Người ươm những “mầm xanh” trên Côn Đảo

(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên tại Côn Đảo, trải qua tuổi thơ đầy nắng gió, cô giáo Võ Thùy Dương luôn khao khát một ước mơ xây dựng quê hương mình thành hòn đảo ngọc xinh đẹp, để những ai đến đây không nỡ về.

Cô Võ Thùy Dương là một trong 42 giáo viên được vinh danh vì tận tâm công tác vùng hải đảo dịp 20/11 tới.
Cô Võ Thùy Dương là một trong 42 giáo viên được vinh danh vì tận tâm công tác vùng hải đảo dịp 20/11 tới.

Ước mơ góp sức đổi thay quê hương

Nhưng chỉ với sức lực của một mình chị, sao đủ để hiện thực ước mơ to lớn ấy… Sau rất nhiều đắn đo, suy nghĩ trước “ngưỡng cửa cuộc đời”, cô gái Côn Đảo đã quyết định chọn nghề Sư phạm mầm non để làm cầu nối thực hiện ước mơ.

Ngay khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, chị Thùy Dương nộp đơn và trúng tuyển làm giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ ở Côn Đảo.

“Khi mình xin vào làm việc, trường mình cũng là một ngôi trường mới thành lập được 1 năm, mọi thứ đều rất mới mẻ ngay cả với mình ngày đầu tiên đi làm và cả với trẻ lần đầu tiên đi học”, chị Dương tâm sự.

Hơn 6 năm bám đảo dạy trẻ, có rất nhiều chuyện vui cũng có rất nhiều điều trăn trở, nhưng đối với chị Dương vui nhất là nhìn thấy những lứa học trò mình đã từng dạy dỗ lớn lên, học giỏi, chăm ngoan và hòn đảo quê hương ngày một phát triển.

“Còn nhớ thời điểm mình mới ra đảo công tác, vì là ở huyện đảo nên cái gì cũng thiếu. Lúc ấy Côn Đảo chưa phát triển nhiều như bây giờ, muốn mua các trang thiết bị hỗ trợ cho việc dạy và học của trẻ đều phải mua ở trong đất liền rồi gởi tàu ra. Nếu thời tiết tốt thì việc vận chuyển giữa đất liền và Côn Đảo cũng không quá khó khăn, nhưng khi thời tiết xấu, có khi cả tháng không có 1 chuyến tàu ra đảo.

Các chuyến bay cũng không có nhiều và giá cả cũng rất đắt đỏ. Mỗi năm Phòng Giáo dục Tỉnh thường tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nếu ở các trường ở trong đất liền thì sẽ dễ dàng đi học tập trau dồi kiến thức nhưng ở Côn Đảo thì cũng rất hạn chế”, cô giáo 8X chia sẻ.

Nhưng bù lại ở Côn Đảo không khí rất trong lành, các vật liệu thiên nhiên như vỏ ốc, vỏ sò, cành san hô vụn… có rất nhiều và cô giáo Dương tận dụng chúng làm đồ chơi và học tập cho các bé.

Cô Thùy Dương đã có hơn 6 năm bám đảo dạy trẻ.
Cô Thùy Dương đã có hơn 6 năm bám đảo dạy trẻ.

Trẻ nhỏ là mảnh giấy trắng

Gắn bó với quê hương, chị Dương gặp người bạn đời của mình trong thời gian anh tham gia nghĩa vụ quân sự ở Côn Đảo. Hai người quen nhau khi cùng góp mặt trong chương trình văn nghệ, sau này chồng chị cũng ở lại gắn bó với Côn Đảo. Anh chị kết hôn được 2 năm và hiện đã có một bé trai kháu khỉnh.

Cô giáo Dương tâm sự, thu nhập của một giáo viên mầm non ở hải đảo như chị cũng đủ để trang trải cuộc sống nhưng nếu gia đình có người bệnh phải về đất liền khám chữa bệnh thì rất tốn kém, chưa tính đến lúc thời tiết xấu, hàng hóa, thực phẩm cũng rất đắt đỏ.

Nhưng khó khăn cũng không làm người giáo viên ấy nản lòng, chị và rất nhiều cô giáo mầm non khác vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Bởi “công việc của giáo viên mầm non rất nhiều từ sáng sớm đến khi mặt trời xuống núi nhưng một ngày không làm thì cảm thấy buồn lắm, một ngày không gặp trẻ thì cảm thấy nhớ lắm. Có lẽ vì thế mà không những bản thân mình mà rất nhiều giáo viên mầm non khác vẫn bám trụ với nghề, quyết tâm đi trên con đường đã chọn”, chị nói.

Cô gái Côn Đảo yêu nghề, thương trẻ và khao khát đắp xây quê hương bằng việc ươm những lớp măng non trên đảo.
Cô gái Côn Đảo yêu nghề, thương trẻ và khao khát đắp xây quê hương bằng việc ươm những lớp măng non trên đảo.

Luôn ý thức được trách nhiệm của nghề, chị Dương tâm niệm: “Trẻ nhỏ là một tờ giấy trắng, mảnh giấy ấy có vẽ lên những bức tranh đẹp hay không một phần là nhờ vào giáo viên mầm non”. Theo chị, dạy trẻ mầm non đều quan trọng nhất là tình yêu thương đối với trẻ. Có tình yêu thương giáo viên mới hết lòng hết sức chăm sóc, giáo dục trẻ; có tình yêu thương giáo viên mới có đủ kiên nhẫn để dạy dỗ trẻ; cũng cần có tình yêu thương cô và trẻ mới gần nhau hơn.

Mỗi năm cô giáo 8X đều viết sáng kiến kinh nghiệm, đa phần là các phương pháp giáo dục trẻ.

“Theo mình để trẻ ngoan, nghe lời cần nhiều lắm tình yêu thương của cô, sự kiên định trong lời nói, và đối xử công bằng với tất cả các trẻ. Trẻ phản ánh lại tất cả các sắc thái tình cảm mà trẻ cảm nhận được, chính vì vậy yêu thương nhiều sẽ nhận được nhiều sự yêu thương. Tuy vậy trẻ cũng cần ở cô sự kiên định trong lời nói vì ở một lớp có rất nhiều trẻ, cô không nghiêm túc, không hướng trẻ vào nề nếp thì rất khó để bao quát trẻ tốt, rất dễ dẫn đến những tai nạn thương tích không đáng có. Cô cũng cần đối xử trẻ công bằng như nhau, nếu cô thiên vị một trẻ sẽ làm cho các trẻ khác nảy sinh các tình cảm ghen tị, nên để trẻ hình thành những tình cảm thật trong sáng, biết yêu thương, chia sẻ với nhau”, cô Thùy Dương tâm sự.

Cô Dương cho biết, ngày 20/11 hàng năm ở Côn Đảo tổ chức các hoạt động chào mừng hết sức sôi nổi như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Và vào ngày đặc biệt hàng năm của những người giáo viên, cô Dương đều suy nghĩ về những việc bản thân đã - chưa làm được trong chăm sóc giáo dục trẻ và nhắc nhở bản thân cố gắng hơn nữa.

Với sự chăm sóc, dạy dỗ của cô Dương, biết bao “mầm xanh” ở vùng Côn Đảo đã được ươm mầm… Cô Dương nhận Danh hiệu Chiến sĩ cấp cơ sở liên tục từ năm 2012-2015; Giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm 2012-2013, 2014-2015; Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2012-2013; Giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2013-2014…

Ước mong của người giáo viên Côn Đảo ấy là bản thân có nhiều sức khỏe, trí óc và trái tim yêu thương để tiếp tục nuôi dạy, chăm sóc thêm nhiều những lớp măng non mạnh khỏe, giỏi giang cho quê hương và đất nước Việt Nam.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm