sản phẩm này là khả năng lập báo cáo chi tiết bản đồ chạy tàu, hệ thống sẽ liệt kê và báo cáo những vi phạm về tốc độ nhanh chóng và chính xác với đầy đủ chi tiết như vận tốc, lý trình, thời gian, tên lái tàu, số hiệu đoàn tàu…
Phản biện của Hội đồng giám khảo cho rằng, vấn đề cần lưu ý đối với sản phẩm là độ tin cậy về sự an toàn của thiết bị cũng như giá thành và tỷ lệ nội địa hóa. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đối với hệ thống đường sắt nếu nó được cơ quan chức năng lựa chọn và sử dụng đại trà trong thời gian tới.
Các sản phẩm chấm trong sáng 18/11:
Phần mềm quản trị toà soạn - công cụ đắc lực cho các toà soạn báo
Hiện nay, công tác quản lý nhân sự và tin bài ở nhiều toà soạn gặp rất nhiều phức tạp. Tin bài nhiều khi không được quản lý chặt chẽ, gây khó khăn cho người quản lý cũng như làm chậm tiến độ cập nhật thông tin. Thấy được thực tế này, nhóm tác giả Hà Kiên Tân, Vũ Văn Quý và Bùi Tường Vũ đã dày công xây dựng phần mềm quản trị toà soạn với mong muốn phần mềm sẽ hỗ trợ đắc lực cho nghiệp vụ quản trị của toà soạn.
Mở đầu, thí sinh Hà Kiên Tân khẳng định, phần mềm quản lý toà soạn không phải một toà soạn điện tử, mà chỉ hỗ trợ công việc cho người quản lý và phóng viên. Phóng viên thay vì phải gõ bài trên một phần mềm soạn thảo, có thể viết trực tiếp lên phần mềm, hoặc cũng có thể gửi kèm file như gửi thư điện tử.
Phần mềm gồm các mục chính như Quản lý tin bài, đưa tin bài vào hệ thống, báo cáo tuần, thảo luận và lệnh, theo dõi hiệu suất làm việc… Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ xuất ra bài vở (đã biên tập) cho báo giấy và báo in. Chức năng tìm kiếm thông tin trên mạng qua từ khoá cũng tỏ ra khá hay.
Nhóm tác giả cũng đưa ra những chức năng cần hoàn thiện như Kho tư liệu cá nhân, Thống kê những hình ảnh đã sử dụng (chức năng rất hay và cần thiết đối với các TS báo), quy trình xử lý cho nhiều ấn phẩm trong cùng một TS… Thí sinh Bùi Tường Vũ khẳng định: Phần mềm chỉ có một quy chuẩn chung, còn khi áp dụng vào từng toà soạn thì sẽ theo đặc thù của toà soạn đó để có những điều chỉnh thích hợp.
Ở phần phản biện, BGK đánh giá phần mềm này khá tiềm năng, tuy nhiên cần phải có những cải tiến đáng kể hơn. Những tiện ích quan trọng và cần thiết như nhắn tin, trao đổi công việc, có dữ liệu mở mang tính thông báo để ngay cả người không có acount cũng có thể truy xuất. Để thêm thân thiện, phần mềm này cần tích hợp thêm modun báo điện tử.
Một số ý kiến cho rằng phần mềm này khô cứng và chưa thực sự gần gũi với những công việc đặc thù của các toà soạn báo. Đặc biệt, phần được phản biện nhiều nhất là tính xác thực của những thông tin khi nhập vào. Làm sao để chứng minh thông tin ấy là đúng, và người gửi chắc chắn phải chịu trách nhiệm. Trước những câu hỏi này, nhóm tác giả đã gặp bối rối.
Kết thúc phần thi, BGK đánh giá khá cao sản phẩm. Nhóm tác giả cũng thừa nhận, một số gợi ý về hướng phát triển của sản phẩm là rất xác đáng.
Giải pháp VieBPM trong quản lý quy trình nghiệp vụ và hệ thống quản lý ISO trực tuyến
Phần mềm này đã thể hiện sự “trung thành” của nhóm với Windows của Microsoft khi tất cả các bản demo trình bày phản biện chỉ xoay quanh vấn đề chứng từ thanh toán trực tuyến và quản lý chất lượng ISO với CSDL được tạo hoàn toàn bằng MS Office trong môi trường Windows.
Các thành viên Hội đồng giám khảo đã tập trung chất vấn trưởng nhóm Nguyễn Võ Long về những khả năng ứng dụng của sản phẩm ngoài môi trường các ứng dụng của Microsoft song rất tiếc sản phẩm chưa thể hoàn thiện được các modul này. Long khá bản lĩnh trước hàng loạt câu hỏi hóc búa của Hội đồng giám khảo. Tuy nhiên, quá tự tin nên nhiều lúc những thuyết trình của anh về sản phẩm lại ở “tương lai gần” - chỉ mới là ý tưởng! Thực tế sản phẩm chưa cập nhật được những khả năng ứng dụng mà BGK đặt ra.
Sản phẩm này tập trung vào giải pháp VieBPM trong quản lý tự động hoá quy trình nghiệp vụ thế hệ 3 với hệ thống website phân cấp có 3 tầng rõ rệt. Hệ thống site này có khả năng cung cấp thông tin đến tận từng máy trạm và cả các thiết bị cầm tay PDA rất thuận lợi cho việc cập nhật các thông tin phục vụ công việc.
Một vấn đề đáng quan tâm của sản phẩm này là khả năng quản lý tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 trực tuyến hiện nay chưa thể áp dụng độc lập tại Việt Nam. Khả năng kết nối và tương thích với hệ thống quản lý chất lượng của nhà nước là vấn đề cần được triển khai hoàn thiện.
IRP Solution - Quản trị tổng thể doanh nghiệp theo mô hình ERP
Quản trị doanh nghiệp theo mô hình ERP một cách tổng thể là một công nghệ còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Phí Anh Tuấn, đại diện công ty A-Z cho biết, ngay cả khi ra nước ngoài trao đổi nghiệp vụ và quảng bá sản phẩm, nhiều người vẫn nghĩ anh nói khoác.
Sản phẩm dự thi Nhân tài đất Việt lần này của nhóm Anh Tuấn là công sức của hơn 160 cán bộ, nhân viên thuộc công ty A-Z tập trung xây dựng, hoàn thiện. Đây cũng là sản phẩm tốn khá nhiều thời gian và công sức để xây dựng các modul nghiệp vụ riêng biệt cùng hoạt động tương thích với nhau. Một khó khăn nữa là việc tập hợp và nhập CSDL cho hệ thống hết sức vất vả, nó đòi hỏi những thao tác tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết.
Sản phẩm của nhóm A-Z là một hệ thống quản lý thông tin đồ sộ dành cho các doanh nghiệp vừa và lớn, hoặc các tổng công ty với nhiều tình năng: quản trị đặt hàng, bán hàng, quản lý công nợ, quản trị nhân sự… Trình bày trước Hội đồng giám khảo, Phí Anh Tuấn tâm sự: “vấn đề đăng ký bản quyền cho sản phẩm đang là nỗi bức xúc của anh. Đã nhiều lần công ty A-Z tiến hành đăng ký bản quyền nhưng do quá nhiều thủ tục nên đến nay vẫn chưa hoàn tất được khâu này”.
Tuấn cho biết, mặc dù sản phẩm có hơn 160 người tham gia nhưng anh khẳng định nó là sản phẩm của cả công ty nên sẽ không có chuyện bất kỳ cá nhân nào thắc mắc hay kiện tụng về bản quyền.
Theo một thành viên Hội đồng giám khảo, để sản phẩm này mang tính ứng dụng rộng rãi thì vấn đề bảo mật trên các trình duyệt cần được lưu ý nâng cấp thêm.
Phần mềm Midi Utility - hướng tới các nhạc sỹ chuyên nghiệp
Nhóm tác giả Nguyễn Anh Kiệt và Trần Việt Hưng (TPHCM) đã mang tới hội thi phần mềm multimedia duy nhất, tính tới thời điểm này. Tính năng ưu việt nhất của phần mềm là khả năng tự tìm giọng, tự tìm hợp âm, ngay cả đối với giọng phức.
Người sử dụng chỉ việc nhập vào một file MIDI, hệ thống sẽ tự nhận dạng tất cả các hợp âm có trong bản nhạc, đồng thời phân ra các loại nhạc cụ chơi trong bản nhạc. Phần mềm tích hợp 128 loại nhạc cụ, người sử dụng có thể thay đổi các chế độ chơi theo ý muốn. Theo tác giả Trần Việt Hưng, phần mềm này sẽ tạo môi trường ảo lý tưởng cho các nhạc sỹ sáng tác, nhạc sỹ có thể nghe lại tác phẩm của mình ngay sau khi sáng tác, cũng có thể chọn phong cách thích hợp cho bản nhạc.
