Nhật Bản: Bãi bỏ quy định học sinh không được nhuộm tóc
(Dân trí) - Ngày càng nhiều thành phố ở Nhật Bản đang đấu tranh để sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định học đường cứng nhắc, điển hình là cấm học sinh cấm nhuộm tóc gây nhiều tranh cãi từ lâu. Tất cả dường như tạo nên làn sóng đòi hỏi đánh giá lại văn hóa giảng dạy đánh giá cao quy tắc chuẩn mực và ngoan ngoãn.
Mới đây, Hội đồng Giáo dục tỉnh Gifu (Nhật Bản) đã đưa ra quyết định bãi bỏ một số quy định trường học vào tháng 10 vừa qua sau khi rà soát nội quy các trường trên địa bàn. Kết quả cho thấy, hơn 90% trong số 61 trường duy trì quy định hà khắc, có nguy cơ xâm phạm quyền của học sinh.
Những nội quy hà khắc tại các trường học Nhật Bản được gọi là "kosoku", thường là quy tắc nghiêm ngặt về độ dài trang phục, màu tóc của học sinh THCS và THPT. Ví dụ, quần áo lót của học sinh nữ phải có màu trắng, phải để tóc màu đen.
Dù vậy, phải đến tháng 4 năm sau, việc bãi bỏ nội quy định học sinh phải để tóc đen, mặc đồ lót trắng mới chính thức có hiệu lực.
Các quan chức cho biết động thái của lãnh đạo giáo dục tỉnh Gifu đã được thúc đẩy bởi một sự một làn sóng phẫn nộ, phản đối của công luận gần đây, dù trước đó, “kosoku” vốn là một phần truyền thống của giáo dục Nhật Bản.
Năm 2017, một nữ sinh 18 tuổi kiện Hội đồng Giáo dục tỉnh Osaka về việc bị xúc phạm nhân phẩm khi bị giáo viên bắt nhuộm tóc đen trong khi mái tóc tự nhiên của em màu nâu.
Vào tháng 8 vừa qua, một nhóm nhà vận động đã đệ bản kiến nghị trực tuyến có chữ ký của hơn 60.000 người lên Bộ Giáo dục Nhật Bản, kêu gọi chấm dứt các quy định hà khắc ngay lập tức, nhưng Bộ chưa đưa ra quyết định chính thức.
Những nội quy nghiêm ngặt quá mức còn được gọi là “kosoku đen” gây nên nhiều bức xúc, phẫn nộ trong một bộ phận dân chúng.
Hội đồng Giáo dục tỉnh Gifu đã hướng dẫn các trường loại bỏ những quy định này. "Chúng tôi cảm thấy cần sửa đổi và loại bỏ quy tắc ảnh hưởng đến nhân quyền học sinh", Masayuki Ishigami, quan chức Ủy ban Giáo dục tỉnh Gifu cho hay.
Ngoài Gifu, tỉnh Osaka của Nhật cũng đã thực hiện các bước để giải quyết vấn đề này khi yêu cầu tất cả các trường trung học xem xét lại nội quy trường học. Kết quả, khoảng 40% trong số 135 trường trung học đã thay đổi những nội quy hà khắc, chính quyền tỉnh cho biết trong một báo cáo vào tháng 4 năm ngoái.
Nhật Bản bắt đầu kiểm soát học sinh chặt chẽ hơn khi có sự gia tăng mạnh về số lượng tội phạm vị thành niên và bạo lực đối với giáo viên vào đầu những năm 1980.
Trường học ban hành quy định hà khắc, có phần vô lý như: cấm học sinh dùng khăn len và mặc nhiều quần áo, ngay cả trong mùa đông. Đại diện trường học giải thích, nếu một học sinh bắt đầu sử dụng những phụ kiện thời trang, những em khác có thể học theo gây mất trật tự tổng thể.
"Mục tiêu lớn nhất của giáo viên Nhật Bản là giữ các lớp học trật tự nhất có thể, không để xảy ra sự cố nào và họ hạn chế quyền tự do của học sinh để thực hiện mực tiêu này", Ryo Uchida, phó giáo sư của Đại học Nagoya, bày tỏ quan điểm.
Chiki Ogiue (phải), một nhà phê bình nổi tiếng, người đề cập đến các vấn đề xã hội bao gồm giáo dục học đường, nói về các quy tắc trường học hà khắc được mệnh danh là "kōsoku đen" trong một cuộc họp báo vào tháng 8 tại Bộ giáo dục ở Tokyo.
Việc bãi bỏ quy định hà khắc tại trường học của Hội đồng Giáo dục tỉnh Gifu được cho là động thái tích cực, tạo động lực để nhiều địa phương khác hành động và góp phần để Bộ Giáo dục nước này sớm đưa ra quyết định nới lỏng quy định đối với học sinh.
“Mục tiêu lớn của chúng tôi là loại bỏ bất kỳ kosoku vô lý nào vì quyền con người của trẻ em. Chúng tôi cũng tin rằng trẻ em nên được tự quyết định về các hành vi, không bị chi phối bởi một danh sách dài các quy tắc.
Trường học cũng cần đảm bảo khai thác quyền tự chủ của chúng trong bối cảnh ngày nay” - Yuji Aoki, quan chức của Ủy ban Giáo dục tại Setagaya Nhật cho biết.
Với tinh thần đó, tất cả các trường trung học cơ sở công lập ở Setagaya đều cho phép học sinh của mình đi học mặc quần áo tự chọn mỗi tháng một lần - mặc dù một số người dân địa phương cho rằng một sáng kiến như vậy là không phù hợp với học sinh trung học cơ sở, ông Aoki nói thêm.
Lệ Thu
(Theo Japan Times, Japan Today)