Nhà khoa học gốc Việt được phong Giáo sư tại ĐH nổi tiếng Anh Quốc

Lệ Thu

(Dân trí) - TS. Dương Quang Trung vừa được ĐH Queen’s Belfast (Anh) phong Giáo sư thực thụ (Full Professor) chỉ sau 6 năm làm việc. Đây là một trong những trường hợp nhanh nhất trong lịch sử 200 năm của trường.

Trường ĐH Queen’s nằm trong nhóm Russel Group, 1 trong 24 trường ĐH hàng đầu của Vương quốc Anh. Riêng ngành Viễn thông, trường Queen’s được xếp hạng 28 trên thế giới, thứ 2 ở Vương Quốc Anh (theo bảng xếp hạng uy tín Thượng Hải ARWU năm 2019).

Tốt nghiệp Tiến sĩ vào cuối năm 2012, thì vào cuối năm 2013 anh được nhận vào ngạch Giáo sư của trường ĐH Queen’s Belfast với chức danh Giáo sư tập sự (Lecturer, Assistant Professor) mà không phải trải qua giai đoạn hậu Tiến sĩ (thông thường phải mất từ 3 năm đến 5 năm hay nhiều hơn). Năm 2018 anh được phong là Phó Giáo sư (Reader) mà không cần phải qua cấp Senior Lecturer.

Chỉ sau 6 năm rưỡi làm việc ở trường Queen's từ vị trí GS tập sự, anh đã trở thành GS thực thụ (Full Professor) và "Chair" về một trong các lĩnh vực của ngành Viễn thông.

Nhà khoa học gốc Việt được phong Giáo sư tại ĐH nổi tiếng Anh Quốc - 1
GS Dương Quang Trung (quê gốc Hội An, Quảng Nam), người Việt được ĐH Queen’s phong Giáo Sư thực thụ (Full Professor) chỉ sau 6 năm làm việc.

Đây cũng có thể gọi là một trong những trường hợp nhanh nhất trong lịch sử 200 năm của trường Queen's (1 trong 9 trường ĐH cổ nhất của Vương Quốc Anh).

Theo hệ thống khoa bảng ở các nước phương Tây (Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc v…v), thông thường để lên đến vị trí GS thực thụ thì phải mất từ 10-20 năm, nhiều GS khi về hưu chỉ với các vị trí thấp hơn chứ không phải là GS thực thụ.

Cũng vừa mới đây, GS Trung được bầu vào danh sách top những nhà nghiên cứu có trích dẫn cao nhất thuộc lĩnh vực "Khoa học máy tính và Điện tử" (Computer Science and Electronics) với tổng số trích dẫn 10.500 và chỉ số h-index là 56 (Top Scientist - World Computer Scientists Ranking 2020 do thông tin lưu trữ DBLP quản lý). Trong tổng số khoảng chừng 3000 nhà khoa học, GS Trung cũng là người duy nhất của trường Queen’s được xếp hạng.

Những đóng góp thầm lặng

Tuy khá bận rộn nhưng năm nào GS Trung cũng về Việt Nam trung bình 4 đến 5 lần để kết nối và giúp các bạn trẻ quê nhà có điều kiện học tập, vươn ra thế giới. Trong đó, GS đã xây dựng, mở Trường Hè Nghiên cứu khoa học dành cho các sinh viên Việt Nam.

Sau 5 lần liên tiếp tổ chức từ năm 2015 đến nay, đã có gần 100 bạn tìm được học bổng theo học chương trình nghiên cứu sinh, thạc sĩ ở các nước Anh, Pháp, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Italy v..v.

Trao đổi với PV Dân trí, GS Trung tâm sự: “Quãng thời gian làm nghiên cứu sinh nước ngoài là thời gian đẹp và đáng nhớ của tôi. Ở đó, tôi vừa có điều kiện được tiếp cận các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn, nâng cao các kỹ năng nghiên cứu mới ở các quốc gia tiên tiến với những trải nghiệm thú vị cho bản thân.

