Nhà trọ "không lối thoát": Nếu có cháy, sinh viên lực bất tòng tâm
(Dân trí) - Đường vào khu nhà trọ của Huy chỉ rộng khoảng 1m, sâu khoảng 30m, tầng hầm chật kín với hàng chục chiếc xe máy. Huy thầm nghĩ, nếu có cháy, sẽ không thể thoát thân.
Nếu có cháy, không biết chạy đi đâu
Theo dõi tin tức vụ cháy chung cư mini ngách 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đêm 12/9, Huy - sinh viên Trường Đại học Gia Định - cảm thấy xót xa cho những nạn nhân xấu số.
Nhìn lại căn phòng trọ của mình, Huy rùng mình. Diện tích phòng của Huy chưa tới 10m2, không cửa sổ, hành lang kín bưng bởi những bức tường bê tông vây quanh, chỉ duy nhất 1 lối đi lại là cầu thang.
"Nhiều khi em nghĩ, chẳng may có cháy, mình không biết chạy đi đâu", Huy nói.
Nơi trọ của Huy nằm trên địa bàn quận Gò Vấp với một căn nhà ống. Mặt tiền được cho thuê buôn bán nên lối vào khu trọ chỉ lọt được một người nếu đi xe máy.
Tại tầng trệt, chủ nhà cho thuê làm quán nước và hầm để xe. Từ lầu 1 đến lầu 5 là cho hộ gia đình và sinh viên thuê. Tầng thượng được tận dụng để làm chỗ phơi quần áo.
"Mỗi lầu sẽ có 1 phòng gia đình khá rộng và 2 phòng có diện tích nhỏ cho sinh viên thuê. Cả tòa có khoảng 15 phòng trọ, mỗi phòng từ 2-5 người. Xung quanh tòa nhà bị vây kín mít bằng tường bê tông", Huy chia sẻ.
Nhận thấy bất ổn nhưng Huy đành lực bất tòng tâm bởi đã ký hợp đồng dài hạn với chủ trọ, nếu chuyển đi sớm sẽ mất 6 triệu đồng tiền cọc.
Tương tự, nam sinh Nhật cũng thuê trọ gần Trường Đại học Mở TPHCM để tiện đi lại, song gần trung tâm sẽ khó đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) do diện tích eo hẹp. Giá thuê là 4 triệu đồng/tháng cho căn phòng chưa tới 12m2.
"Ở khu vực nội thành, hầu hết các nhà trọ đều không đảm bảo nếu xảy ra sự cố. Vì thế có muốn tìm chỗ tốt hơn cũng khó. Sinh viên không có đủ điều kiện kinh tế nên đành cam chịu", Nhật cho hay.
Từng chứng kiến một vụ cháy ở hầm xe phòng trọ cách đây 4 năm trước, Thanh Huyền - trọ tại hẻm nhỏ trên đường Trung Kính (Hà Nội) - kể lại, khi đó em đang học bài thì thấy khói nghi ngút bốc lên trên phòng.
Huyền vội chạy xuống dưới xem sự việc, được bảo vệ báo có sự cố ở khu vực nhà xe với xe đạp điện và đã xử lý được rồi. Sau đó, khu trọ này không cho phép xe đạp điện, xe máy điện sạc tại đây nữa.
"Khi đó em không nghĩ nhiều. Anh trai em đi xe đạp điện phải sạc ở chỗ làm chứ chung cư không cho sạc nữa. Đọc thông tin mấy vụ cháy gần đây, em giật mình. Chung cư của em vẫn may mắn vì bác bảo vệ kịp thời xử lý sự cố", Huyền kể.
Lo lắng, bất an nhưng không biết phải làm sao cũng là hoàn cảnh của Phạm Mai - sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mai trọ trong hẻm nhỏ đường Quan Nhân, từ đường chính vào tới nơi tầm 200m, nếu có cháy xe chữa cháy cũng không thể vào tận nơi được.
Ghi nhận chung tại nhiều khu trọ ở nội thành Hà Nội và TPHCM, các nhà trọ được xây dựng san sát nhau, ngăn cách bằng những bức tường. Dưới tầng trệt, xe máy để chật kín lối đi. Nếu xảy ra cháy ở khu vực để xe chắc chắn lửa sẽ lan rất nhanh và hậu quả khó lường.
Sinh viên mù mờ cách thoát nạn khi có cháy
ThS Hoàng Huyền - giảng viên ngành truyền thông của một trường đại học tại TPHCM - chia sẻ nỗi lo lắng khi sinh viên còn mù mờ cách thoát nạn khi có cháy. Thậm chí, không ít em thờ ơ vì nghĩ vụ cháy kia cũng chẳng liên quan tới mình.
