Nguyên Thi, cô gái Huế giàu nghị lực

(Dân trí) - Với dáng hình nhỏ nhắn thế nhưng hàng ngày ngoài một buổi đến trường, Bùi Xuân Nguyên Thi, cô sinh viên năm thứ 2, lớp phiên dịch Tiếng Anh - ĐH Ngoại ngữ Huế còn phải chăm sóc người mẹ bị liệt hai chân và nhận hai suất dạy kèm tại nhà để kiếm tiền nuôi mẹ.

Đi dạy thêm nuôi mẹ

 

Phải hẹn trước với Nguyên Thi để sắp xếp trước thời gian vì em rất bận. Ngoài một buổi đến trường, Nguyên Thi còn nhận dạy thêm hai suất. Một suất lớp 8 vào buổi chiều và một suất lớp 10 vào buổi tối. Hầu như không có ngày nào Nguyên Thi rảnh rỗi cả. “Chị thấy em có khỏe không?”, Thi khoe.

 

Mỗi tháng Nguyên Thi nhận được 300.000 đồng tiền dạy thêm. Số tiền tuy ít ỏi nhưng đó là nguồn thu nhập chính của hai mẹ con Thi kể từ khi mẹ Thi đau suốt ngày không thể ngồi bán hàng được nữa.

 

Năm 1988, lúc đó Nguyên Thi mới 18 tháng tuổi. Hai mẹ con cùng nhau vào thăm bố đang công tác trong Đà Nẵng, sau đó thì cả nhà lại ra Huế. Và rồi trên chuyến xe ấy, tai nạn đã ập đến với gia đình em. “Khi tôi tỉnh dậy thì bố của Nguyên Thi đã chết, con bé bị văng ra xa nên không bị gì, còn tôi thì bị thương nặng ở chân và sau lưng”, bà Nguyễn Thị Sanh, mẹ của Nguyên Thi nhớ lại.

 

Sau đó bà Sanh phải điều trị ở Huế 6 tháng, tiếp đó lại vào Đà Nẵng để điều trị chỉnh hình một năm nữa. Dù có chạy chữa thế nào thì đôi chân bà cũng không thể đứng dậy được, suốt đời phải ngồi trên chiếc xe lăn.

 

Cũng từ đó công việc của một nhân viên bưu điện tỉnh đã chấm dứt đối với bà. Bà phải về nhà sắm cái tủ để bán mấy cái lặt vặt như: kẹo, mì tôm, thuốc lá… mẹ con hai bữa nuôi nhau. “Lúc đó thật là khó khăn nhưng dù thế nào tôi cũng phải nuôi con ăn học khôn lớn”, bà Sanh quyết tâm.

 

Thế rồi Nguyên Thi cũng lớn lên nhờ mấy gói thuốc, mì tôm… của mẹ và sự đùm bọc của bà con làng xóm. Nhưng hai năm trở lại đây bà Sanh lại đau suốt ngày do vết thương cũ, không thể ngồi bán hàng được nữa. Bà đành phải xếp mấy gói thuốc, cái kẹo lại. Và cũng từ đó bắt đầu những tháng ngày vất vả của Nguyên Thi.

 

“Em thương mẹ em lắm, em phải làm việc gì đó để mẹ đỡ khổ”, Thi nghĩ. Thế rồi Thi quyết định đi dạy thêm. “Lúc đầu mẹ em không đồng ý nhưng em vẫn cương quyết nên mẹ đành chiều theo ý em”. Thi kể lại.

 

Ngày đầu tiên đi dạy rồi về làm công việc nhà, rồi xoa bóp cho mẹ còn phải học bài nữa, Nguyên Thi thấy rất mệt nhưng tình yêu đối với mẹ đã giúp cô bé vượt qua khó khăn, dần dần Nguyên Thi cũng quen. “Hôm nhận được tháng lương đầu tiên em vui lắm, em liền chạy đi mua khăn vệ sinh và sữa cho mẹ”. Nguyên Thi sung sướng. “Hai mẹ con mỗi tháng được nhận 200.000 tiền trợ cấp xã hội chỉ đủ tiền ăn, may nhờ có nó mà tôi cũng có đôi đồng uống thuốc”, bà Sanh tự hào.

Bao giờ cũng thế, hễ nhận được đi dạy là Nguyên Thi đưa lại cho mẹ ngay, chỉ những cần thiết trực tiếp mua cái gì cho mẹ thì em mới giữ lại một ít. “Vào những ngày lễ, bạn bè bảo em nên mua hoa tặng mẹ nhưng em nghĩ nhà mình đang nghèo, mẹ lại đau ốm nên em chỉ mua cái gì đó cho mẹ bồi dưỡng thôi”. Nguyên Thi cười.

 

Nhà khó khăn, Nguyên Thi cũng đã được nhà trường giảm cho 50% tiền học phí thế nhưng cả hai mẹ con nhà Thi vẫn chưa biết kiếm đâu ra 900.000 đồng để nộp học phí cho năm học này.

 

Và ước mơ giản dị

 

“Ngày đầu tiên đi học, mẹ bảo em cứ đi ra đường chỗ nào thấy đông người thì đi theo họ. Em làm theo lời mẹ dặn rồi cuối cùng cũng đi được đến trường. Nhưng thấy mình thật tủi thân vì bạn bè đều có bố mẹ đưa đến trường cả”, Nguyên Thi ứa nước mắt.

 

Nguyên Thi cứ thế lớn dần lên trong sự thiếu thốn chiều chuộng của bố mẹ. Em muốn đi chơi ở đâu cũng không ai dẫn cho mà đi cả. Bé Thi phải lớn hơn so với cái tuổi của mình.  Bốn, năm tuổi Nguyên Thi đã phải nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa… Thế nhưng Nguyên Thi lại rất chăm học, năm nào cũng đạt học sinh tiến tiến.

 

Năm 2005, em thi đỗ ĐH Ngoại ngữ Huế và Cao đẳng Sư phạm Huế. Và Nguyên Thi chọn ĐH Ngoại ngữ. “Em muốn được đi nhiều nơi và như vậy về nhà em có thể kể cho mẹ nghe nhiều chuyện ở bên ngoài”. Nguyên Thi tâm sự.

 

Bây giờ ngoài việc dạy thêm mọi việc trong nhà đều do bàn tay nhỏ nhắn của em đảm nhận cả. Mẹ đau suốt ngày do vết thương ở sau lưng ngày càng lụn thối, đôi chân ngày càng teo tóp. Ngày nào Nguyên Thi cũng phải xoa bóp cho mẹ. Có những đêm trở trời mẹ đau nhức không ngủ được, Nguyên Thi phải dậy lấy dầu xoa bóp cho mẹ khi mẹ cảm thấy dễ chịu hơn thì em đã ngủ giật từ lúc nào không biết.

 

Công việc vất vả khiến cho Nguyên Thi không có nhiếu thời gian cho việc học thế nhưng hễ rảnh rỗi lúc nào thì em lại ngồi vào bàn ngay. “Nhiều hôm thấy con ngủ giật trên bàn vì mệt quá mà thấy thương con”, bà Sanh đau lòng. Thế nhưng cái khó khăn lớn nhất của em hiện nay là không có tiền để mua sách học và băng đĩa để nghe. “Nhưng dù khó khăn thế nào em cũng phải cố gắng học cho tốt”, Thi quyết tâm.

 

Sách vở không có thì em đi học thư viện, lên trung tâm học liệu vào mạng tra cứu thông tin, còn băng đĩa thì thỉnh thoảng mượn bạn bè.  Đối với Thi việc học rất quan trọng, đó là tương lai của cuộc đời em.

 

Khi tôi hỏi nếu có một điều ước thì em sẽ ước gì? “Em chỉ mong nhanh ra trường đi làm việc có tiền mua thuốc cho mẹ để mẹ được sống với em lâu hơn”, Nguyên Thi nhìn mẹ trìu mến. 

Khánh Hồng