Nhiều điểm mới trong dự thảo quy chế thi THPT quốc gia
Bộ GD&ĐT vừa ban hành bản dự thảo quy chế thi THPT quốc gia lần thứ 2 nhằm lấy ý kiến các đơn vị cơ sở. Điểm mới của quy chế lần này là quy định nhiều nội dung về công tác đề thi, chấm thi, phúc khảo cũng như xử lý các sự cố bất thường có thể xảy ra trong kỳ thi.
Năm 2019 sẽ thi toàn bộ chương trình THPT
Mục đích của kỳ thi vẫn nhằm lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đồng thời làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Kỳ thi năm nay được tổ chức thành 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, KHTN, KHXH. Còn thí sinh đến từ các trung tâm giáo dục thường xuyên nếu chỉ xét tốt nghiệp thì chỉ cần làm 4 bài thi gồm 3 môn cơ bản là một môn tự chọn.
Chương trình thi vẫn cơ bản nằm trong chương trình lớp 12. Riêng đến năm 2018, nội dung thi sẽ nằm có trong chương trình lớp 11 và lớp 12. Từ năm 2019 trở đi nội dung thi THPT quốc gia sẽ bao gồm toàn bộ chương trình THPT.
Số báo danh dài
Năm nay, quy chế quy định mỗi Hội đồng thi có một mã riêng và được thống nhất trên toàn quốc. Ở mỗi hội đồng thi việc lập danh sách thí sinh dự thi cho từng điểm thi được thực hiện theo cách: Lập danh sách tất cả thí sinh dự thi tại điểm thi theo thứ tự A, B,C…của tên thí sinh để đánh số báo danh. Hoặc lập danh sách thí sinh theo thứ tự A,B,C của tên thí sinh theo từng bài thi hoặc môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH để xếp phòng thi.
Mỗi thí sinh sẽ có một số báo danh duy nhất. Tuy nhiên, số báo danh của thí sinh năm nay quy định sẽ rất dài bao gồm 6 chữ số, trong đó ba số đầu là số thứ tự của địa điểm thi, các số tiếp theo được đánh tăng dần đến hết số thí sinh tại điểm thi đảm bảo không có số báo danh trùng nhau.
Phòng thi năm nay cũng dự kiến được xếp theo bài thi. Mỗi phòng vẫn duy trì tối đa 24 thí sinh. Trong phòng thi hai thí sinh ngồi cách nhau tối thiểu là 1,2m theo chiều ngang của bàn.
Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được xếp thi riêng ở một hoặc một số điểm thi. Thí sinh là học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên cũng được xếp thi riêng khi làm bài thi môn KHXH.
Các hội đồng thi được công bố kết quả thi sau khi chuyển hết dữ liệu về bộ. Bộ giáo dục sẽ chịu trách nhiệm trong việc quản lý dữ liệu thi của thí sinh. Các sở dùng kết quả đó để xét tốt nghiệp THPT, các trường ĐH, CĐ dùng để xét tuyển.
Đề thi yêu cầu phải rõ ràng
Về đề thi, năm nay quy chế yêu cầu đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh vừa đáp ưng yêu cầu cơ bản để xét tốt nghiệp vừa đảm bảo yêu cầu nâng cao để xét tuyển ĐH. Ngoài ra, đề phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính sự phạm. Lời văn, câu chữ rõ ràng. Riêng đề thi tự luận phải ghi rõ điểm số của mỗi câu hỏi. Điểm của bài thi tự luận hay trắc nghiệm được quy về thang điểm 10.
Việc in sao đề thi tại các địa phương phải thực hiện ở một địa điểm an toàn, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt đến khi thí sinh thi xong môn cuối cùng.
Cũng như mọi năm thành viên làm đề đều phải cách ly triệt để với bên ngoài. Toàn bộ quá trình giao nhận, vận chuyển đề thi phải được công an giám sát.
Về chấm thi, năm nay chỉ có môn Ngữ văn là bài thi tự luận. Cán bộ sẽ chấm theo barem điểm của bộ với thang điểm 10 và lấy đến 0,25 không quy tròn điểm.
Còn các môn trắc nghiệm khác, các bài thi được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dung do bộ cung cấp. Tuy nhiên, trong quá trinnhf chấm thi, các bộ phận giám sát phải làm việc nghiêm túc từ khi mở túi bài thi đến khi kết thúc.
Cũng như mọi năm, năm nay tất cả thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi. Thí sinh đăng ký dự thi ở đâu thì phúc khảo tại đó. Trường THPT sẽ nhận đơn phúc khảo trong 10 ngày sau khi công bố kết quả thi. Riêng hội đồng thi phải công bố kết quả sau 15 ngày nhận được đơn của thí sinh.
Theo Nguyễn Hà
Tiền Phong