Tiễn biệt tác giả bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão" - Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển

(Dân trí) - Ngày 17/3, hàng ngàn học trò, đồng nghiệp, đã đến tiễn biệt NGƯT, nhà văn Đặng Hiển về nơi vĩnh hằng, hưởng thọ 82 tuổi. Ông là tác giả bài thơ nổi tiếng trong SGK - “Mẹ vắng nhà ngày bão”.

Tiễn biệt tác giả bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão - Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển - 1

Vĩnh biệt Nhà giáo ưu tú, nhà văn Đặng Hiển

1. Ba năm học chuyên Văn khóa 10 (1992 – 1995) tại trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), tôi may mắn được là học trò của thầy Đặng Hiển. Lớp chúng tôi có gần 30 học sinh, các bạn ở các huyện của tỉnh Hà Tây (cũ) lên Hà Đông học phải trọ trong ký túc xá của trường.

Do nhà chúng tôi phần lớn đều nghèo nên chúng tôi gầy gò, xanh xao, lên lớp bữa đói, bữa no. Nhưng trong những năm tháng học hành vất vả đó, chúng tôi luôn cảm thấy bình an và thấy mình thật “giàu có” bởi chúng tôi luôn có thầy Đặng Hiển ở bên.

Cho đến bây giờ, khi đã ra trường được 25 năm – tôi vẫn tự hỏi, vì sao lại có một người thầy yêu thương học trò của mình đến vậy? Vì sao thầy Đặng Hiển lại luôn làm chúng tôi thổn thức đến vậy?.

Ba năm đèn sách cùng các đội tuyển đi thi học sinh giỏi, chúng tôi có lúc mệt mỏi (phần vì đói), những lúc ấy thầy thường động viên chúng tôi bằng mọi cách như pha trò cho chúng tôi vui hoặc cho chúng tôi tiền đi ăn gì đó.

Khi chúng tôi tung tăng vào chợ mua bánh, thầy thường đạp xe nói với theo: “Này, đằng ấy ăn bánh xong phải vào lớp đấy nhé”.

Thầy quan niệm, chúng tôi chăm chỉ học hành là “chung thủy” với thầy. Làm sao tôi có thể quên được những đêm tối lạnh cắt da cắt thịt, thầy đạp xe lọ mọ tìm đến nhà từng bạn, mang từng quyển sách chỉ cho chúng tôi cách đọc sao cho hiệu quả nhất.

Làm sao tôi có thể quên những buổi chiều, thầy xuống khu ký túc xá tạm bợ, xem học trò của mình ăn uống ra sao. Tôi đã từng thấy thầy gỡ kính lau nước mắt khi bữa cơm của học trò sống xa nhà chỉ có rau xanh ngăn ngắt.

Sau đó, thầy thường bỏ tiền ra mua thức ăn cho các bạn trọ học cải thiện. Làm sao tôi có thể quên được đến giờ sau 25 năm chúng tôi ra trường, những bài văn hay của chúng tôi vẫn được thầy lưu giữ, nâng niu như báu vật. Rồi có lần thầy lên lớp trả bài – đề bài thầy cho học sinh viết về kỷ niệm gia đình.

Thầy xúc động vì biết có học trò đã trải nỗi buồn trên trang vở khi mẹ mất sớm hay bố mẹ không hạnh phúc.

Và thầy khóc. Chúng tôi cũng khóc. Lũ học trò non nớt ngu ngơ co cụm lại như đàn chim nhỏ run rẩy, nhưng giữa lúc hoang mang, buồn bã đó, thầy đã ở bên cạnh chúng tôi, vỗ về chúng tôi như một người mẹ dang tay che chở cho đàn con bé bỏng.

Sau này, trong bài thơ “Lời không ghi trong giáo án”, thầy đã viết: “Trong đời dạy học của tôi/ Tôi đã nói nhiều về sự hy sinh của những người cha/ Sự thủy chung của những người mẹ/ Nhưng tại sao tôi chưa nói về sự cô đơn của những đứa trẻ/ Nỗi nhớ cha và lòng thương mẹ/ Cứ chất đầy lên vai nhỏ dường kia/ Và từ phút đó trở đi/ Thầm cất lên trong tôi/ Lời gì thiêng liêng, trang trọng lắm/ Lời không ghi trong giáo án/ Còn cao hơn cả trách nhiệm người thầy”…

Cứ như thế, chúng tôi đã miệt mài học hành vì có thầy Đặng Hiển ở bên chắp cánh ước mơ. Thầy đã cho chúng tôi những năm tháng êm đềm, dịu ngọt nhất.

Tiễn biệt tác giả bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão - Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển - 2

Thầy Đặng Hiển bên các học sinh chuyên Văn khóa 10

Chúng tôi kiêu hãnh khi được là học trò của thầy. Thầy đã thắp lên trong chúng tôi một tình yêu văn chương tha thiết. Thầy dạy tôi biết vị tha, bao dung với cuộc đời, và đặc biệt, trong mọi hoàn cảnh, thầy dạy chúng tôi phải luôn hết mình tận tụy với công việc, vì đã “làm con chim chiếc lá thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh”.

Chúng tôi (và cả các anh chị, các em chuyên văn khóa trước, khóa sau) đều trở thành một phần cuộc sống quan trọng của thầy. Niềm vui nỗi buồn, sự thành đạt, những chặng đường đời của chúng tôi chiếm lĩnh tâm hồn thầy, chiếm lĩnh phần lớn sáng tác của thầy.

Nhiều lần tôi lại tự hỏi, thầy còn bao việc, bao mối bận tâm lớn lao, sao thầy cứ lo lắng, nghĩ cho cho chúng tôi nhiều đến vậy? Chỉ cần một bờ vai gầy của học trò nghèo rung lên dưới lớp, cũng làm thầy thổn thức trắng đêm.

Trước những học trò không may qua đời, tim thầy như dao cắt, thầy phải thốt lên: “Ngủ đi Nga, ngủ đi con!”, thì nỗi đau đó mới vợi bớt. Từng câu thơ được thầy chưng cất từ thẳm sâu nhân ái của tâm hồn mình để dành tặng học trò:

“Đời tôi là một dòng sông/Những khi có sóng, trong lòng vẫn êm/ Đời em là một cánh chim/ Những ngày lặng gió vẫn nghiêng đất trời/ Em là bão táp – trong tôi” (Dòng sông và cánh chim) “Ba mươi năm/Ta nhìn nhau nước mắt rưng rưng/Tóc em đốm hoa, tóc ta bạc nửa/Duy ánh mắt vẫn ngời, trái tim càng thắm đỏ” (Về lại trái tim). “Em nằm lại, nấm mồ chưa đắp trọn/Hoàng hôn rồi, trời mờ mịt mây bay/Bình minh của ta ơi, sao sớm tắt/Cỏ chưa mọc trên mồ, sương xuống buốt lòng ai” (Tưởng nhớ 1 – Gửi hương hồn Bùi Thị Nga)…

Nhà thơ Hữu Thỉnh, khi nhận xét về tập thơ “Mái trường mến yêu” của thầy Đặng Hiển, đã viết rằng: “Tôi thực sự xúc động vì lâu nay chỉ thấy trò viết về thầy, rất ít khi thầy viết về trò, nhưng với nhà giáo Đặng Hiển, tình cảm thầy dành cho học trò dường như vô điều kiện, vô bờ bến. Đọc tập thơ, ta thấy một không gian giáo dục, một môi trường sư phạm trong trẻo đã tràn vào thi ca với tình thầy trò chân thành nhất”.

Tiễn biệt tác giả bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão - Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển - 3

Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển vẫn say mê sáng tác, chắt chiu những trải nghiệm trong cuộc đời dạy học để gửi gắm vào những trang viết

2. Hơn 40 năm dạy học và sau này, khi rời bục giảng, thầy sáng tác không ngừng nghỉ. Đến nay, NGƯT Đặng Hiển đã có một “gia tài” tác phẩm khá đồ sộ với 15 tập thơ và trường ca, 5 tập kịch, 4 tập truyện kí và 9 tập lý luận phê bình văn học.

Từ cuộc đời dạy học, thầy đã rút ra được nhiều bài học bổ ích về lí luận và thực tiễn dạy học bậc phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Văn trong nhà trường.

Thầy đã được trao tặng giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng nhiều giải thưởng của các cơ quan báo chí, tổ chức chính trị, xã hội địa phương và trung ương…

Trong đó, thầy đạt 2 giải C (về thơ và về kịch) của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và gần đây nhất là Giải Khuyến khích của Hội đồng Phê bình lí luận văn học nghệ thuật Trung ương 2016 với tập tiểu luận – phê bình "Văn chương người cùng thời" (NXB Hội Nhà văn, 2015).

