PGS. Dương Quang Trung - ĐH Queen's University Belfast:

“Nguồn học bổng quan trọng nhất chính là từ các bạn”

“theo tôi, nguồn học bổng quan trọng nhất chính là từ các bạn. Hãy tìm vị GS có hướng nghiên cứu mà mình muốn theo đuổi…”, TS Dương Quang Trung -trường đại học Queen's University Belfast, Vương quốc Anh nói.

“Chọn nghề nghiệp trước hết nên dựa trên niềm đam mê và sự gắn kết khả năng của bản thân với nghề mình đã chọn. Vì niềm đam mê đóng vai trò quan trọng nhất trong sự thành công của một người…”, TS. Dương Quang Trung, một trong những thành viên trong đoàn giáo sư Sterling Group chia sẻ nhân chuyến giảng bài của Sterling Group* tới Việt Nam đầu tháng 9 này.

 
“Nguồn học bổng quan trọng nhất chính là từ các bạn”

 
Dương Quang Trung hiện là TS chuyên ngành Điện, Điện Tử và Khoa Học Máy Tính tại trường đại học Queen's University Belfast, Vương quốc Anh.

Về Việt Nam tham dự chương trình nói chuyện “Kĩ năng cho nghề nghiệp tươi sáng” do Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức, ông Dương Quang Trung đã chia sẻ với Dân trí về con đường sự nghiệp, về kinh nghiệm xin học bổng và phát triển nghiên cứu khoa học cho sinh viên Việt Nam.

Phải có mục tiêu rõ ràng trong từng thời điểm

Trong chương trình giao lưu với các bạn sinh viên về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, anh dự định sẽ chia sẻ điều gì?

Chọn nghề nghiệp trước hết nên dựa trên niềm đam mê và sự gắn kết khả năng của bản thân với nghề mình đã chọn. Vì niềm đam mê đóng vai trò quan trọng nhất trong sự thành công của một người. Các bạn không nên chọn nghề nào đó chỉ vì lý do cần phải có một nghề để sống hay vì nghề đó đang là thời thượng của xã hội. Tại buổi nói chuyện về “Kĩ năng cho nghề nghiệp tương lai”, tôi sẽ nói về cái "duyên" đưa tôi đến con đường nghiên cứu khoa học. Và thực sự ở đấy tôi tìm được cái nghề và nghiệp của mình.

Anh đã lựa chọn con đường nghiên cứu học thuật, nhưng ở thời điểm ra trường, anh có phân vân giữa việc đi làm ngoài hay nghiên cứu và học lên cao không?

Khi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, tôi chỉ có mục tiêu duy nhất là ra nước ngoài học tiếp. Một sự khao khát rất thực lòng vì cảm giác mình rất thiếu và yếu về kiến thức chuyên môn cũng như xã hội. Lúc đó, tôi xin đầu quân về một trường công lập để làm trợ giảng với mức lương 30 USD/tháng vào năm 2002 (nhiều bạn bè của tôi khi đó có thể có mức thu nhập gấp 10 lần khi làm bên ngoài). Nhưng công việc này lại cho phép tôi có nhiều thời gian hơn để học tiếng Anh và chuẩn bị hồ sơ xin học bổng. Hầu như không cósự phân vân nào trong sự lựa chọn của tôi khi đó. Vì tôi biết mình đã chọn việc đi học tiếp thì phải chấp nhận thời gian và tiền của cho việc chuẩn bị. Chúng ta không thể ôm đồm quá nhiều thứ cùng một lúc, mà phải có mục tiêu rõ ràng trong từng thời điểm.

Nỗ lực hết mình dựa trên một chiến lược rõ ràng và cộng thêm một chút may mắn

Học bổng là một lĩnh vực các bạn trẻ rất quan tâm, họ cần chuẩn bị những gì về thành tích học tập, ngoại khóa và kinh nghiệm để học lên cao? Để học lên tiến sỹ, các bạn trẻ sẽ cần phải chuẩn bị những gì?

Tại Vương quốc Anh, Học bổng Thạc Sĩ (Th.S) khó và cạnh tranh nhiều hơn học bổng Tiến Sĩ (TS). Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh học bổng TS đang càng ngày càng cao do số lượng sinh viên tăng nhanh từ các nước Ấn Độ, Iran và Trung Quốc. Để cạnh tranh và thành công, sinh viên Việt Nam cần phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu.

Sinh viên ngành kỹ thuật ở Việt Nam có những thế mạnh: đó là tư duy và nền tảng các môn cơ bản tốt (nhờ chương trình học thiên về lý thuyết từ cấp 1, 2 và 3) – đây là điều kiện quan trọng cho nghiên cứu. Các bạn cũng có nhiệt huyết và tính chăm chỉ. Về điểm yếu, sinh viên Việt Nam chưa tiếp xúc nhiều với những hướng nghiên cứu mới. Các bạn cũng chưa biết cách làm nghiên cứu khoa học, ngay cả những kĩ năng cơ bản của việc làm nghiên cứu các bạn còn rất mù mờ. Thứ hai là ngoại ngữ: sinh viên Việt Nam thường thiếu tự tin trong giao tiếp. Đây sẽ là trở ngại cho bạn khi phỏng vấn vì GS sẽ khó khăn hơn để hiểu rõ năng lực của bạn. Hãy mạnh dạn giao tiếp nhiều hơn và đừng ngại ngùng!

