Người thầy giáo mù và ngôi trường “Bừng sáng”

Nằm trong con hẻm số 266/5 đường Nguyễn Tri Phương - phường 4 - quận 10, căn nhà chật hẹp của thầy Đào Khánh Trường mang tên "Bừng sáng" trở thành không gian quen thuộc, luôn ngập tiếng cười, tiếng nhạc… của 55 học sinh khiếm thị.

Chúng tôi đến gặp thầy Đào Khánh Trường khi thầy đang dạy nhạc cho các em khiếm thị. “Ngày xưa tôi không nghĩ sẽ lập được ngôi trường như thế này” - thầy kể - “cuối năm 1977, một đôi vợ chồng lặn lội từ miền Trung xa xôi dẫn theo hai đứa trẻ mù, một trai một gái đến tìm gặp tôi khẩn khoản van nài tôi nuôi giúp hai đứa con. Hết sức bất ngờ và do dự nhưng trước hoàn cảnh thương tâm của họ, tôi không thể từ chối".

 

"Mãi đến năm 1985, sau nhiều lần suy nghĩ, tôi quyết định dùng chính ngôi nhà của mình làm nơi nuôi dưỡng và dạy dỗ các học trò khiếm thị. Có nhiều em quê ở tận ngoài Bắc, bố mẹ cũng lặn lội đưa con vào nhờ tôi dạy dỗ”, thầy nói tiếp.

 

Sống độc thân nên thầy Trường dành hết tình thương cho các em. Từ ngày “thành lập” trường đến nay, thầy đã trực tiếp nuôi dạy hơn 150 em khiếm thị có hoàn cảnh đặc biệt. Khi được hỏi nguồn kinh phí để nuôi các em, thầy cười: “Thời gian đầu cũng lắm khó khăn nhưng bỏ tụi nhỏ thì không đành. Ngoài công việc dạy nhạc ở trường Nguyễn Đình Chiểu, thầy trò chúng tôi phải làm thủ công, thỉnh thoảng có vài người đến trường để ủng hộ vật chất”.

 

Khi đến với thầy, các em đều được học hành, vui chơi và có một công việc ổn định. Có nhiều em đã đậu vào trường Đại học, Cao đẳng. Đặc biệt hiện nay trường đã mở được một trung tâm mát xa trị liệu ở số 52/003 lô E chung cư Ấn Quang để tạo việc làm cho các em. Nhìn những bàn tay khéo léo đến mức thành thục, không ai có thể nghi ngờ khả năng làm việc của các em.

 

Với thu nhập khoảng 600-800 ngàn đồng/tháng/người, các em có thể tự trang trải phần lớn trong cuộc sống. Như trường hợp em Tạ Thị Thìn, quê ở Ninh Bình, bị khiếm thị nhưng vẫn đều đặn vừa làm vừa học thêm Anh văn và còn tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình. Còn em Võ Minh Thiện, 15 tuổi, quê ở Trà Vinh kể về ước mơ của mình: “Dù biết học đàn là rất khó nhưng em sẽ cố gắng. Em ước mơ sau này sẽ trở thành thầy giáo dạy nhạc”.

 

Theo Thùy Dung

 SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm