Nguy cơ tiềm ẩn không ngờ từ sự xuống cấp của nhà vệ sinh bẩn
(Dân trí) - Chính tại nơi mà sự an toàn của các em học sinh phải được đảm bảo nhất, là Nhà vệ sinh trường học, thì quyền riêng tư cơ bản lại bị xâm phạm ở mức báo động.
Khi quyền riêng tư cơ bản không được đảm bảo
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy, là đa phần nhà vệ sinh trong các trường học được xây dựng ở một khu vực riêng nằm cách xa các dãy phòng học. Đáng lưu ý hơn, ở một số vùng nông thôn, khu vực vệ sinh chỉ được xây dựng tạm bợ trên một bãi đất trống nằm tách biệt khuôn viên trường.
Như trường hợp nhà vệ sinh trường tiểu học Vũ Quý (Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được xây dựng từ năm 1993, không điện, không nước, không cửa ra vào. Thậm chí, mái tôn của khu vệ sinh này cũng chỉ mới được hội phụ huynh hỗ trợ xây cất vào đầu năm học vừa qua.
Đây không phải là cảnh tượng hiếm gặp ở Việt Nam. Điều này đã vô tình đi ngược lại những nguyên tắc về giáo dục giới tính cho trẻ, trong đó có đề cập đến việc bảo vệ “vùng riêng tư” trên cơ thể . Việc vô tư để học sinh sử dụng khu vệ sinh lộ thiên, không có cửa, thiếu mái che,... đã gián tiếp đẩy các em đến những nguy cơ về quyền riêng tư và xâm hại tình dục. Ngay tại ngôi trường của mình, nơi lẽ ra sự an toàn của các em phải được đặt lên hàng đầu, lại luôn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường. Ai dám đảm bảo rằng, kẻ xấu sẽ không lợi dụng thời cơ này để có những hành vi làm hại đến sự trong sáng của các em?
Nhà vệ sinh bẩn - bao giờ cho đến hồi kết?
Trong những năm gần đây, thực trạng nhà vệ sinh bẩn vẫn chưa được cải thiện đáng kể dù ngành giáo dục thực hiện nhiều nỗ lực nhằm mang lại môi trường học đường an toàn và thân thiện cho những mầm non tương lai đất nước.
Nhiều thống kê từ các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đã chỉ ra những con số rất đáng lo ngại về thực trạng nhà vệ sinh xuống cấp ở các trường học. Theo số liệu khảo sát tháng 9/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hà Nội có 2.622 trường học các cấp và 100% đều có nhà vệ sinh, thế nhưng, con số nhà vệ sinh không đạt chuẩn trên toàn thành phố lên tới 2.700. Theo một báo cáo khác của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai, trong 26 đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh, có tới hơn 50% công trình nhà vệ sinh được xếp vào diện xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả một ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia nằm ở trung tâm TP. Pleiku cũng khiến dư luận giật mình khi 1.200 học sinh nơi đây phải chia nhau sử dụng 13 nhà vệ sinh trong suốt nhiều năm liền.
Tất nhiên, không thể không kể đến nhiều đơn vị trường học đã bắt đầu có sự quan tâm và đầu tư nghiêm túc để mang đến không gian học đường toàn diện với không chỉ phòng học đạt chuẩn, mà là hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, khang trang, thoáng mát. Trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong số ít trường học sở hữu nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn: trong nhà vệ sinh luôn có khăn lau tay, xà phòng, giấy vệ sinh và nước tẩy rửa; bên trên bồn rửa tay được trang trí các bình hoa, gương…; nền nhà khô ráo, đủ ánh sáng và có độ thông thoáng. Thế nhưng, số lượng các trường học thực hiện chuẩn hóa khu vệ sinh vẫn còn cực kỳ hạn chế. Công cuộc giải cứu nhà vệ sinh bẩn sẽ còn cần nhiều thời gian, và quan trọng hơn là sự nhìn nhận nghiêm túc và hành động thiết thực từ Ban giám hiệu cũng như Hội phụ huynh ở mỗi nhà trường.
Nhận thức được vấn đề cấp bức về tình trạng nhà vệ sinh bẩn có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe lẫn tinh thần của nhiều thế hệ học sinh tại Việt Nam, từ năm 2008 đến nay, chương trình cộng đồng "cùng Vim góp toilet sạch khuẩn" đã mang lại ý nghĩa thiết thực thông qua các hoạt động góp sức tạo nên nhà vệ sinh sạch khuẩn cho các em học sinh.
Theo đó, với mỗi một chai Vim bạn mua, bạn đã đóng góp 1.000 đồng để xây dựng nhà vệ sinh mới sạch khuẩn và an toàn cho học sinh Việt Nam. Từ 2008 đến nay, VIM đã đồng hành xây dựng được hơn 900 toilet sạch khuẩn. Chương trình được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần nâng cao điều kiện vệ sinh tại các trường tiểu học trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các địa phương còn thiếu thốn các cơ sở hạ tầng dành cho giáo dục.