Nhân lực ngành CNTT: Cầu vượt cung 400%

(Dân trí) - Tháng 7/2004, một cuộc khảo sát ở 200 doanh nghiệp phần mềm và cơ sở đào tạo CNTT ở TPHCM cho thấy, cung vượt cầu trong 6 tháng cuối năm đó là 500%, năm 2005 vượt 400%. Các con số này đến nay vẫn chưa hề được cải thiện.

Một trong những lý do chính của việc doanh nghiệp luôn thiếu nhân lực mà Ngân hàng Thế giới (WB) sau khi thực hiện cuộc khảo sát trên đã chỉ ra là vì chất lượng đầu vào không đạt yêu cầu. Cũng theo công bố của WB thì tại các doanh nghiệp phần mềm, 80-90% các sinh viên tốt nghiệp vừa tuyển dụng phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu công việc.

Tính đến tháng 1/2008, nước ta có 235 trường đào tạo về CNTT. Mục tiêu đến năm 2015, các trường Đại học CNTT Việt Nam sẽ đạt chuẩn khu vực ASEAN và 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có đủ năng lực tham gia thị trường nhân lực toàn cầu

Việt Nam đang có vận hội lớn để phát triển ngành CNTT. Hiện, đã có 5 công ty lớn là Intel, Renesas, Campal, Samsung và Foxcon quyết định đầu tư gần 10 tỷ USD để thiết kế, sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại di động, thiết bị viễn thông…

Trong hai năm, kể từ 2006, nhu cầu kỹ sư phần mềm của IBM tại Việt Nam đã tăng gấp 10 lần. Công ty Havey Nash (Anh) đến Việt Nam năm 2001 và hiện sử dụng 1.500 kỹ sư phần mềm. Hãng Boeing đang tìm đối tác tại Việt Nam, yêu cầu mỗi hợp đồng cần tối thiểu 1.000 kỹ sư phần mềm...

Tuy nhiên, theo thừa nhận từ phía Bộ GD-ĐT thì việc đào tạo ngành này ở Việt Nam từ nhiều năm nay luôn trong tình trạng chưa theo kịp nhu cầu phát triển; đội ngũ giảng viên thiếu và yếu; cơ sở vật chất phục vụ còn thiếu và lạc hậu và nguyên nhân tối quan trọng nữa là thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách phát triển hệ thống CNTT và các cơ quan quản lý, phát triển nhân lực...

M.M

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm