Người Việt nổi tiếng thành công tại Mỹ: "Giáo dục là con đường ngắn nhất để thoát nghèo"
(Dân trí) - Đó là chia sẻ của ông Phạm Đức Trung Kiên - một trong những người Việt nổi tiếng thành công tại Mỹ. Ông Kiên nguyên là Giám đốc sáng lập của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) (VEF) và được mệnh danh "người kết nối giáo dục Việt - Mỹ".
Chàng trai Việt Nam tại Nhà Trắng
Nhắc tới Phạm Đức Trung Kiên, hẳn nhiều người đã biết tới ông như một người có đam mê vô hạn tới sự phát triển giáo dục tại Việt Nam.
Trước khi quyết định rời Hoa Kỳ và đưa gia đình về Việt Nam để theo đuổi đam mê này, cách đây 13 năm, ông đã góp công lớn vào việc thành lập và đặt nền móng vững chắc cho Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), Quỹ học bổng toàn phần của Chính phủ Hoa Kỳ đưa hơn sáu trăm sinh viên Việt Nam sang Mỹ đào tạo sau đại học về khoa học công nghệ… với mục đích mang đến thêm nhiều cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên Việt Nam, để các em học sinh có thể tiếp cận những nền giáo dục tiên tiến.
Được biết, năm 1977, ông Kiên cùng gia đình sang Mỹ định cư tại bang Colorado. Ban ngày, ông làm công nhân, buổi tối ông đi học tiếng Anh.
Sau đó, ông học tại Đại học Colorado và trở thành sinh viên châu Á đầu tiên được bầu vào ban đại diện lãnh đạo sinh viên toàn trường. Tiếp đó, ông trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận vào Trường Cao học Quản trị kinh doanh Stanford Business School và hoàn thành hai bằng Cao học tại đây.
Ở trường đại học Stanford danh tiếng, ông cũng để lại dấu ấn đặc biệt là được vinh danh là một trong những cựu sinh viên xuất sắc nhất trong lịch sử 100 năm của trường.
Ông Phạm Đức Trung Kiên làm việc tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Reagan, trong vai trò trợ lý đặc biệt phụ trách các hiệp định thương mại quốc tế và đã được Tổng thống Reagan biểu dương trong một bài diễn văn tại Nhà Trắng vào mùa thu năm 1985. Khi đó ông Kiên mới 27 tuổi.
Năm 31 tuổi, ông được Tổng thống George Bush bổ nhiệm vào Lầu Năm Góc, làm việc tại văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về an ninh thế giới. Trong thời gian này, ông tham gia Ban chỉ đạo chiến lược của kế hoạch giải phóng Kuwait và tái lập ổn định tại vùng Trung Đông năm 1991.
Ông Kiên cũng đã từng là một trong những nhà quản lý trẻ tuổi của Tập đoàn Procter & Gamble (P&G), và là Phó Tổng Giám đốc phụ trách toàn khu vực châu Á của Tập đoàn Tenneco, nằm trong danh sách Fortune 50 trên thế giới.
Hiện nay, ông Kiên đảm trách nhiều chức vụ trong đó có Phó Chủ tịch Công ty Phát triển Khu đô thị ParkCity Hanoi, Phó Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Quốc tế TOPICA, Thành viên Hội đồng Tín thác, Trường Quốc tế ParkCity Hanoi (ISPH) tại Hà Đông, Hà Nội.
Tôi tin tưởng vào tương lai giáo dục ở Việt Nam
Trao đổi với PV Dân trí, ông Kiên cho biết, đối với tôi, giáo dục là con đường ngắn nhất để có thể tự giải phóng khỏi sự nghèo khó. Giáo dục tốt cũng là con đường để Việt Nam tiến tới thành công trong tương lai.
Chia sẻ quan điểm về phát triển một nền giáo dục hiện đại, ông Kiên cho rằng, một nền giáo dục tốt cần có 3 yếu tố chính: thầy tốt, giáo trình tốt, và trò tốt.
Các em học sinh Việt Nam có tố chất thông minh, hiếu học, nếu được những thầy cô giỏi, có phương pháp truyền cảm hứng để các em có động lực phát huy tinh thần tự học, phát triển đam mê trong những lĩnh vực mà các em có thế mạnh như học thuật, âm nhạc, hay thể thao… thì sẽ tạo ra những thế hệ trẻ Việt Nam, có đủ trí tuệ và thể chất không kém gì các học sinh tại các nước phát triển trên thế giới.
Là người tâm huyết và có nhiều năm gắn bó với giáo dục Việt Nam, ông nghĩ như thế nào về nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
Theo tôi, nền giáo dục ở Việt Nam nói chung đã có những sự phát triển đáng kể trong 15 năm qua. Giáo dục từ mầm non đến lớp 12 ở Việt Nam tương đối tốt so với nhiều quốc gia trên thế giới. Giáo dục cấp đại học còn yếu kém nhiều, mặc dù bậc đại học là nơi quy tụ của những em có khả năng học vấn tốt nhất sau bậc trung học.
Hiện tại, Việt Nam đã cho tư nhân mở các trường tư thục, song ngữ và quốc tế từ mầm non đến trung học; do đó, tôi nghĩ giáo dục Việt Nam sẽ tiến triển tốt hơn nữa trong những năm sắp tới.
Việc đưa Anh ngữ vào các trường tiểu học, trung học là một chính sách rất tốt cần được tiếp tục đẩy mạnh. Tôi tin tưởng vào tương lai giáo dục ở Việt Nam.
Ông có chia sẻ gì với các nhà quản lý giáo dục Việt Nam?
Theo tôi, chúng ta cần củng cố thế mạnh hiện tại của Việt Nam là từ bậc mầm non đến trung học, đồng thời sửa chữa nâng cấp chỗ yếu ở bậc đại học.
Nhà nước không thể có đủ tiền để đầu tư vào toàn bộ các chi phí có liên quan đến ngành giáo dục; do đó, cần phải có chính sách mở để tư nhân cả trong và ngoài nước có thể tham gia mạnh mẽ vào việc đầu tư cho nền giáo dục tại Việt Nam.
Vai trò của nhà nước chính là ra những chính sách rõ ràng để quản lý công bằng các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Ông có lời khuyên gì với sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc trên đất Mỹ, muốn thành công thì phải lưu ý những gì?
Theo tôi, trước hết các em phải tự định nghĩa sự thành công là gì đối với cá nhân của mình. Sự thành công có phải làm ra thật nhiều tiền, hay là tạo ra một chỗ đứng tốt trong xã hội, hay là tạo ra một ảnh hưởng tốt tại Việt Nam, hay ở một đất nước khác.
Việc định nghĩ này sẽ giúp các em có được một mục tiêu rõ ràng cho hướng đi của riêng mình. Sau đó, các em mới có thể tìm kiếm những cơ hội có thể giúp mình đạt được mục tiêu đó.
Tôi luôn khuyên các em trẻ tuổi nên so sánh cơ hội sẵn có ở Việt Nam với những cơ hội khác ở nước ngoài.
Tôi nghĩ Việt Nam trong giai đoạn này có nhiều cơ hội để các em có thể phát triển, đóng góp và thành công trong cuộc sống của mình. Trong những thập niên tới, sự phát triển về kinh tế và xã hội trên thế giới đang tập trung ở Á châu. Các em nên chú ý đến sự phát triển chiến lược này để dễ tạo ra thành công cho cuộc đời của mình.
Trở lại với việc xây dựng một trường quốc tế đạt chuẩn tại Việt Nam, như Trường Quốc tế ParkCity Hanoi (ISPH) mà ông là thành viên Hội đồng tín thác. Theo ông, trường quốc tế này có điều gì đặc biệt khác gì với các trường quốc tế khác tại Việt Nam? Và ông kỳ vọng trường phát triển như thế nào?
Khác với tất cả các trường khác trước đây, Trường Quốc tế ParkCity Hanoi (ISPH) sẽ không đứng đơn độc như một ốc đảo, trường ISPH đã có sẵn liên kết với một trường quốc tế nổi tiếng nhất thủ đô Kuala Lumpur ở Malaysia là trường quốc tế tại khu đô thị Desa ParkCity.
Chủ đầu tư của ISPH cũng là chủ đầu tư của trường quốc tế tại Kuala Lumpur. Do đó, trường ISPH cũng có sẵn một tư duy phát triển giáo dục chất lượng xuất sắc về đủ mọi mặt; 2 trường cùng hệ thống này sẽ có nhiều chương trình liên kết trao đổi với nhau.
Thêm vào đó, trường ISPH nằm sát cạnh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ của Hà Nội. Ban giám hiệu trường ISPH và trường Nguyễn Huệ đã gặp gỡ nhau, trao đổi quan điểm giáo dục, đồng thời ký kết một văn bản giao ước để các thầy, trò và ban quản lý hai trường có những chương trình, hoạt động trao đổi thường xuyên với nhau, để cùng đạt được mức xuất sắc trong các hoạt động giảng dạy và học tập.
Việc hợp tác trao đổi này giữa trường ISPH và trường Nguyễn Huệ đã nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ của Sở GD&ĐT Hà Nội. Đây là những điểm đặc biệt về trường ISPH mà các trường quốc tế khác ở Việt Nam chưa hề có.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Nhật Hồng