Quảng Ngãi:

Người thầy tâm huyết với giáo dục chủ quyền biển đảo

(Dân trí) - Với tâm huyết truyền dạy cho học sinh về chủ quyền biển đảo, thầy Trần Văn Vàng đã biên soạn hoàn chỉnh tài liệu giảng dạy tích hợp liên môn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Khoảng 10 năm trước, thầy Trần Văn Vàng (61 tuổi) là Tổ trưởng tổ Lịch sử - Địa lý và Giáo dục Công dân của trường THCS Đức Chánh (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Thầy được phân công biên soạn 7 bài học lịch sử địa phương để giảng dạy cho học sinh.

Khi đó, câu chuyện về những hùng binh ở đảo Lý Sơn và sự gắn bó mật thiết của ngư dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã thôi thúc thầy Vàng dành nhiều thời gian nghiên cứu.

Người thầy tâm huyết với giáo dục chủ quyền biển đảo - 1

Thầy Trần Văn Vàng là tác giả của tài liệu giáo dục chủ quyền biển đảo tích hợp trong nhiều môn học cho học sinh tại Quảng Ngãi.

Để có đủ tư liệu biên soạn các bài học, thầy Vàng phải dành nửa năm trời rong ruổi nhiều nơi, tìm sự giúp đỡ của những nhà nghiên cứu lịch sử nhằm tiếp cận được chính sử về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Ông còn ra huyện đảo Lý Sơn gặp hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa, đến UBND huyện Hoàng Sa ở Đà Nẵng để tích lũy thêm những tư liệu quý.

"Năm học 2007 - 2008, bài học “Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” đã hoàn thành và được đưa vào giảng dạy trong môn Lịch sử. Đến năm học 2014 - 2015 thì giảng dạy cho học sinh toàn tỉnh thông qua nội dung giáo dục lịch sử địa phương. Nội dung này được nghiên cứu để tích hợp giảng dạy trong nhiều môn học", thầy Vàng nhớ lại.

Theo thầy Vàng, tài liệu này hướng dẫn giáo viên giảng dạy tích hợp chủ quyền biển, đảo ở từng bài học sao cho phù hợp. Đơn cử như môn Ngữ văn lớp 7, tuần 5, tiết 17 có bài “Sông núi nước Nam”. Theo đó, nội dung tích hợp sẽ là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với môn Ngữ văn lớp 8, tuần 20, tiết 77 có bài “Quê hương” sẽ tích hợp nội dung tình yêu quê hương là tình cảm sâu nặng trong mỗi con người của chúng ta. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng là quê hương, vì vậy chúng ta có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Hay như đối với môn Giáo dục công dân lớp 6, tiết 7 có bài “Biết ơn”, nội dung giảng dạy tích hợp là biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã bảo vệ  Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể là những liệt sĩ đã hy sinh năm 1988 khi bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa)...

"Phương pháp dạy học tích hợp liên môn làm cho tiết học trở nên sinh động, giúp học sinh hứng thú trong việc tiếp thu kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, và quan trọng hơn là giáo dục các em tình yêu biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc", thầy Vàng chia sẻ.

Người thầy tâm huyết với giáo dục chủ quyền biển đảo - 2
Thầy Vàng trong một tiết dạy lịch sử địa phương cho học sinh

Dù đã nghỉ hưu, thầy Vàng vẫn dành tâm huyết tìm tòi, cập nhật thông tin thời sự vào tài liệu tích hợp. Tài liệu được cập nhật đầy đủ nhất dày khoảng 100 trang có tên "Những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa để giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh bậc trung học cơ sở" đã được gửi tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 11 (2018 - 2019) và đạt giải Nhì. Đồng thời, sáng kiến này của thầy Vàng còn được chọn gửi dự thi cấp toàn quốc.

Theo ông Huỳnh Văn Tố - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Ngãi, trên cơ sở những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đã được nghiên cứu và công bố, thầy Vàng đã bỏ công sức sưu tầm và biên soạn lại thành các bài học cho học sinh và tích hợp vào chương trình giảng dạy nhiều môn học một cách sáng tạo.

"Tài liệu này khá phù hợp, bám sát tính thời sự nên cần được xem xét tiếp tục đưa vào giảng dạy cho học sinh trên địa bàn tỉnh", ông Tố nói.

Quốc Triều

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm