“Nhân bản”... giáo án

Nhiều giáo viên đang truyền cho nhau địa chỉ các trang mạng giáo dục cung cấp bài giảng điện tử miễn phí để tải về sử dụng, dù biết là chưa qua thẩm định bởi một hội đồng khoa học nào.

Hiện không chỉ trong các trường phổ thông mà cả các trường CĐ, ĐH cũng đang diễn ra một thực trạng là không nhiều giáo viên (GV) chịu khó đầu tư soạn giáo án trước khi lên lớp như trước đây, thay vào đó là sao chép lẫn nhau các giáo án vi tính làm sẵn. GV không còn đầu tư cho bài giảng của mình một cách khoa  học và sáng tạo, nếu có thì cũng chỉ là hình thức để đối phó với các đợt kiểm tra.

 

“Cùng làm, cùng biết và cùng hiểu”

 

Một GV cho biết ở trường THPT nơi anh đang dạy, các tổ bộ môn tự tổ chức soạn giáo án chung theo mẫu quy định, sau đó các GV chỉ việc sao chép và chỉnh sửa lại vài mục thông tin cá nhân để “hợp thức hóa” hồ sơ giảng dạy.

 

Trong các đợt học tập huấn thay sách giáo khoa, các chuyên viên của cấp trên cử về còn phân công cho các nhóm GV từng trường soạn giáo án và chia sẻ cho  nhau theo kiểu “cùng làm, cùng biết và cùng hiểu”.

 

Kết thúc tập huấn, các GV được yêu cầu mang theo USB, thậm chí có nơi còn tập hợp vào CD để phát hành về từng trường hoặc bán công khai ở hiệu sách, tiệm photocopy...

 

“Nhân bản”... giáo án  - 1
Một trang mạng cung cấp bài giảng điện tử miễn phí.

 

Nhìn vào cách làm “sáng tạo” nói trên mà không khỏi giật mình. Vì trong thời gian 1-2 buổi tập huấn để tìm hiểu, học tập phương pháp và giới thiệu các chủ đề mới của một môn học thì các GV lại tranh thủ hoàn thành bộ giáo án mà lẽ ra họ phải làm trong cả một năm học?

 

Một minh chứng cho chuyện GV hờ hững với việc thiết kế bài giảng là việc Bộ GD-ĐT dành 8 tỉ đồng cho kỳ thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử e-Learning năm học 2009-2010”, dù đã phải lùi thời hạn nộp bài dự thi, dù phạm vi môn thi nâng lên con số 12 môn (kể cả hai môn giáo dục công dân, công nghệ và mỹ thuật), nhưng theo thông tin từ các sở GD-ĐT thì vẫn không mấy khả quan về số lượng giáo án thu được.

 

Sở dĩ không có nhiều GV mặn mà với cuộc thi nêu trên là do họ không được trang bị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học hiện đại, nhiều phần mềm trình chiếu và thiết kế giảng dạy cơ bản như Powerpoint, Adobe Presenter, Math Type, Cabri 3D, Hot Potatoes...  đối với họ còn rất xa lạ.

 

Nhiều bài giảng... tào lao

 

Thêm một thực tế là rất nhiều GV đang truyền cho nhau những địa chỉ các trang mạng giáo dục cung cấp bài giảng điện tử miễn phí để tải về và sử dụng vào giảng dạy, dù biết là những sản phẩm này chưa qua thẩm định bởi một hội đồng khoa học nào.

 

Chúng tôi thử vào hai trong số các trang mạng có lượng giáo viên tải nhiều nhất là baigiang.bachkim... và giaovien...  thì thấy tính chính xác và khoa học của nhiều bài giảng điện tử là rất đáng cảnh báo, thậm chí nhiều bài đáng được xếp vào hạng tào lao.

 

Cũng trên các trang mạng kiểu này, nhiều GV còn tải tài liệu xuống và cho đăng lại bài đó với tên khác nhằm tích lũy điểm thưởng để được tải bài, tạo nên một số lượng bài giảng trùng lặp về nội dung và hình thức.

 

Sở dĩ tồn tại những hiện tượng nói trên, theo phân tích của nhiều chuyên gia về giáo dục, chính là do cách hiểu sai lệch về sự kết hợp đa phương tiện trong dạy học hiện đại.

 

Thay vì đọc - chép là nhìn - chép

 

Không thiết kế được các bài giảng điện tử một cách khoa học và sáng tạo nhưng nhiều GV lại đang lạm dụng quá mức cần thiết công nghệ thông tin trong giảng dạy, cụ thể là phụ thuộc quá mức vào máy tính xách tay và máy chiếu.

 

Bởi vậy trước đây, dư luận đã có nhiều ý kiến phê phán tình trạng thầy đọc, trò chép là kiểu dạy máy móc, thụ động thì hiện nay lại xuất hiện tình trạng mới là nhìn - chép (GV ít khi nhìn vào học trò mà chủ yếu quay mặt vào màn hình máy tính còn học sinh thì dán mắt vào màn chiếu để chép).

 

Nhà giáo ưu tú Phạm Khôi, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, đã có lần thẳng thắn chỉ trích trong buổi họp rằng có những giáo viên sử dụng phương pháp nhìn - chép ngay cả khi có ban giám hiệu dự giờ.

 

Một số trường ĐH cũng đang lúng túng trong việc tìm ra phương pháp dạy, học sáng tạo để tránh cách dạy nhìn - chép đang phổ biến hiện nay.

 

 Theo Người Lao Động