Ngay cả khi bệnh nặng, thầy vẫn sáng tác, để lại hàng ngàn trang viết chưa xuất bản về lí luận dạy học sâu sắc… NGƯT Đặng Hiển là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Thầy được trao tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến Chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy chương “Vì thế hệ trẻ”, Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam”, Huy chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”…Thầy từng là thành viên soạn thảo SGK môn Văn của Bộ GD &ĐT.

Từ 2013 đến 2018, thầy tham gia biên soạn, biên tập cuốn Bách khoa thư Hà Nội, được Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen.

Hơn 40 năm đứng trên bục giảng, nhiều học trò của thầy đã thành đạt. Có 4 học trò của thầy được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều học sinh là cán bộ cao cấp trong quân đội, có người đã hy sinh anh dũng trong chiến trường. Nhiều học trò của thầy sau này còn trở thành các giáo sư tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo chân chính…

Tiễn biệt tác giả bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão - Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển - 4

Thầy Đặng Hiển và học trò – Tiến sĩ, Nhà báo Thu Phương, Báo CAND, tác giả bài viết.

Khi tôi viết những dòng này, ngoài trời mưa rất lạnh, lá cây xào xạc bên khung cửa sổ. Tôi biết có một chiếc lá đã theo gió bay về nơi cuối trời, như thầy tôi đã từng viết: “Đời tôi năm tháng đã từng/ Vẽ cho người lá cuối cùng không rơi/Bây giờ lại đến lượt tôi/ Vẽ cho mình lá chưa rơi cuối cùng”…Nhưng tôi cũng biết, sức sống của chiếc lá đó vẫn vương đọng mạnh mẽ trong tất cả tâm hồn chúng tôi – đó là sức sống của thầy, tinh thần của thầy và tình yêu học trò của thầy sẽ mãi mãi theo chúng tôi.

Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển – thầy đã sống một đời trọn vẹn ân tình. Cuộc đời dâng hiến của thầy chính là bài học sâu sắc nhất dành cho chúng tôi…Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển vẫn say mê sáng tác, chắt chiu những trải nghiệm trong cuộc đời dạy học để gửi gắm vào trang viết.

Tiễn biệt tác giả bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão - Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển - 5

Thầy Đặng Hiển cùng người bạn đời – cô giáo Trần Kim Quyên và các học trò chuyên văn Khóa 7 trong buổi gặp mặt với các thế hệ học trò, kỷ niệm thầy tròn 80 tuổi.

Trở lại bài thơ nằm lòng các thế hệ “Mẹ vắng nhà ngày bão” của thầy Đặng Hiển. Từ khi là học trò của thầy, chúng tôi đã được nghe thầy kể và đọc bài thơ này biết bao lần, lần nào đọc, mắt thầy cũng lấp lánh.

Thầy kể, đó là vào mùa hè năm 1980, vợ của thầy – cô giáo Trần Kim Quyên trong một chuyến về thăm quê ở Nam Định không may gặp bão, chưa trở về với thầy và các con ở Hà Đông được.

Trong những ngày “mẹ vắng nhà”, mấy bố con phải tự xoay sở, lo cơm nước. Thầy kể, ngày thường rất vụng về việc bếp núc, nhưng vì “vợ vắng nhà” nên thầy phải đội mưa đi chợ “mua cá về nấu chua”. Và bài thơ ra đời trong hoàn cảnh thú vị đó.

Tiễn biệt tác giả bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão - Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển - 6

Bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão"

Bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão được in lần đầu tiên trong “Văn nghệ Hà Sơn Bình” từ năm 1980. Năm 1981, bài thơ được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đề xuất với Ban Biên soạn SGK đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông cho học sinh tiểu học.

Đây là thời điểm chính thức bài thơ được in trong SGK. Thầy Đặng Hiển rất “phấn khởi” khi bài thơ ghi lại kỷ niệm về gia đình mình được chọn lựa in trong SGK.

Tràn ngập trong bài thơ là một tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống với những chi tiết thật thú vị, nhân văn: “Mẹ về như nắng mới/ Sáng ấm cả gian nhà”…

Sau này thầy Đặng Hiển còn dí dỏm nói với chúng tôi rằng, “nhắc đến bài thơ này là nhắc đến Đặng Hiển”, như một “thương hiệu”!.

Thu Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm