Đủ kiểu ôn thi
Hiện nay có rất nhiều hình thức ôn thi cho các học sinh (HS) lựa chọn mà một cách được nhiều HS áp dụng là “dùi mài kinh sử” tại các lớp học thêm. Nhung - HS Trường THPT Bắc Đông Quan (Đông Hưng, Thái Bình) tâm sự: “Ngoài giờ học ở trường, bọn em đến các lớp học thêm của thầy cô giáo, lớp học không đông lắm chỉ khoảng 10-15 HS, thầy cô giáo sẽ giảng những kiến thức trọng tâm trong sách giáo khoa và cho những đề thi thử, giúp bọn em nắm chắc kiến thức hơn, không hiểu chỗ nào em có thể nhờ thầy cô giảng lại”.
Em Nguyễn Thị Phương - học cùng lớp với Nhung chia sẻ thêm: “Trong các lớp học thêm, bọn em có quyền chọn giáo viên chuyên trách dạy các môn phục vụ cho ôn thi tốt nghiệp và đại học như vậy trò hiểu thầy và thầy cũng hiểu trò nên việc tiếp thu kiến thức từ thầy cô rất hiệu quả”.
Học sinh lớp 12 H6, Trường THPT Lê Viết Tạo (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) trong giờ ôn tập trên lớp.
Còn với Hồ Phi Hùng - HS Trường THPT Lê Viết Tạo (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lại có cách ôn thi riêng của mình: “Do nhà em ở cách xa trường cộng với hoàn cảnh khó khăn nên em không có điều kiện đến các lớp học thêm. Em chủ yếu ôn thi tại nhà hoặc tập hợp mấy bạn cùng lớp học nhóm tìm những bài tập khó trong sách giáo khoa hoặc bộ đề cùng nhau thảo luận đưa ra cách lời giải để tìm ra cách giải chung hay nhất. Em thấy học nhóm rèn luyện được cho mình tính tự giác rất cao mà có thể vừa kết hợp chơi và học”.
Em Hoàng Mai Liên - HS Trường THPT Mê Linh (Đông Hưng, Thái Bình) giãi bày về nỗi lo cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới và cho biết về kế hoạch ôn thi của mình: “Do sức học của em không khá lắm, đặc biệt là mấy môn tự nhiên nên em thấy hơi lo. Từ nay cho tới kỳ thi còn gần 2 tháng nữa bây giờ em đã tự lập ra cho mình một bản kế hoạch ôn thi riêng: Bên cạnh việc học và làm bài tập trên lớp, em phải dành nhiều thời gian hơn một chút để đi học thêm tại nhà thầy cô, về nhà em ôn lại những kiến thức mình yếu. Đề thi tốt nghiệp không tách rời so với sách giáo khoa nhiều nên em nghĩ chỉ cần chăm học và không quá hổng kiến thức thì mình sẽ vượt qua được”.
Xả stress bằng... hip-hop và Facebook
Để giảm tải stress mùa thi, nhiều HS đã chọn cho mình những cách thức vui chơi, giải trí khác nhau phù hợp với điều kiện thời gian của mình. Em Phạm Thị Duyên - HS Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Nam Định) chia sẻ về kinh nghiệm giảm stress của mình: “Hàng ngày, sau những buổi học căng thẳng, em dành khoảng 1 tiếng lên Facebook để viết tâm sự hay gửi bình luận cho bạn bè, em còn tạo lưu bút trên Facebook để các bạn trong lớp có thể vào đăng ảnh và viết tự sự riêng về bản thân. Em thấy nó rất ý nghĩa”.
Với Nguyễn Hải Long - HS Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cứ hai buổi chiều một tuần, cậu bạn lại có mặt ở công viên Thống Nhất tập nhảy hip-hop, Long coi đây là cách xả stress cực “độc” của mình. “Em thấy hai buổi một tuần trong thời khóa biểu kín mít những ca học là rất hợp lý để các bạn xả stress, học hip-hop có thể rèn luyện được sự dẻo dai của cơ thể mà lại vừa được nghe những bản nhạc yêu thích, thấy tâm hồn thư thái lắm” - Long vui vẻ nói.
Với một số bạn học sinh lớp 12, nhảy hip-hop cũng là một cách xả stress mùa thi. (Ảnh minh họa)
Còn Nguyễn Thúy Lan - HS Trường THPT Nguyễn Bính (Nam Định) thì lại có cách xả stress rất đơn giản, đó là sau mỗi buổi học ở trường lớp cùng lớp học thêm, Lan trở về nhà và làm một giấc. Cô bạn này giải thích: “Ngủ cũng là cách nghỉ ngơi rất hiệu quả, em thấy đầu óc thoải mái không phải lo nghĩ gì chuyện bài vở. Khi tỉnh dậy em thấy cơ thể và tâm lý tràn trề sinh lực, học bài cũng dễ vào hơn”.
Hương Thắm