Nhiều giáo viên ở Nghệ An cầu cứu trước nguy cơ bị cắt lương
(Dân trí) - Cống hiến gần 20 năm vẫn không được vào biên chế, giờ đây, 9 giáo viên hợp đồng công tác tại các Trường THCS huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang lo lắng khi nhận thông báo bị dừng chi trả lương.
Hàng chục năm công tác vẫn là giáo viên hợp đồng
Thầy Vũ Ngọc Việt (42 tuổi) - giáo viên Trường Tiểu học THCS Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - cùng 8 giáo viên khác đang công tác tại một số trường THCS trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã viết đơn kiến nghị gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
"Vừa qua, tôi bất ngờ và thất vọng khi nhận được thông báo 9 giáo viên hợp đồng tại THCS (trong đó có tôi) sẽ bị tạm dừng chi trả lương từ tháng 1/2024.
Chúng tôi đều tốt nghiệp đại học sư phạm, thậm chí có người là Thạc sĩ, được UBND huyện Quỳnh Lưu hợp đồng vào giảng dạy ở bậc THCS, có đóng bảo hiểm xã hội. Đến nay, người có thời gian công tác nhiều nhất là 18 năm, người ít nhất cũng 13 năm", thầy Việt chia sẻ.
Cũng theo thầy Việt, trong quá trình công tác, họ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những đóng góp chuyên môn đã được phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp và cấp trên ghi nhận.
"Chờ đợi suốt hàng chục năm, hy vọng có cơ hội được vào biên chế nhưng mãi không được, giờ đây, chúng tôi đang đứng trước nguy cơ làm việc không lương. Như vậy thật quá bất công với những giáo viên lâu năm như chúng tôi", thầy Việt chia sẻ thêm.
Năm 2006, tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, thầy Việt về công tác tại Trường THCS Quỳnh Tiến với mức lương 350.000 đồng/tháng. Sau 5 năm, thầy chuyển về Trường THCS Quỳnh Mỹ công tác 5 năm rồi tiếp tục được phân công đi tăng cường tại Trường THCS Tân Sơn 5 năm. 3 năm nay, thầy Việt về công tác tại Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Mỹ.
Thầy Việt cho biết, cả 2 vợ chồng đều là giáo viên. Để bám trụ với nghề bằng đồng lương ít ỏi, ngoài giờ đến lớp, tranh thủ ngày cuối tuần, hè, Tết… thầy phải đi làm thêm cho một xưởng gỗ để trang trải cuộc sống gia đình.
Sau 18 năm công tác, đầu năm 2023, thầy Việt mới nhận được mức lương cao nhất là hơn 4,7 triệu đồng/tháng. Nhưng rồi, niềm vui chưa được bao lâu thì vừa rồi, thầy lại lo lắng khi được thông báo lương của mình bị tạm dừng chi trả.
Cùng tâm trạng như thầy Việt, thầy Hồ Anh Dũng (45 tuổi) và thầy Nguyễn Cảnh Cầm (44 tuổi), cùng công tác tại Trường THCS Quỳnh Tân tỏ ra bất bình khi nhận được thông báo trên.
Năm 2006, thầy Dũng tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ rồi về dạy môn Giáo dục công dân tại Trường THCS Quỳnh Tân với mức lương 600.000 đồng/tháng.
"Năm 2008, tôi được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng có đóng Bảo hiểm xã hội và hưởng mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng, sau đó nâng dần lên hơn 3 triệu đồng/tháng.
Năm 2023, mức lương của tôi được điều chỉnh theo vùng, nâng lên 4,9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến tháng 1/2024, những giáo viên hợp đồng như tôi bị cắt lương. Vợ tôi là công chức xã, con tôi bị khuyết tật phải điều trị hàng chục năm ròng.
Cuộc sống khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ với nghề. Đến nay, khi đã ngót 20 năm gắn bó với nghề vẫn chưa được vào biên chế; giờ đứng trước nguy cơ làm việc không công", thầy Dũng buồn bã nói.
"Tháng tiếp theo thì tôi cũng chưa thể trả lời được"
Huyện Quỳnh Lưu hiện có 9 giáo viên hợp đồng cấp THCS. Họ đều đã tốt nghiệp đại học sư phạm và được UBND huyện Quỳnh Lưu hợp đồng giảng dạy có đóng BHXH. Đến nay, người có thời gian công tác nhiều nhất gần 20 năm, ít cũng 12 năm.
Trước đó, những giáo viên này chỉ được hưởng với mức lương có hệ số 1,78; không được tính phụ cấp thâm niên công tác, không được tăng lương theo chính sách tiền lương hiện hành của Nhà nước.
Kể từ ngày 1/1/2023, họ được nhận mức lương 4,7 và 4,9 triệu đồng/tháng (do hưởng lương theo vùng), giờ thì có thông báo bị cắt lương.
Thầy Đàm Xuân Hải (43 tuổi) là Thạc sĩ toán học, hiện công tác tại Trường THCS Cầu Giát, chia sẻ: "Từ 2010 đến nay, tôi vẫn là một giáo viên hợp đồng với mức lương hơn 4,7 triệu đồng/tháng. Sang 2024, tôi lại có nguy cơ thất nghiệp khi nhận được thông báo tạm dừng chi trả lương".
Cô Lê Thị Mai (44 tuổi), giáo viên dạy hóa, Trường THCS Quỳnh Lâm cũng là một trường hợp tương tự. Sau 19 năm công tác, ngoài giờ lên lớp, cô Mai phải làm thêm để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình và gắn bó với nghề.
Chừng ấy năm cống hiến, nhìn những người đồng nghiệp của mình lần lượt được vào biên chế, cô lại ngậm ngùi, tủi thân khi bản thân chờ đợi vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng...
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, cho biết trên địa bàn huyện có 24 nhân viên và giáo viên hợp đồng tại các trường không theo kế hoạch, lương tháng 1/2024 sẽ không được duyệt chi. Nguyên nhân là do bị vượt số lượng hợp đồng mà UBND tỉnh Nghệ An đã giao năm 2024.
"Sau khi các giáo viên, nhân viên có kiến nghị, cùng với sự chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, sáng 29/1, tôi đã ký văn bản gửi Kho bạc Nhà nước huyện Quỳnh Lưu đề nghị duyệt chi tiền lương tháng 1/2024 cho các đối tượng trên. Còn các tháng tiếp theo thì tôi cũng chưa thể trả lời được", ông Thưởng nói.