Hy vọng các nhà khoa học trẻ Việt Nam chúng ta sẽ nỗ lực hết mình để có cơ hội tham gia hành trình khám phá các nền văn hóa trên thế giới và tiếp cận các trí thức mới trong tương lai gần”.

GS Trung và các cộng sự đã đi một loạt các huyện, thị xã, thành phố để khảo sát kết quả nghiên cứu trong việc giúp phòng chống thiên tai ở tỉnh Quảng Nam.

Dự án áp dụng các công nghệ IoT (Internet vạn vật), machine learning (Học máy), UAV (Thiết bị bay không người lái) vào việc cảnh báo lũ lụt trên toàn địa bàn một tỉnh thường hay bị lũ lụt gây hại, giúp tăng cường việc cảnh báo, phòng chống tránh thiệt hại về người và tài sản.

Với tâm huyết và tình cảm đặc biệt dành cho các nhà khoa học trẻ trong nước, GS Dương Quang Trung còn sẵn lòng sắp xếp thời gian có mặt theo lời mời của các ĐH trong nước để truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho các sinh viên, giảng viên ĐH trong nước.

Giáo sư Dương Quang Trung vừa bước qua tuổi 40, sinh ra và lớn lên ở Hội An, xuất thân trong một gia đình cha là viên chức đã nghỉ hưu, mẹ làm nội trợ.

Tốt nghiệp cấp 3 ở trường PTTH Trần Quý Cáp, phố Hội, tiếp đó, thì vào học ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, tốt nghiệp loại giỏi. Khi được hỏi về những thành công của mình, GS chỉ trả lời: “Mọi thứ đến với tôi như sự tình cờ, làm việc với tất cả niềm vui. Hết mình với công việc nghiên cứu và cũng gặp nhiều may mắn. Lớn nhất là sự động viên của gia đình, người thân, bạn bè.

Kết quả này không phải chỉ là của cá nhân tôi mà còn lại sự đóng góp và công sức của tất cả các thành viên trong nhóm nghiên cứu do tôi hướng dẫn”.

Trong khoảng hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, GS Dương Quang Trung đã giành nhiều giải thưởng danh giá: 1 trong 8 nhà khoa học giành giải Fellowship của Hội Khoa học hoàng gia Anh Quốc từ năm 2016 đến năm 2020 (cả vương quốc Anh chỉ có 8 người được trao giải vào năm đó); giải thưởng Newton Prize 2017 của Chính phủ Anh; giải thưởng Nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất năm 2016 của ĐH Queen’s; được ĐH Queen’s vinh danh là nhà khoa học có công trình nghiên cứu mang tính đột phá sáng tạo năm 2018.

GS Trung cũng đoạt giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất (Best Paper Award) tại các hội nghị hàng đầu về ngành Viễn Thông và mạng 5G như hội nghị IEEE GLOBECOM 2016 và 2019 tại Mỹ, hội nghị IEEE ICC 2014 tại Australia, hội nghị IEEE VTC 2013 tại Đức.

Nhà khoa học gốc Việt được phong Giáo sư tại ĐH nổi tiếng Anh Quốc - 2

GS Trung, chủ nhiệm công trình cải thiện hệ thống thông tin liên lạc trong thiên tai (thứ 2 từ trái sang) giành giải thưởng Research Innovation (Nghiên cứu sáng tạo) năm 2018 của Đại học Queen's.

Cũng trong năm 2019, GS Trung góp tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học có trích dẫn nhiều nhất thế giới năm 2017 do Tạp chí PLoS Biology công bố.

Đồng thời, Giáo sư cũng là tác giả chính và đồng tác giả của hơn 340 công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành và hội nghị quốc tế (trong đó có hơn 200 công trình thuộc tạp chí danh mục ISI).

Trong 5 năm gần đây ở trường Queen’s, GS Trung đã nhận được tài trợ lên đến hơn 5 triệu USD để xây dựng nhóm nghiên cứu về các công nghệ mới như 5G và 6G.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm