Phơi phới niềm tin “đồng tâm hiệp lực” triển khai công tác khuyến học toàn quốc

(Dân trí) - Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V diễn ra sáng 22/9, Đại diện Đoàn đại biểu của Hội Khuyến học tỉnh Sơn La, Quảng Trị và TP. Hồ Chí Minh đã có những tham luận báo cáo kết quả tốt đẹp trong công tác khuyến học, khuyến tài và quyết tâm vượt khó, sáng tạo, bền bỉ trong hành trình xây dựng xã hội học tập tại địa phương mình.

Sau phần Báo cáo hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ IV và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ V, các đoàn đại biểu đều nhất cao với báo cáo của BCH Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khóa IV (2010-2015) và trình bày trước đại hội các tham luận báo kết quả triển khai các mô hình khuyến học, khuyến tài cùng phương hướng phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng công tác khuyến học tại địa phương trong thời gian tới.


Các đại biểu tham dự Đại hội

Các đại biểu tham dự Đại hội

Huyện Mộc Châu nỗ lực vượt khó xây dựng “Gia đình/ Dòng họ hiếu học”

Trước đại hội, Đại biểu Giàng Khánh Ly – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vui mừng chia sẻ một số kết quả thực hiện công tác khuyến học ở huyện miền núi vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh. Tại huyện trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Sơn La, Chi Hội khuyến học cách xa trung tâm huyện nhất là 70km đường rừng núi hiểm trở, nhất là mùa mưa lũ. Huyện có 72 đơn vị trường học với 2.374 cán bộ giáo viên, nhân viên và 28.100 học sinh các cấp học, bậc học, trong đó còn 5 xã vùng III và một số bản vùng III thuộc xã hội vùng II, chủ yếu là dân tộc thiểu số ít người, rất khó khăn về điều kiện học tập.

Nữ Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Mộc Châu cho hay, để nâng cao nhận thức về xã hội học tập, Tỉnh Hội đã làm đĩa hình bằng tiếng Mông, tiếng Thái. Bản thân chị Giàng Khánh Ly cũng vận dụng biên tập sang tiếng xác dân tộc khác và tập huấn cho các cán bộ khuyến học là người dân tộc để tuyên truyền hướng dẫn bằng tiếng dân tộc. Mỗi năm huyện hội đều tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng một lần, nhờ vậy đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người với công tác khuyến học, khuyến tài.

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận , đoàn thể và đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học từ huyện đến cơ sở, phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về uy mô và chất lượng. Trong 4 năm qua (2011-2016), Hội Khuyến học huyện đã vận động xây dựng được 10.150 gia đình hiếu học (chiếm 57,5% tổng số gia đình của huyện); tỷ lệ dòng họ hiếu học đạt 55,9%; bình quan mỗi năm có 2.030 lượt hộ gia đình chủ động đăng ký, bình xét và đạt danh hiệu gia đình hiếu học của huyện. Tỷ lệ gia đình hiếu học các dân tộc Kinh, Thái, Mông, Mường… đạt từ 65-70%; các dân tộc khác đạt từ 40-50%.

Có thể nói, phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” đã hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” , xây dựng nông thôn mới và công tác dạy và học ở các đơn vị trường học; khuyến khích động viên con, cháu trong các gia đình chăm chỉ học tập, vương lên trong học tập. Nhiều gia đình từ nghèo khó đã vươn lên đổi đời nhờ phong trào học tập. Cũng từ đây, đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ, tiêu biểu ở các lĩnh vực trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Với nhiều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Hội Khuyến học huyện Mộc Châu là Hội Khuyến học đầu tiên trong tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng Ba.

Quảng trị quyết tâm , sáng tạo xây dựng các mô hình học tập suốt đời

Góp mặt trong phần trình bày tham luận, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đã báo cáo Đại hội 4 nội dung hoạt động nổi bật của Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị; thể hiện quyết tâm – sáng tạo – vượt khó để hoàn thành tốt việc xây dựng các mô hình học tập suốt đời.


Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị

Theo đó, 4 nội dung hoạt động trọng tâm của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị bao gồm: Công tác tham mưu, phối hợp, tuyên truyền; Công tác phối hơp tuyên truyền; Công tác xây dựng và quản lý các loại quỹ khuyến học; Triển khai thực hiện Đề án 89 và Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, trong công tác xây dựng và quản lý các loại quỹ khuyến học, nhiệm kỳ 2008-2015, toàn tỉnh đã huy động được hơn 211 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2016 huy động trên 20 tỉ đồng. Quảng Trị là tỉnh đứng thứ 3 về số tiền quỹ (sau Thanh Hóa và Hậu Giang); đứng thứ 9 trong top 10 về số học bổng và quà tặng với 308.313 suất (2011-2015). Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng nhì của Chủ tịch nước trao tặng. Đó đã và đang là động lực thúc đẩy toàn thể cán bộ, hội viên khuyến học tỉnh Quảng Trị nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, bởi so với đòi hỏi của cuộc sống thì còn nhiều việc cấp Hội vẫn chưa làm được.

“Do vậy, với vai trò nòng cốt, Hội cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sơ, ban ngành chức năng chung tay vào cuộc để tiếp tục khơi dậy truyền thống hiếu học trong từng người dân, để ngọn lửa khuyến học mãi tỏa sáng trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

“Khuyến học cầu tài đất nước phồng vinh nhờ học vấn/ Chiêu hiền đãi sĩ quê hương giàu mạnh bởi tài năng” - đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vân bày tỏ.

5 mô hình khuyến học nổi bật, sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố lớn nhất, đông dân nhất cả nước cũng là một trong các địa phương đi đầu trong công tác khuyến học, khuyến tài với nhiều phong trào thiết thực và mô hình khuyến học.


Đại biểu Nguyễn Huy Cận – Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Huy Cận – Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Huy Cận – Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh có bài tham luận với chủ đề: Vận dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “xây dựng mô hình xã hội học tập ở thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn hội nhập” vào việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng”.

Triển khai chủ trương xây dựng xã hội học tập ở thành phố, Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn hội nhập”. Tiếp đó, Hội tiến hành xây dựng 5 mô hình: “Gia đình hiếu học”, “Đảng ủy 4 có”, “Hội Khuyến học 6 có”, “Nuôi heo đất Khuyến học”, “Học bổng 1&1”.

Cụ thể, mô hình “Đảng ủy 4 có” là mô hình đáp ứng 4 tiêu chí: Có kế hoạch thự chiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị; Có các Ủy viên Thường vụ tham gia học tập hoặc tự học có đăng ký, báo cáo kết quả; Có 90% trở lên cán bộ công chức trong bộ máy đang học chính quy hoặc không chính quy; Có 100% Đảng viên hoạt động cho Hội khuyến học.

Mô hình “Chi ủy 4 có” là: Có Nghị quyết về công tác Khuyến học; Có Chi ủy viên phụ trách công tác Khuyến học; Có 90% trở lên cán bộ công chức trong bộ máy đang học chính quy hoặc không chính quy; Có 100% Đảng viên hoạt động cho Hội khuyến học.

Ngay từ đầu năm 2015, Hội Khuyến học thành phố đã vận dụng mô hình “Chi hội khuyến học 6 có” gắn chặt với công tác trọng tâm khuyến học toàn thành phố. Các chi hội đã chủ động triển khai địa trà các mô hình học tập sáng tạo trên đến tận cả tổ hội.

Có thể khẳng định, 3 địa phương tiêu biểu với nỗ lực thực hiện sứ mệnh của mình trong sự nghiệp khuyến học đã làm sáng lên niềm tin về việc xây dựng xã hội học tập suốt đời trên toàn quốc. Những mô hình khuyến học thiết thực, sáng tạo đã, đang và sẽ lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng; đem đến kết quả tốt đẹp cho công tác giáo dục khuyến học tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Lệ Thu

Ảnh: Hữu Nghị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm