Nhà trọ sinh viên mùa “đấu giá”

(Dân trí) - Vừa đặt cọc tiền để giữ phòng nhưng ngay hôm sau quay lại, Hạnh méo mặt nghe bà chủ nhà thông báo tiền đã có người trả tiền thuê phòng lên 1,3 triệu. Nếu Hạnh chịu trả cao hơn giá này, bà ta sẽ cho thuê.

Găm “nhà trọ” chờ giá

Quanh khu vực các trường đại học ở Hà Nội, nhà trọ luôn là vấn đề nóng bỏng, nhất là vào mùa nhập học. Hầu hết những nhà trọ gần trường đều đã có người “giữ chân” nhưng cũng có nhiều chủ nhà vẫn ung dung giữ phòng để… chờ giá mà không hề sốt ruột.

Dãy trọ của ông Phấn ở trong ngõ 137 đường Xuân Thủy vẫn còn bốn phòng chưa có người thuê nhưng ai đến hỏi ông Phấn cũng lắc đầu không cho thuê kèm lời chào: “Muốn thuê thì đầu tháng 9 quay lại”.
 
Nhà trọ sinh viên mùa “đấu giá” - 1
Nhiều người đến hỏi thuê nhưng khu trọ này vẫn “găm” hàng… chờ giá.

“Phòng trọ của tôi đã có người trả 800.000 đồng/phòng/tháng rồi nhưng tôi vẫn chưa cho thuê. Đầu tháng 9, sinh viên nhập học đông thì sẽ được giá hơn. Chúng cần mình chứ mình đâu có cần chúng mà phải sốt ruột. Mỗi ngày có hàng chục người đến hỏi, mình lo gì ế, quan trọng là phải được giá”. Ông Phấn nói thêm, thời điểm “nóng” sắp tới, ông có thể cho thuê những phòng này với giá lên đến 1 triệu đồng/phòng. “Lúc cần phòng mà không tìm nổi chỗ, bao nhiêu rồi chẳng phải chi. Cho thuê sớm chi cho thiệt”.

Ngay cùng khu với ông Phấn, một bà chủ nhà trọ vẫn tiếc hùi hụi vì đã cho thuê phòng sớm. “Bây giờ phòng tôi cho thuê 700.000 đồng, nhưng chắc vài tuần nữa tiền triệu cũng có người ở. Bây giờ người ta chuyển đến ở rồi, chẳng dễ đòi, có tăng giá vẫn phải tăng từ từ”.

Không chỉ “găm” giá phòng, nhiều chủ nhà còn sẵn sàng “tung” ra giá điện nước mới để “chào” tân sinh viên. Giá điện nước đều nhích lên một chút mà theo nhiều chủ nhà là “không đáng kể”.

Tại khu trọ giữa đường Phùng Khoang, giá phòng cũ là 550.000 đồng/tháng, chủ nhà “chào” giá mới là 650.000 đồng. Tiện điện từ 3.000 đồng lên 3.700 đồng/số, tiền nước từ 30.000 đồng lên 34.000 nghìn đồng/người/tháng. Thế nhưng chủ nhà trọ này vẫn chưa cho thuê “triệt để” mà vẫn để dành chờ vài hôm nữa giá cao hơn.

Hỏi về việc tăng giá điện nước, cô chủ nhà cười: “Đầu năm học mới nào mà chẳng tăng, kinh nghiệm của mình là tăng số lẻ để sinh viên khỏi sốc vì chỗ trọ còn có các sinh viên thuê từ trước nữa. Bây giờ nuôi con ăn học đắt đỏ, xác định cho con thành tài thì phải chịu thôi”.

Sáng một giá, chiều một giá

Không “găm” hàng nhưng nhiều chủ nhà trọ khác lại có chiêu thức… đưa ra giá phòng cho người đến hỏi sau cao hơn người trước, nếu đồng ý thì cho thuê, dù trước đó đã có người đặc cọc. Thế nên nhiều sinh viên rơi vào cảnh “quay như chong chóng”, tưởng đã thuê được phòng nhưng rồi lại bị chủ nhà nuốt hẹn.
 
Nhà trọ sinh viên mùa “đấu giá” - 2
Nhiều chủ nhà treo biển “có phòng cho thuê” liên tục để…. “đấu giá” phòng trọ.

Sau gần hai ngày lùng sục khắp các ngõ ngách ở các khu gần trường, Nguyễn Thúy Hạnh, tân sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân tìm được một phòng trọ ưng ý nằm trên đường Trần Đại Nghĩa. Phòng 14m2, giá 1,2 triệu quá “chat” nhưng nắm được tình hình “sốt” nhà trọ nên Hạnh đồng ý thuê, tính sẽ rủ thêm hai người bạn đến ở cùng mình. 

Đặt cọc 200.000 đồng cho chủ nhà, Hạnh thở phào nhẹ nhõm vì vấn đề nhà trọ đã được giải quyết. “Giá này là đắt nhưng cũng bấm bụng mà thuê cho xong việc, chứ long đong tìm nhà biết đến khi nào”. Hạnh nói. Thế nhưng ngay sáng hôm sau, Hạnh cùng một người bạn nữa đến quay lại thì bà chủ nhà tỉnh bơ nói: “Có người trả giá 1,3 triệu đồng rồi nên bác trả lại tiến đặt cọc cho hai cháu”. Hạnh choáng váng thì bà chủ nhà tiếp tục: “Nếu cháu trả cao hơn giá này, thêm 100.000 đồng nữa bác cho thuê luôn”.

Hạnh với người bạn thất vọng cầm tiền đặt cọc ra về: “Giá 1,4 triệu sao bọn em thuê nổi. Giờ em mới biết, trước em thuê bà ta cũng nhận tiền đặt cọc với giá 1,1 triệu của người khác. Em đồng ý thuê với 1,2 triệu bà ta đã trả lại tiền cho người ta. Giờ lại tiếp tục thất hứa”.

Không chỉ tân sinh viên mới cơ cực trong cảnh tìm nhà trọ, ngay cả những sinh viên các năm trước, đã có chỗ ở nhưng vẫn không được yên vì giá liên tục “rung rinh”. Lúc này, để giữ phòng họ phải chấp nhận giá mới của chủ nhà đưa ra nếu chủ nhà lấy lại phòng để cho người khác thuê.

Phan Văn Quang, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Xây dựng cùng với cậu bạn thuê phòng trọ ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn với giá 700.000 đồng/tháng nhưng thời điểm này cũng liên tục phải “nhảy cóc” theo giá mới của chủ nhà.

Chả là khu trọ này có 3 phòng trống, chủ nhà liên tục đưa ra “đấu giá” bằng cách mỗi lần có người đến hỏi lại “nhích” lên 50.000 đồng, ai trả cao thì cho thuê. “Tuần trước tăng lên 750.000 đồng giờ đã lên 850.000 đồng. Chẳng khác nào họ đưa phòng trọ ra đấu giá, tất nhiên lúc cần thì nhiều người vẫn đành phải thuê. Thế là bọn em cũng phải chạy theo nếu không sẽ bị đòi lại phòng. Chẳng biết đến giá nào thì dừng lại”, Quang thở dài não nề.

 Bài và ảnh: Hoài Nam