"Sau sự cố về vụ cháy tại chung cư mini vừa qua, tôi dành thời gian để nói chuyện với sinh viên về kỹ năng sinh tồn lẫn câu chuyện truyền thông. Đáng quan ngại, nhiều em dửng dưng vì nghĩ "chắc lửa trừ mình ra", chưa tự học hỏi kỹ năng thoát nạn cần thiết", bà Huyền chia sẻ.
Theo nữ giảng viên, hỏa hoạn có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, đặc biệt khi hỏa hoạn xảy ra ở các tòa nhà cao tầng, khu vực đông dân cư, phòng trọ sinh viên... Chính vì vậy, sinh viên cần nắm được các kỹ năng thoát hiểm là yếu tố quyết định đến sự sinh tồn.
Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an TPHCM (PC07), TPHCM có số lượng người lao động và học sinh, sinh viên tập trung về làm việc, học tập cao, vì thế nhu cầu thuê trọ tại các khu nhà cho thuê, chung cư mini phổ biến.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn về PCCC đối với loại hình trên lại không được chủ cơ sở và người thuê trọ thật sự quan tâm. Trong khi đó, loại hình nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini... tương đối nhiều nguy cơ phát sinh cháy nổ cao.
Công an TPHCM cũng đưa ra khuyến cáo với các chủ nhà trọ và người thuê phòng về biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ, phòng trọ.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Lưu ý của công an TPHCM về phòng cháy chữa cháy tại loại hình chung cư mini, nhà trọ, phòng trọ
Các ban quản lý, chủ nhà trọ cần thực hiện nghiêm các quy định về PCCC khi xây dựng và kinh doanh như thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo quy định.
Các phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ đã trang bị cần được định kỳ kiểm tra, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Hệ thống điện trong phòng trọ, chung cư mini cần được lắp đặt và sử dụng an toàn và thường xuyên kiểm tra thay thế, khắc phục những nguy cơ mất an toàn về điện có thể gây cháy, nổ.
Việc nấu nướng, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện đối với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là tại tầng hầm, khu vực để xe… cần phải có quy định chặt chẽ.
Các ban quản lý, chủ nhà trọ cần nghiêm cấm sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn PCCC; tổ chức tập huấn kỹ năng, cách sử dụng các phương tiện, thiết bị PCCC cho quản lý, bảo vệ và người thuê.
Các cư dân, người thuê trọ cần được tham gia diễn tập PCCC định kỳ để biết cách ứng phó, sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Các đơn vị cần cung cấp hướng dẫn về an toàn PCCC cho tất cả cư dân, người thuê trọ, niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, sơ đồ thoát nạn…
Những lối thoát an toàn cần đảm bảo dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người thuê trọ; không lắp đặt "chuồng cọp" bít lối thoát nạn.
Lối thoát không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc. Các phương tiện liên lạc khẩn cấp như loa thông báo, chuông báo cháy… cần bố trí để thông báo cho tất cả cư dân trong trường hợp có sự cố.
Cư dân, người thuê trọ cần thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy hoặc ngắn mạch. Việc sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin cần phải quản lý chặt, không sạc qua đêm khi không kiểm soát được thiết bị.
Cư dân không đốt nhang, nến thờ cúng khi đi ngủ, khi ra khỏi nhà và thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa nguồn nhiệt khi đun nấu. Nếu ra ngoài làm việc khác, người dân cần tắt lửa hoàn toàn.
Đồng thời, cơ quan công an khuyến cáo người dân không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần, không đảm bảo an toàn PCCC. Đây là cũng là nguyên nhân của nhiều vụ cháy tại phòng trọ, nhà trọ.
Người dân cần tìm hiểu kiến thức về an toàn PCCC và trang bị các dụng cụ phương tiện chữa cháy và thoát nạn phù hợp với kiến trúc của nơi mình ở. Chìa khóa mở khóa phòng trọ, căn hộ nhà ở phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình đều biết…
Lối thoát nạn thứ 2 cần được nghiên cứu, tận dụng, bố trí tại cửa số, mái nhà, ban công hoặc trang bị dụng cụ phá dỡ phù hợp với đặc thù nơi mình ở để phá dỡ mở lối thoát nạn khẩn cấp khi có cháy.
Các gia đình cần tổ chức giả định phương án chữa cháy, thoát nạn để thực tập ứng phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Người dân cũng cần phản ánh kịp thời đến quản lý chung cư mini, phòng trọ về những nguy cơ mất an toàn về PCCC, có thể gây phát sinh cháy, nổ.