Nhà thiên văn truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu vũ trụ tới giới trẻ
(Dân trí) - Ngày 8/12, vị Giáo sư hàng đầu về thiên văn học Trịnh Xuân Thuận đã cùng giao lưu trò chuyện với sinh viên ĐH FPT về chủ đề nghiên cứu thiên văn học và khám phá con người trong vũ trụ.
Bằng những hình ảnh, tư liệu cũng như kiến thức giàu có và kinh nghiệm cá nhân, vị chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học vũ trụ này đưa tới cho sinh viên ĐH FPT những câu chuyện kì thú, đưa vũ trụ và các vì sao đến gần hơn với mỗi con người. Qua đó, ông đã giúp từng cá nhân hình dung được mối liên quan mật thiết và logic của bản thân mình với tổng thể vũ trụ, giúp bản thân mỗi người tìm ra cách sống hài hòa với cuộc sống xung quanh.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đồng thời cũng chia sẻ hành trình tìm đến, theo đuổi và giành được những thành công với bộ môn khoa học nhiều thách thức là thiên văn học.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao do NXB Tri thức phát hành và chuyến làm việc dài hơn 20 ngày tại Việt Nam, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận dành nhiều thời gian để gặp gỡ, trò chuyện để truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê khoa học trong thế hệ trẻ Việt Nam.
Với giáo sư, khoa học - công nghệ là chìa khóa mở ra chặng đường phát triển dài và bền vững cho một đất nước. Để có được chiếc chìa khóa này, mỗi người trẻ nắm tri thức trong tay cần được thắp lửa đam mê và có quyết tâm theo đuổi tới cùng, nhẫn nại như hành trình loài người đang bền bỉ vươn tới các vì sao.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948, là nhà vật lý học thiên thể người Mỹ gốc Việt. Ông tốt nghiệp Viện Công nghệ California và Đại học Princeton trước khi trở thành giáo sư ngành vật lý thiên văn học tại Đại học Virginia. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận được biết đến với khả năng diễn đạt nội dung khoa học bằng ngôn từ của thi ca, và bằng sự lãng mạn của một người có tâm hồn hòa đồng với vũ trụ. Ông đã cho ra mắt nhiều đầu sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như Giai điệu bí ẩn (1988), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998)... Ông được vinh dự nhận giải Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp và sau đó là giải Kalinga năm 2009 của UNESCO về những đóng góp trong việc phổ biến khoa học vũ trụ.
Hồng Hạnh