Nhà giáo Trần Hữu Tá qua đời
(Dân trí) - PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM qua đời vào tối 27/11, hưởng thọ 87 tuổi.
Theo thông tin từ người thân của PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá, ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc 20h ngày chủ nhật 27/11 sau một thời gian dưỡng bệnh. Linh cữu của ông được lưu tại chùa Xá Lợi ngày 28/11.
PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá sinh năm 1937 tại Hưng Yên, theo học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 1956-1959. Ông từng là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau năm 1975, ông chuyển vào miền Nam và có nhiều năm công tác tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Giai đoạn sau này, ông giữ vai trò Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TPHCM. Ông là chủ biên sách giáo khoa văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa văn lớp 12 và là tác giả của hàng chục cuốn sách văn học cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng trên các tờ báo của cả nước.
Vào năm 2016, Ban Liên lạc cựu sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh ngành văn học, ngôn ngữ ở TPHCM tổ chức lễ tri ân về những đóng góp của thầy Trần Hữu Tá.
Nói về PGS Trần Hữu Tá, trong bài viết "Người thầy nhân hậu, liên tài", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống kể, ông không được học thầy trực tiếp, ban đầu chỉ là đọc những gì thầy viết, nghe lại những gì người ta kể và nhắc về thầy. Nhưng rồi về sau, ông cũng được gặp gỡ và trực tiếp chuyện trò, trao đổi, luận bàn.
Cũng được thầy coi là thân thiết, được tặng sách. Chỉ tiếc là sống xa cách hai đầu đất nước nên không được thường xuyên gặp gỡ. Tuy thế và dẫu chỉ thế, vẫn đủ đọng lại trong tôi một ấn tượng rất sâu đậm về thầy Trần Hữu Tá - một người thầy có tấm lòng nhân hậu, liên tài.
Theo PGS Đỗ Ngọc Thống, chất nhân hậu của thầy Tá toát ra từ giọng nói, dáng đi, từ cung cách ứng xử thường nhật với mọi người. Tuy không gần gũi bên thầy hàng ngày nhưng tôi luôn nghĩ chắc chẳng bao giờ thầy lớn tiếng, đập bàn đá ghế, "phùng mang trợn mắt", "đỏ mặt tía tai", quát tháo om sòm…
"Với tôi, hình ảnh thầy Trần Hữu Tá luôn là một con hồ phẳng lặng, êm đềm, mềm mại và sâu thẳm bao dung - một con người thanh nhã, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn; ăn cũng thế mà nói cũng thế. Tôi cứ nghĩ, con người ấy, ngay cả lúc nóng giận nhất, quyết liệt nhất vẫn chỉ tung ra những âm sắc của nhã nhạc chứ không xủng xoảng gươm đao. Giọng miền Bắc êm nhẹ, lại dí dỏm hay dùng nhã ngữ nên cách nói của thầy rất truyền cảm, thấm thía. Ít khi thấy thầy vội vã, tất bật.
Cứ để ý cách pha trà tiếp khách là có thể hình dung ra nhịp sống của thầy. Không cầu kỳ, hoa lá nhưng cũng đủ cẩn trọng, rất "chuyên nghiệp" và đúng cách. Cùng với nụ cười hồn hậu, cái bắt tay của thầy bao giờ cũng chặt và nồng ấm, luôn mang lại cho người giao tiếp một cảm giác tin cậy, chân thành", PGS Đỗ Ngọc Thống trải lòng về người thầy đáng kính.