Người mẹ tha thiết đề nghị "chỉ lì xì con 10.000 - 20.000 đồng"

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Con còn nhỏ, chưa có nhu cầu nhiều về tiền cũng như để giữ giá trị tinh thần tiền mừng tuổi, chị Quỳnh Chi tha thiết mong mọi người không lì xì con mình tờ tiền mệnh giá không quá 50.000 đồng.

Mới đây, chị Lê Quỳnh Chi, ở Tân Bình, TPHCM, có hai con ngỏ đăng lên trang cá nhân nội dung "xin" mọi người hãy lì xì trẻ 10.000 - 20.000 đồng, cao nhất không quá 50.000 đồng.

Ngoài ra, chị cũng đề nghị chị em, người thân ruột thịt trong nhà, chỉ lì xì con mình tờ tiền mệnh giá nhỏ.

Chị đăng lên, nhiều người hưởng ứng để cùng "giải phóng áp lực tiền lì xì". Nhưng cũng có người kêu chị "khùng quá", việc lì xì thế nào là việc của người ta. Nhưng với chị Chi, mình cũng có quyền bày tỏ quan điểm và mong muốn của mình liên quan đến việc của con. 

Người mẹ tha thiết đề nghị chỉ lì xì con 10.000 - 20.000 đồng - 1

Người mẹ ở TPHCM mong muốn con mình được lì xì tờ tiền mệnh giá nhỏ 

Theo chị, các con còn nhỏ, nhu cầu về tiền chưa nhiều. Việc đứa trẻ nếu nhận quá nhiều tiền lì xì chưa hẳn là điều hay, thường kéo theo rất nhiều vấn đề phát sinh. 

Với chị, tiền lì xì đúng nghĩa là tiền lộc, mang ý nghĩa tinh thần, chứ không phải về giá trị vật chất. Chỉ cần tờ tiền mệnh giá rất nhỏ là đã đủ để giúp con hiểu được điều này. 

Khi đứa trẻ nhận được số tiền lì xì quá cao, rất khó để các con hiểu được ý nghĩa của đồng tiền may mắn. Khi đó, trẻ dễ có phát sinh tâm lý đong đếm, so bì, chê bai về tiền lì xì. 

"Năm ngoái, có nhiều bao lì xì con tôi nhận được là 200.000 đồng, thậm chí là 500.000 đồng. Tôi không lấy làm vui vì điều này vì bản thân nghĩ không cần thiết", người mẹ chia sẻ. 

Bản thân chị biết, rất nhiều người lớn bị áp lực khi lì xì cho trẻ nhỏ. Đây có thể là một khoản chi rất lớn của nhiều gia đình, thậm chí vượt qua khả năng tài chính của họ. 

Có nhiều người bạn thân của chị Chi than thở hụt hơi vì tiền lì xì, bỏ ít thì ngại, lại sợ mang tiếng. Có người về quê từ con cháu, con hàng xóm, con bạn bè cũ... lì xì ít nhất 100.00 đồng. 

Có người còn phải vay tiền để lì xì trẻ nhỏ, trong khi họ ấm ức vì không có con nhỏ để "thu hồi vốn". Hay có cô đồng nghiệp không dám về quê ăn tết vì sợ... tiền lì xì. 

Chị Quỳnh Chi thừa nhận, khi con nhận được tiền lì xì cao, chị cũng có chút ái ngại nếu lì xì những trẻ khác 10.000 - 20.000 đồng.

Thành ra, việc lì xì lấy lộc cho trẻ lại có thể gây áp lực quá khủng khiếp với người lớn. Đây là điều không đáng có khi Tết nhất đến là để sum vầy, nghỉ ngơi...  

Ngoài ra, theo chị, lì xì cho trẻ mệnh giá nhỏ cũng là cách ngăn nhiều người "mượn tay" trẻ nhỏ để mua chuộc, đặt quan hệ nọ kia... Tiền lì xì và đứa trẻ trở thành tấm bình phong, bị lợi dụng cho những toan tính của người lớn. 

"Lì xì trẻ mệnh giá nhỏ thì mỗi người có thể lì xì nhiều trẻ, gửi lộc và những điều may mắn đến nhiều đứa trẻ hơn.

Chúng ta hay bàn về việc dạy trẻ ứng xử về tiền lì xì mà quên mất chính người lớn mới là những người cần có thái độ, quan điểm đúng đắn, đẹp đẽ về tiền xì xì", chị Chi nói.

Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Văn Dũng, phó giám đốc một công ty điện tử ở TPHCM cho biết, anh bị mang tiếng keo kiệt vì bỏ lì xì 10.000 - 20.000 đồng, nhiều nhất cũng chỉ 50.000 đồng nếu theo hình thức rút thăm. 

Người mẹ tha thiết đề nghị chỉ lì xì con 10.000 - 20.000 đồng - 2

Người lớn cũng cần có thái độ ứng xử đúng với tiền lì xì

Với anh, tiền lì xì cho trẻ như vậy là hợp lý, giữ cho trẻ được sự hồn nhiên với đồng tiền mừng tuổi. Với trường hợp anh chị em, họ hàng khó khăn cần giúp đỡ, anh sẽ gửi tặng qua bố mẹ. 

 Trong group nội bộ của công ty, anh Dũng cũng bày tỏ suy nghĩ của mình, thông báo rõ với đồng nghiệp anh bỏ lì xì tiền mệnh giá thấp. Đồng thời, anh cũng mong muốn, nếu được nhận xì lì con mình cũng sẽ nhận được những bao lì xì nhỏ nhắn, nhẹ nhàng nhưng đong đầy tình cảm của người tặng.  

TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM chia sẻ, nhiều năm qua, thay vì tiền, bà thường chuyển qua lì xì trẻ nhỏ bằng sách. Tuy nhiên, không phải người nhận nào cũng hưởng ứng với món quà lì xì này.