Người lao động cần thay đổi kỹ năng, tư duy để làm việc với robot
(Dân trí) - "Trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng, tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot" - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định.
Theo khảo sát tháng 8 của đơn vị nghiên cứu thị trường lao động Adecco Việt Nam về những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động, mô hình làm việc đang có sự chuyển biến rất lớn.
Người lao động đang làm việc tại nhà nhiều hơn, phải quen với nhiều công cụ làm việc từ xa, những kỹ năng và công nghệ mới… Người lao động gặp khá nhiều khó khăn như chưa quen cách giao tiếp mới, thiết bị kỹ thuật chưa đáp ứng được công việc, chưa nhuần nhuyễn các phần mềm hỗ trợ…
Các chuyên gia của Adecco Việt Nam nhận định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ra bất ổn về công việc, trong tương lai, việc trang bị kỹ năng phù hợp cho người lao động thông qua các hoạt động đào tạo lại ngày càng trở nên cấp thiết.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM nhận định, những thay đổi kỹ năng làm việc trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay rất thường xuyên và người lao động phải thích nghi với điều đó.
Theo ông, một trong những kỹ năng quan trọng nhất là tính linh hoạt và khả năng tự học, tiếp thu cái mới để thích ứng với sự thay đổi từng ngày của công nghệ, thiết bị sản xuất, công cụ làm việc…
Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM khẳng định nhu cầu nhân lực của thị trường trong tương lai là "lao động tri thức". Tri thức ở đây không phải là bằng cấp, mà là kỹ năng làm việc, khả năng linh hoạt tiếp thu kiến thức mới, tự đào tạo bản thân để thích nghi với sự thay đổi...
"Lao động tri thức bao gồm cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà robot không thể làm thay. Trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng, tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot" - ông Tuấn chia sẻ.
Theo Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực đa dạng có nghề thuộc các cấp bậc: đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Tuy nhiên, cấp bậc nghề không còn quá quan trọng điều đó mà kỹ năng nghề, thái độ làm việc, kỹ năng mềm mới quyết định sự thành công của mỗi người.
Để người lao động chủ động học tập, tự rèn luyện, bổ sung kiến thức nghề, điều kiện tiên quyết là phải chọn đúng nghề phù hợp với bản thân để học, để theo đuổi. Từ sự phù hợp mới dẫn đến niềm yêu thích, say mê, tìm tòi và khám phá, tự nâng cấp bản thân…
Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM cho rằng: "Các bạn trẻ phải hiểu rằng, động lực và kế hoạch nghề nghiệp của mỗi người phải xuất phát từ trong chính bản thân các bạn. Người khác có thể khuyến khích, động viên nhưng chính bạn là người phải hành động để đạt được những điều mình mong muốn", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.