Nhật Bản mở trường đào tạo “các nhà lãnh đạo châu Á”

(Dân trí) - Một nữ doanh nhân Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch mở một ngôi trường mới để đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai của châu Á.

Bà Lin Kobayashi hy vọng cơ sở của mình ở ngoại ô Tokyo sẽ giúp nuôi dưỡng một làn sóng các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh với một cách tư duy kiểu "châu Á" hơn.

Theo AFP, việc xây dựng cơ sở Trường Quốc tế Châu Á, Karuizawa (Isak) bắt đầu vào tháng 9. Theo kế hoạch, các lớp học, tất cả đều dạy bằng tiếng Anh, sẽ được ra mắt vào năm 2014, như vậy đây sẽ là trường trung học nội trú quốc tế đầu tiên của Nhật Bản.
 
Bà Kobayashi, 38 tuổi, vốn là một nhà phân tích đầu tư tại tập đoàn tài chính Morgan Stanley, cho biết nhà trường sẽ thu hút học sinh từ một loạt các nền văn hóa và nền kinh tế - xã hội, với các suất học bổng cho học sinh nghèo được tài trợ bởi các khoản đóng góp.
 
Nhưng Kobayashi cho biết mục tiêu của bà không chỉ đơn giản là cạnh tranh với các trường học ưu tú như trường Harrow (được thành lập năm 1572) hoặc Dulwich College (một trong những trường nội trú danh tiếng nhất vương quốc Anh, được thành lập năm 1619) - ngôi trường đã thiết lập cơ sở tại các nơi như Trung Quốc, Hong Kong và Thái Lan theo phong cách phương Tây.
 
Bà Kobayashi cũng muốn thay đổi những gì bà nhìn thấy như là một giả định ở châu Á rằng sẽ thích hợp hơn nếu tìm kiếm những hệ thống giáo dục mà trong đó người ta dạy cho học sinh kỹ năng lãnh đạo phong cách phương Tây.
 
"Châu Á đã ở trung tâm của nền kinh tế thế giới, nhưng vẫn dựa trên phong cách lãnh đạo của phương Tây. Tôi nghĩ chúng ta cần các nhà lãnh đạo châu Á theo định hướng coi trọng sự đồng thuận và sự hài hòa và có thể kết hợp với nền tảng kiến ​​thức sâu sắc về lịch sử phức tạp và các nền văn hóa đa dạng của châu Á", bà Kobayashi nói.
  
Việc thành lập trường cho đến nay đã quyên góp được 1,5 tỷ yên (19 triệu USD) từ các khoản đóng góp và tài trợ tư nhân để trang trải chi phí ban đầu, trong khi đó vẫn đang kêu gọi các nhà kinh doanh xuất chúng tham gia làm cố vấn.
 
Trong tháng 7, trường đã mở khóa học mùa hè thường niên lần thứ 3 kéo dài 10 ngày, thu hút 53 học sinh sinh từ 14 nước tham gia. Chi phí khóa học là 300.000 yên.
 
Kobayashi cho biết nhà trường sẽ đặc biệt chú trọng về lịch sử khu vực.

"Chúng tôi không dạy lịch sử một chiều. Điều quan trọng là để tìm hiểu về sự đa dạng của các quan điểm lịch sử và cơ cấu đa sắc tộc của khu vực", bà Kobayashi nói, và thêm rằng bà muốn tuyển các giáo viên từ các nguồn gốc khác nhau.
 
Lzaw Saw Nai, một học sinh 14 tuổi đến từ Myanmar đã tham gia học hè năm nay, cho biết em "rất quan tâm đến kỹ năng lãnh đạo".
 
Tareq Habash, 13 tuổi, đến từ Palestine, cho biết: "Đất nước của tôi rất cần các nhà lãnh đạo, những người có thể hiểu được nhu cầu của đất nước và không chỉ vì những gì họ muốn cho chính mình".
 
Bà Kobayashi cho biết bà hy vọng các nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai của Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi từ ngôi trường này.
  
Yoshiaki Nomura, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục lãnh đạo tại Đại học Osaka, cho biết ý tưởng ngôi trường mới này rất kịp thời.
  
Còn Jun Nakahara, phó giáo sư về giáo dục đại học tại Trường Đại học Tokyo, đã đồng ý rằng kỹ năng lãnh đạo không phải là một khả năng bẩm sinh mà là "một cái gì đó bạn phải học".
 
Tuy nhiên, ông cho biết việc học hỏi dựa trên thực tế có thể có giá trị hơn so với học tập ở lớp học.
 
"Trường phải cung cấp cho học sinh những cơ hội cho kinh nghiệm thực tế, trong đó học sinh có thể thực hành về sự lãnh đạo", ông nói.
Xuân Vũ
Theo AFP