Người thầy đào tạo thợ nghề giỏi nhờ phương châm "cần cù bù khả năng"
(Dân trí) - Trong cuộc đời nghề giáo, thầy giáo Đỗ Viết Tuấn đã truyền lửa, dẫn dắt thành công nhiều học trò đạt giải cao tại các cuộc thi tay nghề giỏi nhờ phương châm bền bỉ "cần cù bù khả năng".
Thành lập Khoa bắt đầu với con số "không"
Thầy Đỗ Viết Tuấn (sinh năm 1964) sinh ra ở Khai Quang, Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp cấp 3, cậu học trò Vĩnh Phúc lên thủ đô nhập học trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 1988, sinh viên Đỗ Viết Tuấn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Động lực. Nhưng cũng chính vì "thời cuộc" đã dẫn chàng cử nhân đến một ngã rẽ mới - thầy giáo trường nghề.
"Khi đó ngành học của tôi rất khó xin việc làm, gửi hồ sơ xin việc nhiều nơi không có kết quả, may mắn có lần tiếp xúc với thầy Nguyễn Văn An cũng cùng chuyên ngành của tôi khi đó đang giảng dạy tại trường Công nhân Cơ khí Nông nghiệp 1 Trung ương (nay là trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp Vĩnh Phúc), thầy An rất thông cảm với hoàn cảnh của tôi lúc đó và tận tình giúp tôi được giảng dạy tại trường Công nhân Cơ khí Nông nghiệp 1 Trung ương (thầy An là Hiệu trưởng trường tôi năm 1998, đã nghỉ hưu năm 2016)", thầy Tuấn kể lại.
Năm 1993, Trung tâm Tin học bộ NN&PTNT phổ cập tin học cho các trường nghề. Bấy giờ, tin học là nghề mới đòi hỏi phải có sự đam mê, vốn là người rất thích khám phá kiến thức khoa học mới nên thầy Tuấn đã xin và được Ban Giám hiệu cử đi học tin học và về phổ cập tin học cho cán bộ giáo viên và học sinh trong trường Công nhân Cơ khí Nông nghiệp 1 Trung ương. Sau này để hoàn thành nhiệm vụ, thầy được cử theo học các lớp bồi dưỡng về Tin học rồi Văn bằng 2 về Tin học…
Năm 2007, trường Cơ khí Nông nghiệp 1 Trung ương được nâng cấp thành trường Cao đẳng, đồng thời thành lập khoa Điện tử - Tin học với nhiệm vụ giảng dạy các nghề Sửa chữa máy tính, Ứng dụng phần mềm, Quản trị mạng máy tính và Tin văn phòng. Thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy - Ban Giám hiệu, thầy Đỗ Viết Tuấn được giao nhiệm vụ Trưởng khoa, năm 2012 Khoa Điện tử - Tin học được đổi tên thành Khoa Công nghệ thông tin, thầy vẫn được phân công làm Trưởng khoa.
Thầy Tuấn nhớ lại, khi thành lập Khoa bắt đầu với con số "không" (không thầy, không thiết bị máy móc, không nhà xưởng) đòi hỏi những người làm thầy phải tự xây dựng chương trình, giáo trình tài liệu, xây dựng cơ sở vật chất, tuyển sinh…
"Với 2 thầy cô ban đầu là thành viên của khoa do tôi phụ trách cùng thực hiện công việc khó khăn này, những năm sau này đội ngũ giáo viên của khoa được bổ sung dần, đến nay khoa đã có 19 giáo viên (4 kỹ sư và 15 thạc sĩ)", thầy vui mừng kể.
Là trưởng khoa của một khoa thành lập bắt đầu từ con số 0, bản thân thầy Tuấn phải nỗ lực rất lớn trong công tác tổ chức xây dựng chương trình, giáo trình tài liệu, xây dựng cơ sở vật chất.
"Giảng dạy ở trường nghề rất khó khăn, trình độ đầu vào của người học thấp, đòi hỏi người thầy phải tâm huyết, kiên trì, khi giảng dạy làm mẫu tỉ mỉ chính xác chứ không giảng dạy bằng cách truyền đạt chủ yếu lý thuyết như ở đại học.
Công nghệ thông tin là ngành khoa học phát triển cực nhanh, nhất là những năm gần đây trong cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi người thầy phải luôn luôn cập nhật kiến thức mới bảo đảm cập với các thiết bị máy móc mới, cực kỳ vất vả đối với chúng tôi, nhất là tôi nay tuổi đã lớn", người thầy tâm sự.
Người "truyền lửa" trí tuệ, bền bỉ và bản lĩnh cho các trò
Có nhiều năm dạy học nhưng có lẽ nhưng dịp huấn luyện sinh viên thi tay nghề giỏi nghề mà khoa không trực tiếp đào tạo (Thiết kế trang web, thiết kế đồ họa…) là một kỷ niệm khó quên với thầy Tuấn.
"Các đề thi hoàn toàn sử dụng tiếng Anh, không có chuyên gia, thiết bị máy móc lạc hậu so với yêu cầu, chúng tôi phải chụm đầu để bàn bạc thực hiện và tự phong cho mình là "chuyên gia", bằng sự nỗ lực của cả tập thể cộng với sự cố gắng của học sinh sinh viên, chúng tôi cũng có thành tích đáng kể, có các sinh viên đạt huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ thi tay nghề Quốc gia", thầy xúc động nhớ.
Thầy Tuấn nhấn mạnh, thi tay nghề giỏi là cuộc thi dành cho người thợ giỏi. Đối với các nghề thuộc lĩnh vực CNTT như Thiết kế đồ họa, Thiết kế trang web, Giải pháp phần mềm… đòi hỏi người thi ngoài tay nghề ra cần có tư duy nữa.
"Phương châm quan trọng nhất của chúng tôi khi dẫn dắt, đào tạo học trò chinh phục các "đấu trường" thi tay nghề nằm ở 4 chữ "cần cù bù khả năng". Chúng tôi đưa ra ý tưởng, hướng dẫn về kỹ thuật hoàn thành bài thi, còn sinh viên thì lấy sự chăm chỉ làm tôn chỉ, thế là thành công thôi", thầy cho biết.
Tại các kỳ thi tay nghề cấp tỉnh hay cấp quốc gia, thầy Tuấn và các giáo viên luôn luôn động viên các em cố gắng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Để có được thành công cần phải khẳng định được sức mạnh của mình ở nhiều mặt như: Sức khỏe, bền bỉ, trí tuệ và bản lĩnh.
Đặc biệt là tại kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia 2020, các em phải trải qua thời gian thi rất dài, rất căng thẳng (2 ngày thi, thời gian từ 12-15h) để có thể hoàn thành được bài thi, do vậy điều không thể thiếu là sức khỏe tốt, sự bền bỉ và ý chí rất cao.
Thầy Tuấn và các trò đều trải qua nhiều đợt sát hạch thật nghiệm túc, thời gian thi sát hạch phù hợp với thời gian thi tay nghề Quốc gia để trải nghiệm và rèn luyện sức khỏe, sức chiến đấu.
"Tôi chỉ biết cố gắng và cố gắng hết mình để rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, kiến thức cho bản thân. Luôn luôn là một người thầy gương mẫu với đồng nghiệp và học sinh, sinh viên; tận tâm giúp đỡ đồng nghiệp, các học trò trong học tập cũng như trong cuộc sống", thầy chia sẻ.
Với thầy Tuấn, "trường học hạnh phúc" là ngôi trường mà không chỉ các trường học ở khối các cấp học phổ thông hướng tới nói riêng mà đây cũng là mục tiêu của các trường trong khối dạy nghề và cả hệ thống giáo dục nói chung.
Để làm được điều này, trong nhiều năm qua bản thân thầy Tuấn cũng như các giáo viên của trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp luôn luôn lắng nghe những chia sẻ về tâm tư tình cảm, định hướng nghề nghiệp cũng như những vướng mắc trong quá trình học tập của các em học sinh, sinh viên. Từ đó, thầy hiểu được những mong muốn, những nguyện vọng của các em về học tập, thầy cô, về nghề nghiệp và những định hướng trong tương lai.
Theo thầy, nghề giáo không chỉ là nghề yêu cầu cao về chuyên môn, mà còn là nghề giáo dục về nhân cách và sự bao dung. Vì vậy từ những chia sẻ của học sinh, sinh viên trong quá trình học tập, ngoài việc giải đáp thắc mắc của các em, thầy Tuấn luôn khuyến khích, hỗ trợ học sinh, sinh viên lĩnh hội những kiến thức mới.
"Bên cạnh đó, tôi cũng dành thời gian quan tâm tới hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của học sinh để từ đó có những điều chỉnh, giúp đỡ các em không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống. Với những học sinh cá biệt và yếu kém, tôi dành nhiều thời gian hơn để kèm cặp và hướng dẫn các em để có thể uốn nắn kịp thời và giúp các em có những hướng đi đúng đắn trong tương lai".
Cũng với tinh thần cầu thị trong sự nghiệp và hết mình vì học trò, thầy Đỗ Viết Tuấn từng giành Giải nhất hội giảng Giáo viên dạy giỏi tỉnh Vĩnh Phúc 2 lần; Giải nhì hội giảng Giáo viên dạy giỏi Toàn quốc 1 lần. Thầy tham gia huấn luyện HSSV thi tay nghề giỏi các cấp, đã có 04 sinh viên đạt giải nhất, nhiều giải nhì và giải ba tỉnh Vĩnh Phúc; 01 sinh viên đạt giải nhất, 02 sinh viên đạt giải nhì, 04 sinh viên đạt giải ba và nhiều giải khuyến khích trong các kỳ thi tay nghề giỏi cấp Quốc gia.
Thầy Tuấn giữ vai trò Giám khảo các cuộc thi Giáo viên giỏi tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2002 đến nay; Giám khảo hội thi Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp Bộ Nông nghiệp và PTNT 2 lần.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, thầy Tuấn chủ trì và tham gia biên soạn, chỉnh sửa chương trình đào tạo Sơ cấp nghề, Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề, Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng phục vụ cho đào tạo của tất cả nghề (Sửa chữa và lắp ráp máy tính, Công nghệ thông tin (UDPM), Quản trị mạng máy tính, Tin học văn phòng) cho các khóa học kể từ khi thành lập khoa đến nay; Chủ trì, tham gia biên soạn chương trình đào tạo theo năng lực (APC); Chủ trì, tham gia biên soạn chương trình đào tạo chất lượng cao; Chủ trì, tham gia biên soạn và chỉnh sửa các giáo trình phục vụ đào tạo của khoa; Trực tiếp biên soạn 05 giáo trình cho các nghề đào tạo.
Để nâng cao hiệu quả giảng dạy, thầy cùng tập thể giáo viên trong khoa xây dựng mô hình học cụ để giảng dạy, xây dựng các bài giảng điện tử giúp người học tiếp thu kiến thức một các chủ động tích cực.
Người thầy trường nghề sở hữu loạt bằng khen đáng nể vì những cống hiến, thành tích ấn tượng trong sự nghiệp: Bằng khen của Công đoàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (năm 2010); Được tôn vinh của Công đoàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (năm 2010); Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 1997; Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (năm 1997, 2005, 2006, 2015, 2020); Bằng khen của tỉnh Vĩnh phúc, năm 2011, 2018; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2008; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục Đào tạo năm 2011; Huân chương lao động hạng III, năm 2013.
Ước mong lớn nhất của thầy Đỗ Viết Tuấn trong cuộc đời nghề giáo là cung cấp cho xã hội được nhiều thợ lành nghề, đúng chuyên nghề đào tạo và người thợ có được cuộc sống ổn định.
Thầy Tuấn tâm sự, vừa quản lý khoa vừa cùng đồng nghiệp lựa chọn và huấn luyện sinh viên thi tay nghề giỏi nên tổng thời lượng dành cho trường học rất lớn, lớn hơn rất nhiều lần cho gia đình.
"Vợ con tôi thấu hiểu và thông cảm cho tôi nên thường xuyên động viên chia sẻ với tôi. Mỗi khi gặp khó khăn trong công việc cũng chính vợ là người đưa ra những phương án giải quyết ổn thỏa, thấu đáo.
May mắn là vợ tôi làm việc có liên quan chút đến ngành nghề mà tôi đã lựa chọn nên cô ấy rất hiểu và hoàn toàn ủng hộ công việc của tôi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì có gia đình luôn đồng hành cùng những bước đi của mình", thầy Tuấn bày tỏ niềm tự hào về "hậu phương vững chắc".