Nhiều cách làm sáng tạo để đổi mới dạy học ngoại ngữ

Trong quá trình đổi mới dạy học ngoại ngữ theo Đề án 2020, có nhiều cách làm mới, nhiều gương sáng điển hình sáng tạo, nhiều mô hình thực tiễn hiệu quả đã xuất hiện.

Điều này chứng minh tính đúng đắn của các mục tiêu đề ra, tính khả thi của các nội dung đổi mới, đó là những mô hình cần thiết được chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng.
 
Việc đổi mới dạy học ngoại ngữ đã đem lại những hiệu quả thiết thực
Việc đổi mới dạy học ngoại ngữ đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

Các trường phát huy tính chủ động

Tại Vĩnh Phúc, các trường điển hình đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm giúp học sinh tiếp cận với môn tiếng Anh một cách chủ động, tích cực tham gia vào bài giảng và nội dung trong giờ học. Học sinh cảm thấy được tiếng Anh thay vì phải học tiếng Anh.

Bên cạnh việc đổi mới giảng dạy, các trường điển hình đã tích cực triển khai nhiều nội dung học tập, hoạt động ngoại khóa.

Trường Tiểu học Liên Minh (TP Vĩnh Yên) đưa tiếng Anh vào tiết chào cờ thứ Hai hằng tuần, mỗi lớp có một tiết mục hát, kịch bằng tiếng Anh. Nhiều học sinh của trường đã hát được bài hát truyền thống của nhà trường chuyển thể sang tiếng Anh.

Trường Tiểu học Vĩnh Tường (huyện Vĩnh Tường) đã kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức các hoạt động dã ngoại để các em được tham quan các danh thắng, các di tích lịch sử và có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu với người nước ngoài với phương châm tìm đến nơi có nhiều người nước ngoài để học sinh được giao tiếp tiếng Anh.

Còn Trường Tiểu học Đống Đa (TP Vĩnh Yên) với đề án tăng cường, tạo môi trường tiếng Anh trong nhà trường bằng cách mời giáo viên bản ngữ hàng tháng đến giao lưu với học sinh và giáo viên.

Tại Ninh Bình, Trường Tiểu học Khánh An (huyện Yên Khánh) không phải là trường trung tâm nhưng lại được chọn là 1 trong 3 trường được chọn là đơn vị điển hình về đổi mới dạy học ngoại ngữ.

Nhờ sự hỗ trợ của Đề án Ngoại ngữ 2020, cơ sở vật chất phục vụ dạy học được bổ sung, giáo viên có điều kiện ứng dụng CNTT, đổi mới hình thức tổ chức dạy học, dạy học theo hướng đổi mới, tăng cường kĩ năng nghe nói tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh.

Ngoài ra, nhà trường còn tận dụng những thứ sẵn có để xây dựng nên một môi trường học, thực hành tiếng Anh. Không gian lớp học, thư viện xanh, biển hàng cây biết nói, sân chơi, tường bao được nhà trường sử dụng tiếng Anh hoặc song ngữ kèm hình ảnh sinh động minh họa. Sách báo, tạp chí, truyện thiếu nhi bằng tiếng Anh được trang bị tới từng lớp học.

Nói như lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình, phải biết sử dụng cơ sở vật chất, đội ngũ hiện có, trang bị tối thiểu để phát huy tối đa khả năng của thiết bị.

Sau 1 năm thực hiện, học sinh nhà trường được học ngoại ngữ trong phòng học có đầy đủ các thiết bị, môi trường cảnh quan sinh động nên các em rất hứng thú mong đến giờ học ngoại ngữ và mạnh dạn hơn trong giao tiếp.

Trong mỗi tiết học các em được rèn luyện cả 4 kĩ năng nghe nói đọc viết. Chất lượng môn học ngoại ngữ đã được nâng cao hơn rất nhiều.

Còn tại Lào Cai, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân đã tận dụng nguồn khách du lịch là người nước ngoài đến giáo lưu, dạy cho học sinh những kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Các thầy cô giáo đã tìm hiểu thông tin, rồi ra tận ga Lào Cai để mời các 'khách Tây" vào trường.

Nhiều trường phát huy tính sáng tạo trong các tiết học, sáng tạo ra những trò chơi lý thú để học sinh vừa chơi, vừa học. Nhiều thầy cô còn trao thưởng cho học sinh của mình những tờ tiền 2 đô may mắn sau mỗi trò chơi học tiếng...

Đổi mới để không còn "tắm ao nhà"

Đánh giá cao những kinh nghiệm quý báu của các trường điển hình về đổi mới dạy học ngoại ngữ ở bậc tiểu học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển mong muốn các điển hình này sẽ ngày càng nhân rộng và chia sẻ đến các trường học khác, các địa phương khác.

Tuy nhiên, sẽ không có một trường mẫu vì nếu Bộ nói mẫu đấy thì các trường sẽ bắt chước làm, không phù hợp với hoàn cảnh của mình, không phát huy được sáng kiến của mình. Điều kiện ở mỗi trường khác nhau, mỗi địa phương khác nhau và cách học ngoại ngữ cũng phải khác nhau.

"Bây giờ làm là phải giao quyền tự chủ cho giáo viên, giao quyền tự chủ cho nhà trường. Bộ, Sở, Phòng gợi ý, đi đâu học được điều gì hay thì mang về cho trường. Thấy trường này hay thì mình mang đi chỗ khác, nếu thấy nghi ngại thì hỏi tại sao lại thế".

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm: Đổi mới dạy học ngoại ngữ là một khâu quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, chuyển từ cách dạy một môn học sang dạy một năng lực sử dụng được ngoại ngữ.

Như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng nói, chúng ta sẽ không học ngoại ngữ theo kiểu "Tắm ao nhà" nữa mà phải học theo chuẩn. Chuẩn này được xây dựng có tham chiếu khung năng lực của Châu Âu, tức là có hội nhập.

Nếu trước đây chúng ta chú trọng vào dạy kiến thức ngôn ngữ thì bây giờ chúng ta chú trọng vào dạy những kĩ năng thực hành: Nghe, nói, đọc, viết. Từ cách tiếp cận như vậy cũng là chúng ta đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực.

Khi đổi mới phải có kinh nghiệm cũ. Nhưng kinh nghiệm cũ của chúng ta là không thành công, ít kinh nghiệm hay. Nên bây giờ phải tạo ra những kinh nghiệm mới.

Phải làm đúng quy luật nhận thức. Bên trên quan trọng là lý luận hướng dẫn. Bên dưới quan trọng là tổng kết kinh nghiệm, phổ biến kinh nhiệm ra đại trà, nhân rộng những điển hình tiên tiến những nơi làm tốt.

Điều đầu tiên là phải đổi mới cả từ trên xuống dưới, dưới lên trên, không có gì quan trọng hơn cái nào.

Các cách làm hay, các kinh nghiệm tốt này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, được gia công về mặt lý thuyết, được chỉnh sửa bổ sung từ thực tiễn sinh động dạy và học ngoại ngữ ở tiểu học hiện nay, để đúc rút thành những mô hình có khả năng nhân rộng toàn quốc, tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương pháp dạy học và tổ chức dạy học ngoại ngữ ở cấp tiểu học.

Theo Lan Anh
Giáo dục & Thời đại