Nhận xét học sinh theo Thông tư 30: Ba bên cùng khó!

(Dân trí) - Những khó khăn được mổ xẻ, cảnh báo từ lâu về Thông tư 30 đã diễn ra khi áp dụng vào trường học. Thậm chí còn có những khó khăn không lường trước được.

Đánh máy thua gì viết tay?

Tại Sơ kết học kỳ 1 năm học 2014 - 2015 bậc tiểu học TPHCM vừa diễn ra, việc thực hiện Thông tư 30 là chủ đề được nhiều lãnh đạo đơn vị băn khoăn nhất. Cho dù Thông tư đã đi vào nhà trường gần 4 tháng nhưng nhiều vấn đề mà chính các nhà quản lý còn chưa “tỏ”.

Giáo viên (GV) có thể đánh máy lời nhận xét như một cách được xem là “giảm công sức” nhưng ông Dương Mạnh Hà, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho rằng, đánh máy chẳng thua gì viết tay. Chưa  kể đến khâu đánh máy xong phải cắt dán vào sổ để lưu.

Áp lực nhất là GV bộ môn, ngoài sổ theo dõi chất lượng giáo dục lại còn phải nhận xét cả trong sổ liên lạc và học bạ. Lẽ ra nên quy định, sổ liên lạc chỉ nên do GV chủ nhiệm nhận xét, GV bộ môn chỉ nhận xét trong học bạ.

Nhận xét học sinh theo Thông tư 30: Ba bên cùng khó!
Sau khi đi vào trường học gần một học kỳ, Thông tư 30 vẫn còn nhiều bất cập chưa có cách gỡ rối tối ưu.

Thầy Thành, đại diện Phòng GD-ĐT quận Tân Bình bày tỏ bản thân ông bị Thông tư 30 “ám ảnh” suốt từ khi được tập huấn cho đến khi đưa vào thực hiện. Đó là phải theo dõi xuyên suốt, tư vấn, chia sẻ với các trường, GV.

Theo thầy Thành, GV phải thực hiện quá nhiều loại sổ như học bạ, sổ theo lõi, liên lạc với nhiều nội dung trùng lặp. Đến cuối học kỳ, lại khó khăn trong việc ghi khen thưởng học trò trong giấy khen.

Trước đủ thứ vướng mắc, thầy Thành cho rằng chỉ có thể thực hiện bằng cách… động viên, khơi gợi tình yêu thương, quan tâm đối với HS để người thầy ráng hoàn thành công việc. 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng GV buộc phải chấp nhận ghi các loại sổ như học bạ, liên lạc, sổ theo dõi chất lượng do mỗi loại sổ có chức năng riêng. Học bạ để nhà trường lưu giữ, còn sổ liên lạc giao cho HS để kết nối với phụ huynh. Ngay cả trường nào sử dụng sổ điện tử, theo ông Vinh thì cuối năm học vẫn phải có văn bản in ra, đóng dấu và lưu trữ.

Điều kiện chưa “chín”, hiệu trưởng còn gây áp lực

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ những khó khăn mà GV gặp phải khi thực hiện Thông tư 30 trước hết là do chúng ta chuẩn bị chưa đủ các đều kiện để thực hiện về cơ sở vật chất, đội ngũ GV như các nước tiên tiến về phòng học, sĩ số lớp, số lượng GV.

Nhưng theo tinh thần của Bộ, không thể chờ đủ điều kiện như nước ngoài mới thực hiện. Chúng ta muốn HS tiểu học được thụ hưởng những công bằng, tiên tiến của giáo dục sớm hơn và không để các em phải vì thành tích mà thiệt thòi, phát triển lệch lạc.

Nhận xét học sinh theo Thông tư 30: Ba bên cùng khó!
Khó khăn của các trường và giáo viên tại TPHCM khi thực hiện đánh giá học sinh bằng nhận xét là áp lực sĩ số quá đông.

Ông Hiếu cho rằng, Bộ rất “thoáng” về sổ sách nhưng nhiều hiệu trưởng máy móc, làm nặng nề thêm cho GV về mặt sổ sách khi tuần nào, tháng nào cũng kiểm tra, nhắc nhở, xem GV nhận xét, đánh giá thế nào. Hiệu trưởng cần hỗ trợ, chia sẻ với GV nhiều hơn và không gây áp lực thành tích, không dùng sổ sách để đánh giá thi đua.

Ngoài ra, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cũng lưu ý, cho dù việc thực hiện Thông tư 30 cần một tâm thế thoải mái cho cả thầy và trò nhưng yêu cầu phải đảm bảo chất lượng. Đối với các em HS yếu, đã kết hợp với phụ huynh, hỗ trợ mọi cách mà em không tiến bộ thì phải ở lại lớp, tránh tình trạng để HS “ngồi nhầm lớp”.

Trong kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT của Sở GD-ĐT TPHCM về việc thực hiện Thông tư 30 sau khi kết thúc học kỳ 1 đề cập đến khó khăn cả ba bên gồm: trường học, GV và phụ huynh HS. Đó là tình hình sĩ số lớp quá đông khi thành phố vẫn còn trên 1.000 lớp tiểu học có sĩ số hơn 50 HS; rồi việc đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi nhà trường phải xây dựng lại thang điểm thi đua mới của GV.

Về phía phụ huynh, nhiều người chưa ủng hộ việc thay đổi cách đánh giá, vẫn mong muốn con được đánh giá bằng điểm để biết con ở “ngưỡng” nào. Ở địa bàn TPHCM, có nhiều đồng bào người Hoa sinh sống, phụ huynh không biết tiếng Việt nên gặp khó khi cùng hỗ trợ và đánh giá HS với nhà trường.
 

Nhận xét nhưng GV khó nhớ đặc điểm của từng học sinh

 
Theo ghi nhận của Sở GD-ĐT TPHCM, GV bộ môn phải ghi nhận xét cho từng HS vất vả và mất nhiều thời gian. Do phải dạy nhiều lớp, nhiều HS khác nhau nên GV khó nhớ rõ đặc điểm của từng HS để có thể nhận xét chính xác về học tập, năng lực, phẩm chất theo đặc thù của từng bộ môn.
 

Thông tư 30 kéo theo nhiều thay đổi

 
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng những quy định tại Thông tư 30 kéo theo sự thay đổi nội dung của một số quy định trong các thông tư khác như Thông tư 59/2012 của Bộ GD-ĐT về chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học, Thông tư 42/2012 của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục… Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, điều chỉnh nội dung các thông tư trên cho phù hợp với chuẩn đánh giá mới theo Thông tư 30.

 

Hoài Nam 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!