Anh có thể nêu tên cụ thể một vài chương trình học bổng trong lĩnh vực của mình mà các bạn trẻ có thể tiếp cận không?

Các bạn có thể vào trang web http://www.jobs.ac.uk/. Tại đây, số lượng học bổng được cập nhật từng ngày, thậm chí từng giờ. Ngoài ra, có những học bổng của EU như Eramus Mundus . Tuy nhiên, theo tôi, nguồn học bổng quan trọng nhất chính là từ các bạn. Hãy tìm vị GS có hướng nghiên cứu mà mình muốn theo đuổi. Hãy chủ động liên lạc để hỏi GS về các tài liệu bạn nghiên cứu và hỏi luôn nếu nhóm của GS đó có học bổng. Đôi khi, các GS sẽ tuyển nghiên cứu sinh khi chuẩn bị nhận tài trợ nghiên cứu, và chính các bạn có thể là đối tượng mà họ cần.

Làm thế nào để trở thành giảng viên hướng dẫn “Tây” như anh đã làm được?

Có thể đúc kết như sau: Nỗ lực hết mình dựa trên một chiến lược rõ ràng và cộng thêm một chút may mắn. Đúng 10 năm kể từ ngày đi ra nước ngoài học, tôi có được công việc này. Tôi cũng bắt đầu như từng làm cách đây 10 năm: vào trang jobs.ac.uk để tìm việc, sau đó nộp hồ sơ, lọt qua vòng sơ khảo và tiếp theo vài vòng phỏng vấn nữa. Để làm academic member của 1 trường đại học lớn như Queen's University Belfast (xếp hạng 20 ở Anh và nằm trong Russell Group) là điều không dễ dàng. Trong hồ sơ khi vừa học xong tiến sĩ, tôi đã có trên dưới 100 công trình khoa học, làm biên tập cho các tạp chí, chủ tọa cho các hội nghị khoa học, kinh nghiệm xin dự án, giải thưởng công trình khoa học xuất sắc nhất tại các hội nghị (Best paper awards).

Khoa học cần sự tự do

Anh hiện đang giảng dạy chuyên ngành gì tại Khoa công nghệ điện tử? Sinh viên của anh tại Queen’s Belfast khác gì so với sinh viên Việt Nam?

Tôi dạy tại Khoa Điện, Điện Tử và Khoa Học Máy Tính (School of Electronics, Electrical Engineering and Computer Science). Và chuyên ngành của tôi là xử lý tín hiệu cho các lĩnh vực viễn thông, máy tính và thông tin phân tử. Tôi thấy sinh viên ở đâu cũng vậy, các bạn đều có nhiệt huyết và đam mê. Tôi luôn tìm thấy rất nhiều điều mới mẻ từ các bạn, kể cả ở Queen’s Belfast và Việt Nam. Các bạn chính là những người "thầy" tốt nhất cho các GS.

Họ sẽ có lựa chọn nghề nghiệp gì sau khi tốt nghiệp? Những điểm khác biệt trong việc dạy và học tại trường Queen’s Belfast mà anh cho rằng ưu việt hơn so với tại Việt Nam.

Sự lựa chọn nghề nghiệp của họ rất rõ ngay từ khi họ ghi danh vào học tại Queens. Sự khác biệt giữa Queens so với môi trường đại học tại VN thì có rất nhiều. Có những sự khác biệt rõ rệt về cơ sở vật chất, chương trình học tiên tiến và chất lượng giáo viên. Điều cuối cùng, cũng là quan trọng nhất: sự tự do trong học thuật và nghiên cứu. Khoa học cần sự tự do.
 
 

*Sterling Group là nhóm các trường đại học hàng đầu Vương quốc Anh về nghiên cứu và giảng dạy Khoa học Kỹ thuật. Từ ngày 9 tới ngày 16/9/2014, đoàn giáo sư Sterling Group sẽ có chuyến giảng bài tại các trường đại học Việt Nam ở cả 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đoàn sẽ có những buổi giao lưu với các bạn trẻ yêu thích chuyên ngành Kỹ thuật tại Hà Nội và Hồ Chí Minh như sau:

Hà Nội:

Hội thảo Kỹ thuật Kiến tạo Tương lai
Thời gian: 17h30, Thứ Tư, 10.09.2014
Địa điểm: Khách sạn Hotel de l’Opera, 29 tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đăng ký tham dự:
http://sterling.eduk.vn/


Hồ Chí Minh:
Buổi nói chuyện chuyên đề ‘Kỹ năng cho nghề nghiệp tươi sáng’

Thời gian: 08h00, Thứ Hai, 15.09.2014 13h30, Thứ Hai, 15.09.2014

Địa điểm: Hội trường B4 Hội trường I

Đại học Bách Khoa Đại học Khoa học Tự nhiên

268 Lý Thường Kiệt, Q.10 227 Nguyễn Văn Cừ, Q. 5

Đăng ký tham dự:http://kynangnghenghiep.eduk.vn/

Theo Hội đồng Anh

Dòng sự kiện: Cơ hội du học Anh