Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V

(Dân trí) - Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam khóa V đã bầu nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước GS.TS Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ V (2016 - 2021).

Ngày 22/9, Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam khóa V đã bầu ra 104 đại biểu vào Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam đã thống nhất bầu nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Đại hội đã suy tôn ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa III, IV làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V - 1
Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam khóa V ra mắt

Tân Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V - nguyên Phó Chủ tịch nước GS.TS Nguyễn Thị Doan bắt tay chúc mừng của ông Nguyễn Mạnh Cầm nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa IV

Tân Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V - nguyên Phó Chủ tịch nước GS.TS Nguyễn Thị Doan bắt tay chúc mừng của ông Nguyễn Mạnh Cầm nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa IV

Nhiệm kỳ V (2016 - 2011) của Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam là nhiệm kỳ xây dựng công tác khuyến học, khuyến tài phục vụ đường lối giáo dục ghi trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nội dung giáo dục quan trọng trong Nghị quyết cần quán triệt là tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW (khóa XI), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhận lực của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng tỷ lệ đào tạo nghề cho người lao động; tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược; bảo đảm công bằng xã hội và bình đẳng xã hội trong giáo dục và đào tạo.

Với yêu cầu đặt ra như vậy, giáo dục người lớn trở thành một vấn đề vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược, vừa là một vấn đề cần đổi mới triệt để nhằm có được một hệ thống giáo dục cân đối giữa giáo dục thế hệ trẻ với giáo dục người lao động, giữa giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy, giữa giáo dục ban đầu với giáo dục tiếp tục.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, cuộc cách mạng trong giáo dục trên thế giới một mặt vẫn tiến triển theo xu thế xây dựng xã hội học tập, vận động các quốc gia xây dựng chiến lược học tập suốt đời. Thành phố học tập là sản phẩm cơ bản nhất để tạo điều kiện cho dân cư các quốc gia có nền công nghiệp hiện đại tiến hành việc học suốt đời khi mà đất nước đã cơ bản đô thị hóa và đời sống của đa số nhân dân đã trung lưu hóa. Việc xây dựng mô hình công dân học tập là vấn đề quan trọng để tạo ra xã hội học tập hướng tới mô hình kinh tế - xã hội phù hợp với hoàn cảnh quốc gia của họ. 4 trụ cột giáo dục “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tồn tại (hay để làm người)” là những mục tiêu cơ bản của quá trình học tập suốt đời mà mỗi công dân cần theo đuổi.

Nhiệm kỳ Đại hội V của Hội là giai đoạn toàn Hội tiếp tục triển khai các Quyết định 89/QĐ-TTg, 281/QĐ-TTg, Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT và Quyết định 448/QĐ-KHVN một cách rộng rãi trên khắp các địa bàn dân cư cấp xã. Nội dung của các văn kiện trên bao gồm những yêu cầu tối thiểu về những thiết chế giáo dục, chủ yếu là giáo dục không chính quy cho người lớn trong một cấu trúc của mô hình xã hội học tập tại giai đoạn đầu hình thành. Xây dựng các mô hình học tập và những tiêu chí phải đạt về sự phát triển của từng mô hình là trách nhiệm mà Hội thực hiện theo sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ.

Mối liên hệ, hợp tác với các tổ chức giáo dục nước ngoài để chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng xã hội học tập là cần thiết. Trên thế giới, cứ 4 năm một lần lại có Hội nghị về Giáo dục người lớn, còn về Hội thảo khoa học, Hội nghị chuyên đề về xã hội học tập thì liên tục. Chúng ta đang chậm bước trên phương diện này, và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến ta chưa hội nhập với thế giới hiện đại trong lĩnh vực xây dựng xã hội học tập. Thiếu thông tin hoặc không quan tâm đến thông tin về vấn đề này đều dẫn đến sự chậm đổi mới và phát triển giáo dục người lớn – một vấn đề đáng ra phải được đặt ở trung tâm chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao để tạo vốn con người đúng với yêu cầu xây dựng một đất nước công nghiệp hiện đại.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam qua các thời kỳ:

Đại hội lần thứ I (Nhiệm kỳ 10/1996 – 6/1999):

Chủ tịch Hội: GS.NGND Nguyễn Lân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội.

Đại hội lần thứ II (Nhiệm kỳ 6/1999 – 12/2005):

Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chủ tịch: Vũ Oanh

Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1/2006 – 9/2010)

Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chủ tịch: Nguyễn Mạnh Cầm

Đại hội lần thứ IV (Nhiệm kỳ 2/2010 - 2015)

Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chủ tịch: Nguyễn Mạnh Cầm

Hồng Hạnh (Ảnh: Hữu Nghị)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm