Ngưỡng mộ cộng sự 20 tuổi dịch sách cùng GS Ngô Bảo Châu
(Dân trí) - Chia sẻ với PV Dân trí từ Pháp dịch giả Khiếu Anh cho biết, năm nay tôi 20 tuổi, chưa làm được gì đáng để ghi nhớ. Nhưng "Oscar et la dame rose" (Oscar và bà áo hồng) là một kỷ niệm hết sức quý báu. Có lẽ bằng sự đồng cảm với tác phẩm, hai dịch giả đã có một sự khởi đầu tốt”.
Trong buổi ra mắt cuốn sách dịch “Oscar và bà áo hồng”, GS Ngô Bảo Châu nhiều lần khẳng định, sự thành công của cuốn sách phần lớn là nhờ dịch giả Khiếu Anh.
GS Ngô Bảo Châu cho biết, cuốn sách được ấp ủ từ trước đó khá lâu. Tuy nhiên, do bận nhiều công việc nên ông chỉ dịch được chương đầu thì dừng lại.
Rất may, nhờ sự giúp đỡ của Khiếu Anh - một sinh viên ở Pháp đã nhận lời hoàn thành phần còn lại giúp ông.
Ngay sau khi cuốn sách hoàn thành, ông đã xem lại và thực sự bất ngờ vì cho dù Khiếu Anh ở Pháp còn ông ở Mỹ nhưng bản dịch của nữ sinh viên này rất khớp nối với chương đầu của GS Ngô Bảo Châu đã dịch từ trước đó.
“Dự án này có thể đã sa lầy hoàn toàn nếu không có dịch giả Khiếu Anh ra tay cứu vớt. Bản dịch này 90% là của Khiếu Anh”, GS Châu khẳng định trong buổi lễ ra mắt cuốn sách.
Ngay trước ngày ra mắt cuốn sách tại Hà Nội, Khiếu Anh viết từ Pháp: “Năm nay mình hai mươi tuổi, sắp sang tuổi thứ hai mươi mốt và chưa làm được điều gì đáng để ghi nhớ.
Nhưng "Oscar et la dame rose" đã là một kỷ niệm hết sức quý báu. Thực ra mình không biết nói gì về cuốn sách này. Rất tiếc là mình không thể có mặt trong buổi ra mắt sách, nhưng mong rằng cuốn sách sẽ được yêu quý, được đọc và được các bạn đón nhận như một món quà ý nghĩa”.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô học trò thông minh Khiếu Anh cho biết, mình sinh năm 1995. Năm cấp 3, Khiếu Anh là học sinh lớp Pháp, thuộc Trường chuyên Amsterdam Hà Nội.
Từ năm 2014, cô theo học ngành Văn học Pháp tại Trường ĐH Poitiers (Pháp).
“Thực ra, mình tham gia chuyển ngữ cuốn sách này vì tác giả Éric-Emmanuelle Schmitt là một trong số những nhà văn yêu thích từ trước đó.
Khi biết giáo sư Ngô Bảo Châu muốn giới thiệu "Oscar et la dame rose" đến bạn đọc Việt Nam, mình rất hào hứng tham gia mà không cảm thấy chút áp lực nào”.
Cô cho biết thêm, mình không phải dịch giả chuyên nghiệp và đây là cuốn sách đầu tiên nữ sinh viên này tham gia. Vì thế, trong thời gian tới, cô vẫn chỉ tập trung vào việc học chứ không có dự định dịch thêm cuốn sách nào nữa.
Chia sẻ về việc một sinh viên trẻ tuổi tham gia dịch sách cùng một GS danh tiếng có khiến em áp lực không? Khiếu Anh cho biết, khi bắt tay làm vào nhận được bản dịch chương đầu từ GS Ngô Bảo Châu, mình nhìn nhận GS Châu như một người cộng sự, chứ không phải là một GS toán học và nổi tiếng trong một lĩnh vực không phải là văn chương.
Có lẽ bằng sự đồng cảm với tác phẩm, mà hai dịch giả đã có thể có một sự khởi đầu tốt. Bản dịch chương đầu của GS Châu đã cho mình nền tảng để thực hiện tiếp các chương tiếp theo: Từ tên gọi các nhân vật chính, cách xưng hô cho đến cách chuyển tải không khí chung của tác phẩm.
Nói về những khó khăn khi Khiếu Anh ở Pháp còn GS Ngô Bảo Châu ở Mỹ nhưng cả hai đã kết hợp và cho ra một cuốn sách chung thật tuyệt vời, Khiếu Anh cho hay: “Do khoảng cách địa lý và công việc bận rộn, hai dịch giả không có cơ hội trao đổi trực tiếp và thường xuyên. Mọi việc đều được thực hiện qua email, bằng tiếng Việt.
Được biết, ngoài việc học rất giỏi Văn từ khi còn học phổ thông, Khiếu Anh còn tham gia nhiều hoạt động xã hội và các công tác thiện nguyện.
Tuy nhiên, việc trích một phần lợi nhuận sắp tới của cuốn sách để ủng hộ học trò nghèo lần này, Khiếu Anh khiêm tốn cho rằng, đó là đề xuất của GS Châu còn bản thân mình chỉ giúp được một chút trong đó với vai trò là người dịch sách.
Vì thế, cô mong tất cả mọi người sẽ đón nhận tác phẩm này để qua đó, có thể ủng hộ phần nào cho Quỹ.
Quốc Huy