Thanh Hóa:

Nhiều bất cập trong sắp xếp giáo viên và cán bộ quản lý

(Dân trí) - Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý và nhân viên hành chính một số trường vượt quá cao so với quy định. Thực trạng sắp xếp, luân chuyển giáo viên giữa các trường, các địa phương chưa hợp lý, còn nhiều bất cập.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT Thanh Hóa, ngành giáo dục Mầm non có 15.931 người (4.052 hợp đồng); Tiểu học có 17.788 người (1.372 hợp đồng). Đến nay, có nhiều trường Tiểu học vẫn chưa thể bố trí đủ giáo viên (GV) dạy các môn năng khiếu như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học để dạy 2 buổi/ngày theo quy định. Ở cấp THCS có 16.535 người (745 hợp đồng).

Số GV bậc THCS so với định biên thừa 1.460 người, chủ yếu là thừa cán bộ quản lý và GV văn hóa. Tuy thừa về số lượng nhưng lại không đồng bộ về cơ cấu bộ môn, thiếu 39 GV đặc thù nên một số trường phải bố trí GV dạy không đúng chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

20131126-105135-97bbe
Nhiều lớp học ở các cấp học, không đủ số học sinh/lớp.

Hiện nay trên địa bàn có 566/633 trường có quy mô dưới 12 lớp, trong đó 118 trường có quy mô dưới 7 lớp. Theo quy định 1,9 GV/lớp thì một số trường có môn học chỉ bố trí 1 GV/lớp vẫn không đủ số tiết dạy dẫn đến hạn chế trong sinh hoạt chuyên môn, GV không có cơ hội trao đổi và học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp, ảnh hưởng đến việc nâng cao trình độ và hiệu quả dạy học.

Đối với cấp THPT vẫn còn 515 người hợp đồng. Biên chế thực hiện thấp hơn biên chế được giao. Tuy nhiên, theo dự báo số học sinh sẽ giảm nên biên chế GV cũng giảm so với quy định.

Thời gian qua, công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý và nhân viên hành chính một số trường vượt quá cao so với quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2006TTLT-BGDĐT-BNV của liên bộ. Trong đó tập trung ở các đơn vị như: thành phố Thanh Hóa, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Quan Hóa, Lang Chánh (Trường dân tộc nội trú 8 lớp có 15 nhân viên hành chính). Tính đến nay, bậc Tiểu học thừa 27 cán bộ quản lý, bậc THCS thừa 75 cán bộ quản lý.

Về luân chuyển, tiếp nhận GV giữa các huyện miền núi về miền xuôi chưa đúng quy định. Thực tế này diễn ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã gây ra tình trạng một số huyện miền núi hiện nay thiếu GV các cấp học. Trong khi đó các huyện miền xuôi vẫn thừa GV. Tình trạng này diễn ra nhiều năm liền chậm có giải pháp khắc phục, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo quy định thì bậc học Mầm non hiện này còn thiếu 3.362 biên chế. Mặc dù tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí chi trả lương và đóng BHXH cho 2.363 GV mầm non hợp đồng ngoài biên chế từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, số GV kiêm cô nuôi, nấu ăn phải làm việc vượt quá số giờ quy định không được nhận kinh phí hỗ trợ vẫn còn nhiều.

Riêng giáo dục Tiểu học còn 1.372 người hợp đồng. Tuy nhiên so với quy định còn thiếu 1.344 GV và 847 nhân viên hành chính. Trong khi đó bậc THCS còn dôi dư 1.614 người. Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định 3678, nhưng đến nay số GV dôi dư được sắp xếp, bố trí, điều chuyển về các trường Tiểu học chưa được thực hiện quyết liệt.

Tại một số trường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, trường của thị trấn huyện, số học sinh/lớp quá cao; ngược lại một số trường của các xã số học sinh/lớp quá thấp, gây nên tình trạng lãng phí lao động trong các trường học.

Đối với giáo dục THCS số GV dôi dư vẫn còn nhiều, có huyện bình quân 4GV/lớp, tình trạng thừa GV văn hóa, thiếu GV đặc thù, thiếu nhân viên hành chính xảy ra ở hầu hết các trường.

Nhiều trường hợp đồng vượt quá quy định như: THPT dân tộc nội trú tỉnh hợp đồng 35 nhân viên hành, THPT Thạch Thành, THPT Quan Hóa… Như vậy, để có kinh phí chi trả lương cho số GV và nhân viên hợp đồng, các trường phải huy động các khoản đóng góp của học sinh không nằm trong quy định hoặc cân đối kinh phí ngân sách chi cho hoạt động giáo dục của nhà trường.

Cơ cấu đội ngũ cán bộ, GV khối GDTX vẫn chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các bộ môn. Số nhân viên hành chính thiếu nhiều so với quy định nên các trung tâm phải hợp đồng, kinh phí chi trả cho hợp đồng hạn chế nên số lương mà người lao động hợp đồng nhận được rất thấp.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ngành Giáo dục Thanh Hóa chưa chủ động trong việc xây dựng đề án về quy hoạch phát triển quy mô trường lớp trên địa bàn tỉnh nên đội ngũ GV thừa thiếu cục bộ; sỹ số học sinh giữa các trường, các địa phương có sự chênh lệch quá lớn. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục các cấp học còn hạn chế nên để xảy ra tình trạng làm sai quy định về quản lý tài chính, thực hiện các chế độ chính sách cho GV và học sinh, về các khoản thu, chi trong năm học…

Vấn đề thừa cán bộ quản lý ở các bậc học Mầm non, Tiểu học và THCS ở các địa phương là do hạng trường giảm mạnh, sỹ số học sinh giảm tự nhiên; một số huyện sáp nhập trường; nhiều năm liền lãnh đạo một số huyện chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý…Đối với THPT theo quy định có 5 nhân viên hành chính, trong khi điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, tỉnh chưa thể bố trí đủ nhân viên hành chính nên các trường phải hợp đồng nhiều.

Một nguyên nhân khác là do công tác phân cấp quản lý nên không thể giải quyết dứt điểm tình trạng vừa thừa, vừa thiếu GV; nhiều vụ việc vi phạm không được kịp thời xử lý.

Từ đó, ngành giáo dục kiến nghị quy hoạch lại mang lưới cơ sở giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên, dạy nghề; kiểm tra, rà soát biên chế ở các đơn vị; giải quyết việc bố trí nhân viên hành chính ở các trường học và số biên chế; rà soát, đánh giá đúng thực trạng công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp trên địa bàn; theo dõi, quản lý việc sử dụng biên chế; đề xuất cách tính biên chế đối với các huyện miền núi; tăng cường thanh tra về phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí, các khoản thu trong năm học; triển khai sáp nhập Trung tâm GDTX với Trung tâm dạy nghề các huyện…

Duy Tuyên

 

Nhiều bất cập trong sắp xếp giáo viên và cán bộ quản lý - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm