Đứng hình khi sếp tặng lì xì, con... bĩu môi chê ít
(Dân trí) - Chị Hà luống cuống đưa tay véo vào lưng con khi cháu vừa nhận lì xì của sếp chị. Cháu bóc ra kèm cái bĩu môi: "Bác San mừng tuổi có 20.000 đồng, chán quá!".
Chuyện xảy ra vào Tết năm rồi nhưng giờ nghĩ mỗi lại, chị Đoàn Minh Hà, nhân viên ngân hàng ở Gò Vấp, TPHCM vẫn muốn ngạt thở.
Mùng 2 Tết, chị đưa con 7 tuổi đến nhà chị San trưởng phòng chơi. Khi chị San lì xì con trai chị, cháu bóc ra ngay, rút tiền ra rồi bĩu môi thất vọng: "Bác San mừng tuổi có 20.000 đồng, chán quá!". Sau đó, con còn buông những lời than vãn mình được ít tiền lì xì, chê bác San... keo quá.
Chị Hà vội đưa tay bấm nhẹ vào lưng con để nhắc nhở. Ai dè, cháu hất mẹ ra, nói: "Sao mẹ lại cấu con, con có nói sai đâu" làm chị xấu hổ muốn chui ngay xuống đất.
Cũng may, chị San là người hiểu chuyện, ít bỏ bụng và khéo xử lý tình huống. Bác xoa đầu con trai chị và nói: "Đây là đồng tiền lộc, tờ 20.000 đồng này sẽ mang rất nhiều điều may mắn năm mới cho con". Chị Hà được sếp giải cứu, nhưng vẫn rất khó xử.
Hay anh Nguyễn Văn Hòa, ở Tân Bình, TPHCM cũng từng méo mặt khi con gái mình, vừa nhận tiền xì xì từ sếp, rồi hồn nhiên so sánh: "Bác Thảo là sếp, giàu mà lì xì còn ít hơn cả chú Quang (một đồng nghiệp cùng phòng với anh)".
Con trẻ bóc lì xì, chê bai, so sánh tiền lì xì ít nhiều ngay trước mặt khách là tình huống nhiều người gặp phải. Có khi, người lớn rơi vào cảnh khó xử, không biết phải xử lý thế nào khi rơi vào tình thế nhạy cảm như vậy. Chuyện lì xì cho trẻ có khi làm người lớn khó xử, nặng lòng về nhau.
Nói chuyện với con về tiền lì xì
Trong chuyên đề chia sẻ về tiền lì xì, ThS Lê Minh Huân, trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, trẻ con có đặc điểm là nghĩ gì sẽ nói nấy, thích gì làm nấy. Với chuyện lì xì cũng vậy, chúng sẽ thể hiện phản ứng của mình ngay lập tức khi được tặng lì xì. Cũng không lạ khi vừa được tặng lì xì, các bé lập tức mở ra xem, thể hiện cảm xúc hay có những so sánh, bình phẩm.
Điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của người lớn, làm chúng ta mất vui với nhau. Việc dạy trẻ văn hóa cho - nhận lì xì là việc rất cần thiết để trẻ có những ứng xử phù hợp, còn người lớn tránh bị "đứng hình".
Trước nhất, điều này phải bắt đầu từ chính bố mẹ trong quan niệm về tiền lì xì. Hơn ai hết, người lớn cần hiểu, tiền lì xì là đồng tiền lộc, không có khái niệm ít hay nhiều để mình không phải đau đầu, khó xử trong mọi tình huống.
Quan trọng nhất, bố mẹ phải dạy cho con tiền lì xì là đồng tiền mang giá trị tinh thần. Hãy nói với con, đây là đồng tiền tượng trưng, là tiền may mắn. Người tặng mừng con thêm một tuổi mới, chúc con có nhiều may mắn trong năm mới. Tiền lì xì khác với tiền mẹ cho con ăn sáng hay đi mua đồ chơi, quần áo...
Dạy trẻ nhận lì xì với thái độ biết ơn thật sự, chứ không chỉ là lời cảm ơn một cách vô cảm.
Khi được tặng lì xì, mình sẽ cất vào túi, không mở trước mặt người khác.
Một điều cần chú ý là dạy con là không so sánh tiền lì xì với anh chị em, bạn bè; không so tiền lì xì năm nay với năm ngoái; không so sánh tiền lì xì của chú này với chú kia...
Có thể giải thích với con một cách nhẹ nhàng tiền lì xì người cho người này người kia có thể khác nhau, họ lì xì rất nhiều trẻ, lì xì cho cả mình là rất quan tâm, yêu thương mình...
Những điều này cần trao đổi với trẻ càng sớm càng tốt, không phải chờ đến Tết để đứa trẻ ngấm dần, hình thành cách ứng xử có văn minh với bao lì xì, hạn chế những tình huống oái oăm.
Đặc biệt, theo ThS Lê Minh Huân, tuyệt đối, bố mẹ không dạy hư trẻ qua tiền lì xì, không xem đây là cơ hội để kiếm tiền. Không thôi thúc con đến nhà người khác, chào hỏi, chúc Tết người khác chỉ với mục đích để nhận lì xì. Bố mẹ và trẻ cần hiểu, người khác không có nghĩa vụ hiển nhiên phải lì xì cho mình.
Ngoài dạy trẻ nhận, chúng ta cũng cần dạy trẻ cách chia sẻ, trao đi như chia sẻ với em út, bạn bè hay mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ chúc họ khỏe mạnh, sống lâu...
Giáo dục trẻ về văn hóa cho - nhận lì xì, những lời chúc Tết đến mọi người không chỉ là dạy về ứng xử mà còn cơ hội để dạy con trí tuệ cảm xúc.