Nhiều ĐH loay hoay với đào tạo tín chỉ

(Dân trí) - Bắt đầu từ năm 2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học trong cả nước áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ nhưng đến thời điểm này mới khoảng 50 trường áp dụng. Tuy nhiên, những trường đã áp dụng hình thức này nhưng vẫn đang loay hoay tìm lối đi phù hợp.

Sinh viên chới với

Nói về  ưu và nhược điểm của đào tạo tín chỉ, minh chứng dễ nhất mà vừa qua báo chí đã phản ánh là hàng ngàn sinh viên các trường ĐH đã buộc phải thôi học khi học theo hình thức đào tạo này. Điển hình, năm đầu tiên ĐH Mỏ - Địa chất áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ nhưng kết thúc năm học, lãnh đạo nhà trường cũng “sốc” trước việc 856 sinh viên sẽ buộc thôi học vì không đáp ứng yêu cầu. Để “vớt” lại sinh viên, nhà trường đã tìm cách giảm bớt yêu cầu của đào tạo tín chỉ và “cứu” được 600 sinh viên tiếp tục theo học.

Trước đó, hơn 1.000 SV Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng bàng hoàng, sửng sốt trước nguy cơ bị buộc thôi học do không đủ điểm theo Quy chế 43. ĐH Huế cũng đã quyết định buộc thôi học đối với 202 SV toàn trường ĐH Khoa học Huế. Trong số này có 139 sinh viên năm 2 thuộc khóa 32 (khóa đầu tiên đào tạo theo hệ thống tín chỉ theo Quy chế 43 của Bộ GD-ĐT). Những SV này bị buộc thôi học với lý do kết quả học tập kém, không đủ điều kiện tiếp tục theo học.

Đối với hơn 1.000 SV bị xét buộc thôi học theo quy chế mới, Ban giám hiệu ĐH Đà Nẵng đã họp bàn và thống nhất là sẽ cho thôi học 161 SV kém nhất. Số còn lại, các em sẽ phải kéo dài thời gian học tập thêm 1 năm nữa để các em cải thiện lại điểm của mình. Trường ĐH Khoa học Huế đã đề nghị ĐH Huế cho phép rà soát và tổ chức thi lại đối với các SV nói trên. Đến ngày 7/4/2010, còn 107 SV bị buộc thôi học và trả về địa phương theo quyết định của ĐH Huế.

Nhà trường loay hoay

Sau thông tin hàng loạt SV bị thôi học vì nhà trường áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ. Dư luận cho rằng, nguyên nhân từ phía nhà trường đã không tư vấn kỹ cho các em khi đăng ký môn học, dẫn đến tình trạng nhiều em đăng ký nhiều quá học không xuể, hoặc có em không hiểu hết cách tích luỹ điểm tín chỉ nên chủ quan.

PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo ĐH Mỏ - Địa chất thừa nhận, nhiều giáo viên và sinh viên của trường vẫn còn lạ lẫm với phương thức đào tạo tín chỉ mới này.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, Quy chế 43, đào tạo tín chỉ hiện nay đưa ra mức yêu cầu cao hơn so với phông thực tế nên khi áp dụng các trường cũng không lường hết được kết quả lại xảy ra như vậy.  Khi sự việc sảy ra, Ban giám hiệu các nhà trường đều tìm cách gỡ rối. Nhưng với thang điểm mới khá rắc rối như quy định của Quy chế 43, cách gỡ rối nào thì cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đề nghị, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại Quy chế 43 vì yêu cầu cao hơn so với thực tế. Nếu áp dụng tín chỉ vội vã và làm không khéo thì còn gây rối loạn nhà trường - ông Thắng cảnh báo.
 
Nhiều ĐH loay hoay với đào tạo tín chỉ - 1
Học tín chỉ, nếu sinh viên lơ là sẽ trượt.

Ngay ĐH Xây dựng Hà Nội - trường đầu tiên ở khu vực phía Bắc áp dụng đào tạo tín chỉ từ những năm 1995, thì mỗi khóa SV sau 5 năm học cũng chỉ tốt nghiệp được khoảng hơn 70%. Số còn lại tiếp tục ở lại để trả nốt tín chỉ và chấp nhận ra trường muộn hơn, thậm chí có SV đến 7 - 8 năm mới ra trường.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Văn Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết: Trường chúng tôi vẫn đào tạo theo quy chế đào tạo tín chỉ tạm thời, chưa áp dụng quy chế 43 mới, năm nay chúng tôi mới áp dụng".

Tuy nhiên, ông Thành cho hay học theo hình thức tín chỉ, nếu SV lười học, không tự giác sẽ không theo kịp chương trình. "Mặc dù mỗi năm số SV bị trượt nhiều như vậy nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận để đảm bảo chất lượng".

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng thuộc vào trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt năm nay mới áp dụng đào tạo tín chỉ nhưng vẫn còn khá dè dặt.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Hữu Lập, phó giám đốc Học viện cho biết: “Đào tạo tín chỉ rất tốt, tạo cho sinh viên tính chủ động cao về thời gian và tính sáng tạo; sinh viên được chọn thầy, chọn thời gian, chọn người hướng dẫn… Tuy nhiên, học theo tín chỉ nếu sinh viên lơ là sẽ trượt ngay. Học niên chế mà năm nay chúng tôi cũng buộc thôi học hơn 100 sinh viên do học kém, thi lại khoảng 400 - 500 sinh viên. Sinh viên vẫn quen với nếp học phổ thông”.

Theo ông Lập, năm nay nhà trường áp dụng đào tạo tín chỉ nhưng trong thời gian vừa qua nhà trường đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ hệ thống quản lí, chương trình, phòng ốc, giáo trình và đội ngũ giảng viên… nhưng nhà trường vẫn lo vì chỉ cần thiếu một trong những thứ ấy thì không thể thực hiện được tín chỉ.

Điều ông Lập lo nhất vẫn là đội ngũ giảng viên. Mặc dù đến nay Học viện có gần 100 tiến sĩ, trong đó số trực tiếp giảng dạy chỉ khoảng 60 tiến sĩ nhưng hiện mỗi môn trường vẫn thiếu khoảng 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong khi nếu chuyển sang đào tạo tín chỉ thì cần rất nhiều giáo sư, tiến sĩ mới đáp ứng đủ nhu cầu đăng ký học cho SV.

Nhiều trường đại học lớn có bề dày đào tạo nhưng cũng trong tình trạng “hụt hơi” giảng viên có trình độ cao. Thiết nghĩ, những trường đại học mới thành lập làm sao có thể xây dựng được đội ngũ người thầy chỉ trong vài ba năm để đào tạo tín chỉ.

 

 

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho rằng, sinh viên của ta vẫn còn thói quen “bao cấp” nên rất bị động, lúng túng khi bước vào học tín chỉ. Nhà trường phải khắc phục được thói quen đó cho các em bằng cách chuẩn bị chu đáo chương trình đào tạo, niên lịch đào tạo, có sổ tay hướng dẫn cho sinh viên đăng ký, giám sát quản lý việc đăng ký môn học của sinh viên. Đào tạo tín chỉ còn đòi hỏi bộ máy quản lý và đội ngũ nhân viên hành chính rất chuyên nghiệp, trong đó phương thức quản lý cũng phải thay đổi: xây dựng chương trình phải đảm bảo tính liên thông và tính “cơ bản”.

Tín chỉ có ưu điểm, nhưng với những trường có số lượng sinh viên không đông, các môn học ở chuyên ngành khác nhau khó có tính liên thông, thì nên cân nhắc khi đào tạo tín chỉ. Không nên chạy theo hình thức mà “cố đấm ăn xôi”, làm chống chế; người gánh hậu quả không ai khác chính là sinh viên. Về phía Bộ GD-ĐT, cần sớm có một khảo sát, hoặc tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về thực trạng phương thức đào tạo này để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường khi áp dụng tín chỉ…

 

Hồng Hạnh