Nhiều địa phương đổi mới tư duy làm khuyến học
(Dân trí) - Tại Hội nghị Ban chấp hành khuyến học ngày 22/12, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết, nhiều địa phương đã có đổi mới, cách làm hay, giúp lan tỏa mạnh mẽ hoạt động khuyến học từ Trung ương đến địa phương.
Hội nghị Ban chấp hành khuyến học lần thứ tư được tổ chức trong bối cảnh từ trung ương đến địa phương huy động sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập, phấn đấu năm sau cao hơn năm trước.
Trên tinh thần đó, hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023, xác định những khó khăn, đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện công tác khuyến học năm 2024.
Phát triển quỹ khuyến học, năm sau cao hơn năm trước
Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động khuyến học năm 2023, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, các cấp hội từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang..., triển khai tích cực Quyết định 387/QĐ-TTg và Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, công dân học tập bước đầu có nhiều thuận lợi và kết quả nhất định.
Công tác tuyên truyền và thi đua khen thưởng trong năm nay có nhiều đổi mới, lan tỏa trong cộng đồng đó là chương trình "Khuyến học - Hành trình tri thức", phong trào thi đua "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" do Thủ tướng phát động.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt tiếp tục được duy trì và phát triển đã trở thành giải thưởng có quy mô lớn và uy tín trong xã hội.
Công tác xây dựng và phát triển quỹ khuyến học các cấp tuy gặp khó khăn nhưng vẫn được duy trì và phát triển, bình quân năm sau cao hơn năm trước, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng, phát triển quỹ khuyến học - khuyến tài, tích cực hỗ trợ các học sinh khó khăn duy trì học tập, tuyên dương khuyến khích tài năng trẻ, khen thưởng động viên người lớn tuổi có thành tích trong học tập, lao động sáng tạo góp phần phát triển kinh tế cho gia đình và xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đồng thời tập trung làm rõ những vấn đề trong triển khai các văn bản từ Trung ương Hội, các chương trình của Chính phủ về khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đưa ra kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn về kinh phí thực hiện, chế độ đãi ngộ...
Tuyên truyền, dân vận khéo về công tác khuyến học khuyến tài
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, hội ghi nhận sự nỗ lực của hội khuyến học các tỉnh, thành phố trong một năm vừa qua.
Đồng thời bà nhấn mạnh, nhận thức của cấp ủy, chính quyền về khuyến học - khuyến tài hết sức quan trọng. Do đó, các cấp hội cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, dân vận khéo về khuyến học - khuyến tài.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, hội khuyến học các cấp tiếp tục thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg và 677/QĐ-TTg với cách làm sáng tạo hơn, thông qua việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Thông tư 22/2022/TT-BGDĐT và Thông tư 44 /2014/TT-BGDĐT; hoàn thiện phần mềm đánh giá, công nhận danh hiệu Công dân học tập.
Các hội khuyến học tích cực liên hệ với Tạp chí Công dân và Khuyến học để đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến học - khuyến tài; tiếp tục trao học bổng Học không bao giờ cùng ở cả 3 miền.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan cũng tổng kết những bài học trong công tác khuyến học của các địa phương. Trong đó, khẳng định vai trò của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đối với công tác khuyến học - khuyến tài.
Tại hội nghị, một số đại biểu cho biết, khó khăn nhất hiện nay là công tác phát triển quỹ ở địa phương.
Chẳng hạn Hà Tĩnh, việc vận động quỹ luôn khó khăn nhưng địa phương này đã tăng cường vận động tham gia của các cấp lãnh đạo chính quyền, tăng cường xã hội hóa.
Nhờ cách làm này, vài năm qua, địa phương tổ chức trao học bổng cho con em Hà Tĩnh đang theo học ở Hà Nội, TPHCM và sắp tới tổ chức thêm ở Đà Nẵng.
Tỉnh Sơn La, trước đây một số huyện "trắng" quỹ nhưng hiện nay có những huyện vận động được hàng trăm triệu đồng, có huyện quỹ khuyến học lên đến hàng tỷ đồng.
Về công tác phát triển quỹ, theo TS Nguyễn Thị Doan, các cấp hội cần nắm chắc doanh nghiệp, nắm vững tình hình, chủ động đề nghị để doanh nghiệp cùng tham gia khuyến học; đổi mới mạnh mẽ công tác khuyến học; theo sát đến cùng, nghiên cứu kỹ càng, tham mưu trúng về khuyến học - khuyến tài cho cấp ủy, chính quyền.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam ghi nhận sự nỗ lực của hội khuyến học các tỉnh, thành phố trong một năm vừa qua. Trung ương Hội ghi nhận, tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu, và sẽ chỉnh sửa báo cáo công tác hội để gửi Ban Chấp hành Trung ương Hội.