Quảng Ngãi:

Nguyên lãnh đạo tỉnh mở trung tâm nuôi dạy 70 học sinh khuyết tật

(Dân trí) - “Người ta gọi tôi là ông Sơn khùng... Nhìn thấy các cháu khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nô đùa, học cái chữ, ăn uống đầy đủ, chỗ ngủ ấm cúng và hòa nhập cộng đồng, tôi muốn bật khóc khi mình mang lại cuộc sống hạnh phúc cho các cháu. Vì các cháu khuyết tật, ai gọi tôi khùng thì tôi vẫn mát lòng”.

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Hoàng Sơn (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi nghỉ hưu, ông Sơn đã hình thành Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn bằng cái tâm và sự chung tay của những trái tim nhân ái.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn cùng trẻ khuyết tật chăm sóc vườn rau sạch.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn cùng trẻ khuyết tật chăm sóc vườn rau sạch.

Tiếp nối ý tưởng từ cố nhà báo

Chiến tranh đã lùi xa, ký ức đau thương vẫn còn đeo bám dai dẳng bởi chất độc màu da cam. Những gia đình gặp phải bất hạnh, khi hạ sinh ra đứa con bị dị tật bẩm sinh, thiểu não,... Con số khoảng 8.000 trẻ khuyết tật ở Quảng Ngãi, đã và đang là nỗi lo của xã hội.

“Trước nỗi trăn trở đó, anh Võ Hồng Sơn - nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng (mất năm 2007) trao đổi nguyện vọng với tôi, nghiên cứu làm việc gì đó để giúp quê hương lâu dài. Tại trung tâm hiện nay, gia đình cố nhà báo Võ Hồng Sơn hiến tặng hơn 4.500m2 đất, đó là cơ sở ban đầu nuôi ý chí mở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn như hôm nay”, ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc Trung tâm cho biết.

Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn được hình thành với hình thức 100% xã hội hóa, tài sản có được chỉ hơn 4.500m2 đất và trong tay không có khoản tiền nào.

“Đúng là lúc đó làm quá liều, rồi tôi đứng tên xin giấy phép mở trung tâm. Vừa hoàn thiện thủ tục, tôi vừa lặn lội vào TPHCM vận động các nhà hảo tâm. Đến ngày khởi công, chúng tôi vận động được chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng. May mà khi đến ngày khánh thành và đi vào hoạt động, các đơn vị tài trợ đã hỗ trợ kịp thời với tổng dự toán giai đoạn 1 hơn 11 tỷ đồng”, ông Sơn “khùng” bộc bạch.

Tiếp sức những mảnh đời bất hạnh

Đến nay, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn đang nuôi dạy 70 trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn đào tạo nghề miễn phí cho trẻ khuyết tật với các ngành thực hành tin học photoshop, trồng rau an toàn, may công nghiệp và chế biến thức ăn.


Học sinh khuyết tập tập đọc bằng ngôn ngữ tay.

Học sinh khuyết tập tập đọc bằng ngôn ngữ tay.

Lớp học đặc biệt đối với trẻ thiểu não trầm trọng.
Lớp học đặc biệt đối với trẻ thiểu não trầm trọng.

Trong số các em đang được nuôi dưỡng tại trung tâm có em Phạm Thị Bé (18 tuổi, quê quán tổ 7, thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) mắc bệnh câm điếc bẩm sinh từ lúc sinh ra. Nỗi bất hạnh chưa nguôi, em Bé chịu cảnh mồ côi cha, còn mẹ bỏ đi khi em lên 3 tuổi. Kể từ đó, Bé sống cùng ông bà ngoại (hơn 80 tuổi).

Bước sang 18 tuổi, Bé vẫn mù chữ và tương lai chìm vào ngõ cụt khi ông bà ngoại cận kề tuổi gần đất xa trời. Được trung tâm tiếp nhận, Bé dần hòa nhập cùng bạn bè chung hoàn cảnh, chăm chỉ học ngôn ngữ bằng cử chỉ tay và tích cực tập luyện viết chữ.

Em Phạm Thị Bé chăm chỉ tập viết chữ cái ở tuổi 18.
Em Phạm Thị Bé chăm chỉ tập viết chữ cái ở tuổi 18.

Thông qua biên dịch ngôn ngữ tay, em Phạm Thị Bé mơ ước: “Em mong muốn học chữ, học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân và chăm sóc ông bà ngoại đang dần già yếu”.

Ước mơ của em Bé cũng chính là mơ ước của 69 trẻ khuyết tật đang nuôi dưỡng ở trung tâm và 8.000 trẻ khuyết tật trên toàn tỉnh Quảng Ngãi.

“Giá như có nhiều nguồn tài trợ, chúng tôi tiếp tục mở rộng trung tâm và đón tiếp nhiều trẻ khuyết tật khác vào học tập. Nuôi dạy và giáo dục các cháu thành người, đó là cách cứu trẻ khuyết tật thoát khỏi cuộc đời bất hạnh và bước vào tương lai tươi sáng hơn”, ông Sơn bày tỏ.

“Tôi sẽ khùng đến hơi thở cuối cùng...”

Nhận nuôi 70 trẻ khuyết tật, mỗi tháng trung tâm cần chi phí khoảng 120 triệu đồng tiền nuôi trẻ. Ngoài công tác vận động tài trợ thường xuyên, trung tâm tự tăng thêm thu nhập từ sản phẩm may, thêu, nuôi gà của chính bàn tay tự lực của các em.

70 trẻ khuyết tật ở trung tâm Võ Hồng Sơn được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
70 trẻ khuyết tật ở trung tâm Võ Hồng Sơn được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Cô giáo Võ Thị Thanh Hương ân cần hướng dẫn trẻ khuyết tật may đồ công nghiệp.
Cô giáo Võ Thị Thanh Hương ân cần hướng dẫn trẻ khuyết tật may đồ công nghiệp.

“Khó khăn hiện nay là nguồn quỹ nuôi, để hoạt động của trung tâm xuyên suốt, chúng tôi vừa chăm sóc trẻ vừa thường xuyên gõ cửa từng nhà hảo tâm. Ai cũng bảo tôi làm việc cả đời rồi, sao không nghỉ ngơi và chăm cháu. Tự hứa với lòng mình, tôi sẽ khùng đến hơi thở cuối cùng, mong tiếp sức nhiều cuộc đời bất hạnh là tôi vui rồi, đó là cách để lại cái đức cho con cháu mình”, ông Sơn chia sẻ.

Ngoài học tập văn hóa, trẻ khuyết tật ở trung tâm còn hào hứng tham gia văn nghệ.
Ngoài học tập văn hóa, trẻ khuyết tật ở trung tâm còn hào hứng tham gia văn nghệ.

Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn không chỉ nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề mà còn là môi trường các em thể hiện khả năng riêng của mình như hát, múa, nhảy hip-hop,... Trung tâm đi vào hoạt động, mang lại hiệu ứng tích cực cho xã hội bằng nguồn đóng góp xã hội hóa. Khi các nhà hảo tâm mở rộng vòng tay nhân ái, tiếp sức, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết Võ Hồng Sơn có điều kiện tiếp nhận nhiều trẻ khuyết tật hơn nữa và nuôi dạy thành người hữu ích cho xã hội.

Tâm huyết đến thế hệ tương lai, ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: “Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn là mô hình xã hội hóa rất hiệu quả, thực sự giúp đỡ nhiều hoàn cảnh bất hạnh, tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Địa phương rất mong các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng chung tay góp sức để trung tâm hoạt động bền vững lâu dài”.

Hồng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm