ĐH Y Dược Huế:
Nhà trường lý giải việc thu học phí bác sĩ nội trú
(Dân trí) - Trước các ý kiến của học viên cho rằng Trường ĐH Y Dược Huế vừa có quy định thu học phí chương trình bác sĩ nội trú làm tăng gánh nặng cho học viên, PV đã có cuộc trao đổi với Ban giám hiệu trường để có thông tin về việc này.
Trong khoảng thời gian 10 ngày trở lại đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội facebook và các ý kiến khác nhau từ một số bác sĩ (BS) nội trú học bệnh viện tại trường Đại học Y Dược Huế cho hay vừa nhận được quyết định của nhà trường sẽ thu học phí đối với chương trình đào tạo BS nội trú năm thứ nhất và năm thứ hai.
Từ trước đến nay, chương trình BS nội trú không thu học phí nhưng đây là năm đầu tiên trường ĐH Y Dược Huế bắt đầu thu học phí với số tiền 12 triệu đồng/học viên/1 năm học. Nhiều ý kiến cho rằng việc thu học phí này đã làm tăng gánh nặng lên học viên, khi đã vất vả học 6 năm y khoa nhưng đến khi cố gắng thi đậu vào BS nội trú không dễ dàng chút nào.
Được biết, BS nội trú là một chương trình đào tạo đặc biệt dành riêng cho các bác sĩ mới ra trường. Sau 6 năm học đại học, các bác sĩ mới ra trường, trên 24 tuổi, tốt nghiệp loại Khá trở lên mới có thể thi Cao học hoặc Bác sĩ nội trú. Thi vào Bác sĩ nội trú rất khó khăn với cánh cửa rất hẹp so với thi vào Cao học và Chuyên Khoa 1 khi chỉ có các sinh viên Y khoa chính quy mới được dự thi và chỉ được thi duy nhất một lần trong đời. Chương trình học rất vất vả khi phải dồn hết sức lực, học và thực hành liên tục trong môi trường áp lực cao. Tuy nhiên, khi có bằng BS nội trú bệnh viện, các BS nội trú sẽ được ưu tiên nhận vào làm việc ở các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên, nên công việc cực kỳ thuận lợi.
Qua trao đổi với phóng viên, GS.TS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng ĐH Y Dược Huế cho biết chương trình BS nội trú từ đầu đã không có ngân sách nhà nước cấp, nhà trường phải huy động từ các nguồn thu khác và các nguồn học bổng từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước để bù vào chi phí đào tạo BS nội trú. Đây là một sự cố gắng rất lớn và nhân văn của nhà trường trong nhiều năm qua.
“Tôi muốn chia sẻ với các BS nội trú để hiểu thấu đáo vấn đề khi trường không phải là nơi đầu tiên thu học phí BS nội trú. Mặt khác việc thu học phí của người học là phải thu, bởi vì vận hành quá trình dạy và học bắt buộc phải có ngân sách. Nhà trường thu học phí để người học phải biết nghĩa vụ của người học. Chúng tôi mong muốn có nguồn ngân sách để hỗ trợ cho việc học của BS nội trú thì phải thu học phí (như hỗ trợ học bổng, chế độ trực, miễn giảm cho các trường hợp chính sách hoặc khó khăn… thì phải có ngân sách ).
GS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng ĐH Y Dược Huế.
Từ lâu, trường không có ngân sách nhà nước cấp để đào tạo chương trình này mà phải cố gắng rất nhiều, đặc biệt chúng tôi mong muốn Nhà nước nên sớm có các chế độ hỗ trợ cho các BS nội trú để đỡ khó khăn cho các cơ sở đào tạo. Việc thu học phí BS nội trú cùa nhà trường là làm đúng theo các quy định hiện hành của nhà nước; tuy nhiên thời điểm thu và xây dựng các chế độ cho các BS nội trú bệnh viện sau khi thu học phí như thế nào thì nhà trường sẽ có kế hoạch cụ thể và sẽ thông báo sau”.
“Giá trị nhân văn, nghĩa vụ xã hội của các em đối với nhà trường, nơi đã đào tạo cho các em có một vị trí xã hội và tay nghề chuyên môn trong ngành y đã bị hiểu không đúng khi có quyết định nộp học phí BS nội trú. Chúng tôi, với tư cách của người thầy luôn quan tâm, chia sẻ với học viên - sinh viên và đối với chúng tôi, sinh viên và học viên là mối quan tâm hàng đầu trong công việc hàng ngày của mình” - GS. Thành tâm sự.
-Cũng có một số ý kiến khi học viên nước ta so sánh khi học BS nội trú ở nước ngoài sẽ có lương, PGS.TS. Võ Tam, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược Huế cho biết: “Tuy nhiên, đó là khi thực hành ở các bệnh viện ở nước họ - tương tự như ở Việt Nam khi các em có được phụ cấp thêm như trực, phụ mổ ở bệnh viện. Nhưng nếu đăng ký học ở trường nước họ thì cũng phải đều trả tiền khi học các học phần, tham dự hội thảo, vào thư viện tra cứu thông tin…”.
-Theo GS.TS. Cao Ngọc Thành, giá trị về mặt vật chất như học phí thì dễ tính, nhưng về mặt tinh thần thì không thể nói hết. Vì sau khi học BS nội trú bệnh viện xong, tay nghề các BS nội trú đều rất “cứng”, đặc biệt là các ngành liên quan đến ngoại khoa, sản khoa… Hiện tại trung bình mỗi năm trường ĐH Y Dược Huế đào tạo khoảng 70 BS nội trú. Sau 3 năm học, học viên sẽ một lúc nhận được 2 bằng là bằng BS nội trú và bằng Thạc sĩ.
-“Tại lễ Kỷ niệm 40 năm hệ đào tạo BS nội trú của Trường ĐH Y Hà Nội ngày 8/11/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, so với các ngành nghề khác, đào tạo y khoa có thời gian đào tạo kéo dài, BS thông thường học 6 năm, hệ BS nội trú học 9-10 năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ chế, chính sách đối với BS còn bất cập. Khi ra trường, lương khởi điểm của BS nội trú không khác gì một người học ĐH 4 năm, mặc dù thời gian học gấp 3 lần trường ĐH khác.
Đáng chú ý, 13 năm nay, BS nội trú của trường ĐH Y Hà Nội không được công nhận là Thạc sỹ, mặc dù so với đào tạo cao học, thi tuyển đầu vào BS nội trú khó hơn, thời gian học lâu hơn, chi phí đào tạo tốn kém hơn… Khi học tiếp lên nghiên cứu sinh thì chỉ được tính đầu vào như bằng ĐH.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ có những chính sách hợp lý hơn với nhóm các BS nội trú như thay đổi về cách tính lương khởi điểm, thâm niên, chế độ bảo hiểm… Đồng thời, tăng cường đào tạo cả về chỉ tiêu BS nội trú cũng như quy trình, chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực chuyên môn cao cho ngành Y tế trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho người bệnh hiện nay” - theo Tạp chí Nâng cao sức khỏe của Bộ Y tế số 39 (tháng 11/2015).
Đại Dương