BGK đánh giá sản phẩm có giao diện đẹp, khá chuyên nghiệp. Midi Utility nhận diện chính xác bản nhạc. Tuy nhiên, một số chức năng nhỏ không có nút tùy chỉnh, gây khó khăn cho người mới sử dụng. Giao diện bằng tiếng Anh cũng là một cản trở với người dùng không biết ngoại ngữ.
Một số ý kiến cũng cho rằng sản phẩm này áp dụng vào các trường phổ thông là không hợp lý, bởi nó hướng tới những người am hiểu sâu sắc về âm nhạc, phù hợp với các nhạc sỹ chuyên nghiệp.
Trưởng nhóm Nguyễn Anh Kiệt cho biết, sản phẩm đã được bán rộng rãi trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam lại chưa nhiều người biết tới. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đánh giá đây là sản phẩm rất lý thú và có nhiều tiềm năng thương mại.
5 sản phẩm chấm trong chiều 17/11:
Hệ quản trị CSDL XTF 1.0 trên Windows - phổ biến lập trình bằng tiếng Việt
Người khai cuộc vòng thi chung khảo chiều nay là thí sinh Trần Văn Thắng với sản phẩm “Hệ quản trị CSDL XTF 1.0 trên Windows”. Đây là sản phẩm công cụ lập trình trong lĩnh vực cơ sở dữ liệu. Ưu điểm cuản nó là có thể lập trình song ngữ nên rất tiện dụng cho tất cả mọi người. Hệ quản trị này là công cụ nền tảng để các nhà lập trình viết ra các chương trình ứng dụng khác trong nền tảng HĐH Winddows như các chương trình kế toán, tiền lương, quản lý hành chính…
Trao đổi cùng phóng viên Dân trí trước khi bước vào phòng bảo vệ, anh Thắng cho biết: “Quan điểm của tôi khi tham gia cuộc thi Nhân tài đất Việt không phải là giải thưởng mà mong muốn được mang sản phẩm này phổ biến kiến thức lập trình cho mọi người. Chẳng hạn, hiện nay trong các trường học phổ thông vẫn dạy DOS, học sinh rất khó hiểu, với ngôn ngữ lập trình này, 100% sẽ được viết bằng tiếng Việt, học sinh sẽ dễ hiểu hơn”.
Là sản phẩm được trình bày mở màn trong vòng chung kết nên BGK cũng không giành nhiều câu hỏi phản biện cho thí sinh. Tuy nhiên, khi trình bày về sản phẩm của mình, thí sinh Trần Văn Thắng rất bức xúc trước thực trạng phổ biến sản phẩm công nghệ do chính các nhà lập trình trong nước tâm huyết viết nên hiện nay còn đang hết sức khó khăn, nếu không nói là ít có cơ hội phổ biến.
“Vấn đề bức xúc nhất đối với chúng tôi là tiếp cận thị trường. Trước đây, sản phẩm này chỉ là một công cụ kèm theo những chương trình ứng dụng được viết trên nền tảng của hệ quản trị này. Tôi hoàn toàn có thể tự kiếm tiền từ nó nhưng vẫn mong muốn phổ biến sản phẩm này cho tất cả mọi người. Khi đọc trên mạng internet thấy tôn chỉ của cuộc thi Nhân tài đất Việt tôi lập tức đăng ký tham gia ngay cũng không ngoài mục đích này”.
Thành phần BGK
Chủ tịch Hội đồng chung khảo: GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Giám đốc ĐH Công nghệ
Các thành viên BGK: - Ông Trần Quốc Thắng - Thứ trưởng Bộ KH và CN - Ông Nguyễn Long - Tổng thư ký hội tin học Việt Nam - Ông Tạ Quang Tiến - Cục trưởng Cục Công nghệ tin học - Ngân hàng nhà nước - Ông Hoàng Lê Minh - PGĐ Sở Bưu chính viễn thông TPHCM |
Theo anh Thắng, nỗi buồn nhất của người làm công nghệ thông tin như anh là không thể phổ biến sản phẩm của mình bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ, khi mà sản phẩm này đã được tích hợp đầy đủ các tính năng nhận biết và hỗ trợ tiếng Việt. “Thật buồn khi sản phẩm của mình làm ra hoàn toàn thuần Việt nhưng phải khuếch trương, tiếp thị bằng tiếng Anh, tôi chọn giải pháp lập trình song ngữ nhưng thật khó khăn khi phổ biến nó bằng tiếng mẹ đẻ” - anh Thắng nghẹn ngào phát biểu trước hội đồng giám khảo.
MyViệtNam.net - hướng tới xuất khẩu phần mềm
Nhóm MyVietnam đến từ TPHCM do Nguyễn Ngọc Minh đại diện đã trình bày sản phẩm “Giải pháp cung cấp thông tin trực tuyến tích hợp cổng thông tin mvnForum và mvnCMS” khá sinh động, gây được chú ý của BGK với vấn đề gia công xuất khẩu phần mềm. Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch hội đồng quản trị TCT điện tử - tin học Việt Nam, điều đáng quan tâm nhất là ý tưởng sáng tạo đến đâu và vấn đề thương mại hoá các sản phẩm mã nguồn mở.
Hội đồng phản biện đã đánh giá cao khả năng làm chủ công nghệ của nhóm khi áp dụng công nghệ đã được sử dụng trong nhiều sản phẩm nổi tiếng khác trên thế giới. Sự sáng tạo và khác biệt của sản phẩm này so với những sản phẩm cùng loại đã được BGK chất vấn nhiều nhất đối với Minh.
Hệ thống thông tin Việt Nam (Vietnam.net) - “Ebay” của Việt Nam?
Một “sự cố” nho nhỏ xảy ra đối với nhóm Thế hệ trẻ khi sản phẩm mang ra trình bày lại khác với sản phẩm đã chấm tại sơ khảo. Theo giải thích của nhóm, họ chỉ trình bày một trong 5 thành phần của Hệ thống thông tin Việt Nam là chodientu.com và đây cũng là bản đã được update so với vòng sơ khảo. Trục trặc này có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả của nhóm vì theo một thành viên BGK việc sản phẩm chung khảo khác hẳn với sản phẩm sơ khảo có thể bị coi là “phạm quy”.
Tuy vậy, đại diện nhóm Tuấn Anh vẫn rất tự tin khi trình bày trôi chảy ý tưởng “Chợ điện tử”. Một trong những điểm đặc biệt của sản phẩm là khả năng đấu giá trực tuyến các mặt hàng được rao bán, đây là tính năng ít thấy ở các trang Mua bán - Rao vặt hiện nay.
Thư viện phát triển các ứng dụng đồ họa RADLib - sản phẩm sáng tạo đầy tiềm năng
Sản phẩm của Phạm Hữu Ngôn và nhóm BK02, sinh viên năm cuối đến từ ĐH Bách Khoa TPHCM. Ngôn bước vào phần trình bày với phong cách khá tự tin. Sản phẩm được giới thiệu là cầu nối cho những người làm quen với đồ hoạ, vốn là lĩnh vực cực kỳ phức tạp, đòi hỏi người sử dụng phải có am hiểu về nhiều lĩnh vực.
Ở phần phản biện, hầu hết giám khảo đều hỏi nhiều câu khá phức tạp liên quan tới đồ hoạ và Ngôn ứng đối trôi chảy. BGK đánh giá sản phẩm này có nhiều sáng tạo và đầy tiềm năng.
Ngôn cho biết, em đang ấp ủ rất nhiều dự định. Phần việc trước mắt (cũng là niềm say mê) là em sẽ hướng sản phẩm tới giáo dục, mô hình hoá các công thức toán học, vật lý, hoá học…
Ngôn cũng nói, trước mắt em và các bạn trong nhóm không kỳ vọng vào tính thương mại của sản phẩm này bởi Ngôn muốn dành thời gian và tâm trí để phát triển kỹ thuật cho sản phẩm hơn là kiếm tiền với nó.
Hệ thống khai thác và quản lý đào tạo trực tuyến JELS
Nhóm cuối cùng tham gia cuộc thi chung khảo trong chiều 17/11 là nhóm Tự Lập. Sản phẩm “Hệ thống khai thác và quản lý đào tạo trực tuyến JELS.
Mô hình đào tạo trực tuyến đã có khá nhiều tại Việt Nam. Theo đánh giá của BGK, sản phẩm của nhóm Tự Lập đưa ra lần này không có yếu tố mới mẻ, sáng tạo. Sản phẩm được xây dựng trên cơ sở dữ liệu MySQL. BGK cũng có đề cập tới một số nhược điểm của phần mềm này: Chưa có phần backup - phần đặc biệt quan trọng đối với một hệ thống đào tạo trực tuyến, tính bảo mật của sản phẩm cũng chưa cao.
Nhóm PV