Nhà trường “chịu thua” học sinh đi xe máy?
(Dân trí) - Trường học đã áp dụng rất nhiều biện pháp nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng học sinh đi xe máy tới trường. Nhiều ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu, xem xét lại độ tuổi đi xe gắn máy.
Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp giáo dục an toàn giao thông trong trường học khu vực phía Nam” diễn ra ngày 22/8 tại TPHCM, vấn nạn học sinh (HS) đi xe máy tới trường được các đại biểu đưa ra mổ xẻ. Việc tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông (ATGT) trong học đường được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả trừ… tình trạng học trò đi xe gắn máy.
Nhà trường khó xử vì phụ huynh chiều con?
Trong năm học 2011 - 2012, tại TPHCM có 891 HS có tên trong danh sách vi phạm ATGT do phía công an cung cấp. Trong đó vi phạm tập trung ở các lỗi như chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách…
Chị Huỳnh Thị Bé Ren, Trợ lý thanh niên Trường THPT Trần Khai Nguyên cho biết tuy HS của trường không có tên trong “sổ đen” nhưng thực tế là có tình trạng HS chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Các em gửi xe ở các bãi bên ngoài, nhà dân, nhà trường không kiểm soát hết được.
Trường đã tổ chức trao đổi với phụ huynh (PH), yêu cầu hộ ký kết không cho con em đi xe gắn máy nhưng chỉ một số đồng tình. Còn lại họ đưa ra rất nhiều lý do như nhà xa, không có phương tiện khác, bố mẹ không thể đưa đón…
HS đi xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm là hình ảnh không khó thấy tại nhiều trường THPT.
Ở các nước, khi 16 tuổi trẻ được học lái ô tô vì hệ thống luật của họ 16 tuổi đã phải chịu mọi trách nhiệm hình sự. Ở nước ta, người đủ 16 đến dưới 18 tuổi dù có phạm tội lớn thế nào cũng có khung phạt riêng, cao nhất không quá 18 năm tù. Độ tuổi quy định được điều khiển xe gắn máy nằm trong hệ thống luật đã được nghiên cứu kỹ. Theo quy định hiện hanfh, từ 12 tuổi được đi xe đạp, từ 16 tuổi được đi xe máy 50 phân khối và từ 18 tuổi được học lấy giấy phép lái xe. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Bộ Công an. |
“Ở nước ngoài 16 tuổi các em có thể học lái ô tô, vậy chúng ta có nên xem xét lại độ tuổi được đi xe gắn máy. Cần phải nghiên cứu tại sao đã áp dụng mọi biện pháp như thế mà vẫn không hạn chế được tình trạng này?”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đặt câu hỏi.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết, cần cân nhắc đến tình hình thực tế để xem xét độ tuổi được phép điều khiển xe vì tình trạng HS đi xe máy đi học sẽ khó ngăn cấm, nhất là từ phía PH.
“Chính PH cũng có những khó khăn như không đưa đón con được, phương tiện khác không thuận lợi… Nhiều em đòi bố mẹ có xe mới chịu đi học nên họ phải đáp ứng yêu cầu để cho con đi học trước đã” người này nói.
Chia sẻ khó khăn của các trường học trước tình trạng HS đi xe máy nhưng đại diện Bộ Công an, đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cho rằng nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác giáo dục chứ không thể vì “PH chiều con mà nhà trường lại bàn tới hướng chiều theo PH”.
Ông Tuấn đánh giá hiện nay trường học chưa có giáo viên chuyên môn về ATGT nên hiệu quả truyền tải cho HS chưa cao. Các trường cần tăng cường liên hệ với phòng giao thông trên địa bàn để hỗ trợ tuyên truyền, giảng dạy cho HS. Ngoài ra, có thể thành lập đội giao thông của trường kết hợp với cảnh sát giao thông để tiến hành xử phạt.
Đẩy mạnh tuyên truyền sang giáo dục
Bà Phan Thị Thu Hà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp chia sẻ, địa phương mình áp dụng các biện pháp như gom các em HS đi xe máy để nói chuyện, tuyên truyền. Đầy mạnh hoạt động ngoại khóa có nội dung về ATGT. Nếu HS vi phạm lần này sang lần khác sẽ xử phạt tăng dần. Nhờ thế đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, theo bà Hà, cần có quy định xử lý cụ thể đối với HS đi xe máy, hiện nay các trường tự thực hiện mỗi nơi mỗi khác nên gây phản ứng trong PH. “Việc giáo dục và xử lý tình trạng HS đi xe máy lâu nay chỉ nhằm vào đối tượng HS trong khi các em còn phụ thuộc vào bố mẹ nên cần có hướng giáo dục và xử lý liên đới tới PH vì họ có trách nhiệm trong việc này”.
Nhiều trường học "đầu hàng" trước tình trạng HS đi xe phân khối lớn đến trường.
Để hạn chế tình trạng HS đi xe máy, theo Th.S Phạm Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) trường học cần phải có các phương án quyết liệt, việc giáo dục về ATGT không thể chỉ bằng lời mà cần bằng người thật việc thật. Bãi gửi xe của trường Nguyễn Thị Minh Khai kiên quyết không nhận giữ xe phân khối lớn của HS chưa có giấy phép lái xe, HS và PH đều phải ký cam kết không vi phạm.
Không những vậy, thầy Khoa cho hay, trường còn tổ chức mời các đồng chí công an đến nói chuyện tuyên truyền, tổ chức các phiên tòa giả định về vụ án giao thông cho HS và các em được đến bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp quan sát về những hậu quả do tai nạn giao thông.
Ông Bá cho biết, lâu nay các trường tổ chức cho HS ký kết không vi phạm ATGT, ký xong các trường giữ để có bằng chứng chứ chưa thật chú trọng đến việc giáo dục. “Sắp tới chúng tôi sẽ ban hành nội dung ký kết, HS sẽ giữ một bản mang theo mình, trong giờ sinh hoạt lớp thì để ngay trên bàn. Có thấy hàng ngày các em mới nhớ mình đã cam kết điều gì”, ông Bá nói.
Hoài Nam