Nhiều phụ huynh Đà Nẵng "quay xe" cho trẻ lớp 1 đi học ở phút… 89
(Dân trí) - Mặc dù còn e ngại, chưa muốn cho con trẻ trở lại trường học trong tình hình dịch Covid-19 khó lường, sau khi "thị sát" các cơ sở giáo dục, nhiều phụ huynh "quay xe" cho trẻ đi học lại ở phút… 89.
Sau khi học sinh các trường THPT bắt đầu trở lại trường học trực tiếp từ 1-2 tuần trước, hôm nay 6/12, học sinh khối lớp 1 ở các trường Tiểu học và các khối 8,9 ở các trường THCS đến trường học theo kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và ngành giáo dục - đào tạo TP Đà Nẵng thống nhất, với các quy trình tổ chức dạy và học trực tiếp chặt chẽ trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường.
Trước đó, qua khảo sát về việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho trẻ lớp 1 đến trường học khá khiêm tốn. Tuy nhiên, đến hôm nay (6/12), nhiều phụ huynh đã cho con em đến lớp học.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ: Hôm qua, số phụ huynh đồng ý cho trẻ lớp 1 đến trường học trực tiếp chỉ khoảng 20%, nhưng đến sáng nay, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp gần 50%.
Theo Hiệu trưởng Phong, nhiều phụ huynh trình bày tâm tư chưa an tâm con trẻ đi học lại, vì các em còn quá bé, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vẫn có F0 trong cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi phụ huynh trực tiếp đến trường, thấy công tác vệ sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo phòng, chống dịch bệnh được tổ chức nghiêm ngặt, nhiều phụ huynh đã đổi ý.
Với học sinh lớp 1 chưa đến trường học trực tiếp, cũng như các trường Tiểu học tại Đà Nẵng, nhà trường sẽ có hình thức giao bài về nhà để phụ huynh hướng dẫn các con học.
"Khi tổ chức dạy học học trực tiếp thì nhà trường khó bố trí giáo viên dạy trực tuyến cho học sinh ở nhà, nên sẽ giao bài tập về cho phụ huynh hướng dẫn các em học. Thật sự, tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh lớp 1, vì chương trình chủ yếu là các bài học rèn luyện kỹ năng, cần dạy và học trực tiếp để giáo viên hướng dẫn các em hiệu quả hơn", Hiệu trưởng Phong nói.
Đối với học sinh khối Trung học cơ sở, trao đổi với Dân trí, nhiều hiệu trưởng cho biết, tỷ lệ học sinh khối 8, 9 đến trường học rất cao.
Ông Nguyễn Đức Tú Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) - cho biết: Tỷ lệ học sinh khối 8, 9 đến trường học đạt gần 100%, lớp vắng nhiều nhất chỉ vắng 2 em.
Theo Hiệu trưởng Tú Anh, so với bậc Tiểu học, tâm lý của phụ huynh học sinh THCS "vững" hơn. Các em học sinh khối 8, 9 hầu hết đã được tiêm vaccine mũi một và độ tuổi của học sinh đã lớn, các em hoàn toàn tự trang bị được kỹ năng phòng, chống dịch bệnh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, hôm nay 6/12, có 19 trường Tiểu học (tỷ lệ 19% so với tổng số cơ sở trên địa bàn thành phố), 10 trường THCS (17%) chưa thể tiến hành dạy học trực tiếp do các điểm trường nằm ở vùng dịch cấp độ 3. Có 3 trường THPT và 1 trung tâm GDTX chuyển sang dạy trực tuyến (do cấp độ dịch). Một trường THPT dạy trực tiếp lớp 12; dạy trực tuyến lớp 10,11 (do nhiều học sinh ở vùng cấp độ 3).
Ngoài lý do học sinh đang ở khu vực phong tỏa, cách ly y tế, đang ở tỉnh ngoài chưa thể trở về, đang ở vùng cấp độ, mức độ 3 chưa đến trường theo quy định, một số học sinh vắng mặt do phụ huynh chưa an tâm cho con đến trường.
Theo khảo sát sơ bộ của Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà, có 8/12 trường Tiểu học tổ chức dạy và học trực tiếp lớp 1, tỷ lệ đi học trực tiếp tại các trường này gần 70%; bậc THCS có 8/8 trường tổ chức học trực tiếp lớp 8,9, tỷ lệ đi học trực tiếp buổi sáng (lớp 9) tại các trường này gần 98%.
Đối với quận Hải Châu, có 2.472 học sinh lớp 1 đi học trực tiếp, đạt tỷ lệ 61%; bậc THCS 7.293 học sinh các khối lớp 8,9 đến trường học, đạt tỷ lệ gần 98%.
Theo hướng dẫn của ngành y tế Đà Nẵng, khi phát hiện có F0 trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, các trường học phong tỏa tạm thời ngay một phần hoặc toàn bộ trường học tùy theo mức độ di chuyển, tiếp xúc của ca bệnh; thông báo và phối hợp với Trạm y tế, Trạm y tế đóng trên địa bàn để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; lập tức tách F0 và đưa F0 đi cách ly, điều trị tại nhà. Hiện UBND thành phố đã phê duyệt kế hoạch chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Rà soát ngay để phát hiện toàn bộ học sinh, giáo viên, người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong trường học và đang ở trong cộng đồng. Tổ chức ngay việc cách ly tạm thời các ca bệnh nghi ngờ tại trường học và tổ chức lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng.