Người cha giúp đứa con bị bệnh Down thành sinh viên giỏi toàn năng
Tại TP.HCM có một chàng trai bị Down 27 tuổi nhưng lại biết chơi đàn organ, đạt đai nâu võ Aikido, bơi lội, đá banh, có khả năng đọc, hiểu tiếng Anh cơ bản và đã theo học trường Đại học Văn Lang.
Ông Mỹ hướng dẫn con trai tự học sau những giờ học trên lớp.
Mạc Đăng Mừng chính là chàng trai lập được những kì tích hiếm có này. Đằng sau những thành tích của Mừng là nỗ lực không biết mệt mỏi của cha, người đã tìm mọi cách thay đổi số phận của chàng trai này.
Không chấp nhận nhìn con chịu bất hạnh
Chúng tôi tìm đến nhà Mừng vào thời điểm cuối ngày. Nhà Mừng nằm cạnh nhà thờ Xóm Chiếu (Quận 4, TP.HCM). Như thường lệ, gần nửa năm nay đến tầm 17h, bà An (mẹ Mừng) lại ngồi cửa đợi chồng và con đi học về. Đây là niềm vui được bà mong chờ nhất trong ngày. Kết thúc buổi học ở trường, về đến nhà Mừng khoe ngay với bà An về điểm thi kết thúc môn học kĩ năng Photoshop đạt điểm cao.
Để cậu con trai Mạc Đăng Mừng có thể hòa đồng và phát triển như những đứa trẻ bình thường khác, vợ chồng ông Mạc Văn Mỹ (66 tuổi) đã phải nỗ lực rất nhiều. Ông Mỹ cho biết, lúc ông bà bước sang tuổi tứ tuần mới sinh đứa con trai đầu lòng. Niềm vui chưa được trọn vẹn thì nỗi buồn ập đến khi ông bà biết tin Mừng đã mắc hội chứng Down bẩm sinh. Trước đây, do điều kiện y tế chưa phát triển nên việc phát hiện thai nhi mắc bệnh rất khó khăn. Ngày ấy, trông Mừng rất èo uột phải ẵm trên tay, thương con, ông bà Mỹ đã chạy chữa khắp nơi. Cứ nghe ai nói ở đâu có thầy hay thuốc tốt là họ lại đưa con đến trị bệnh.
Cậu bé Mừng ngày ấy 7 tuổi mới chỉ biết lết, 9 tuổi bập bẹ nói và phải đến 12 tuổi mới đi những bước tập tễnh đầu tiên. Nhìn tương lai của con quá chông chênh, không ít lần vợ chồng suy sụp, tuyệt vọng. Bà An tâm sự: “Lúc 5 tuổi, Mừng vẫn còn yếu lắm, đặt đâu ngồi đó, đầu thì ngoẹo một bên, mỗi lần cầm muỗng cháo đút cho con mà nước mắt bà nuốt vào trong. May mắn chúng tôi được một bác sĩ khuyên hãy mua một cây đàn cho cháu. Vị bác sĩ giải thích, đánh đàn sẽ giúp những đầu ngón tay được kích thích, nếu làm việc này thường xuyên sẽ giúp não bộ phát triển”. “Còn nước còn tát”, ông bà lại bấu víu vào chút hy vọng ấy để tiếp tục chữa trị cho con.
Về nhà, hai vợ chồng gom hết tài sản có giá trị trong nhà mang đổi được 5 chỉ vàng để mua cho con cây đàn Organ. Từ đó, người ta thấy trong căn nhà nhỏ phát ra những âm thanh từ tiếng đàn Organ. Ông Mỹ cho biết, hồi đầu để có thể chỉ cho con học đàn, ông đã phải đi học lỏm, bởi lẽ thuê giáo viên ai cũng từ chối. Họ cho rằng, một đứa bé đến đứng còn không vững như Mừng thì làm sao có thể học đàn.
Có thể nói, con đường hòa nhập của Mạc Đăng Mừng quả lắm chông chênh. Ngày Mừng biết rõ từng phím đàn, biết cảm thụ được những âm thanh trong trẻo từ tiếng đàn Organ, ông Mỹ nghĩ ngay đến một nơi dạy đàn bài bản. Ông dẫn Mừng tới một cơ sở dạy nhạc nhưng chẳng cần nghe người cha giãi bày, chủ cơ sở từ chối thẳng thừng: “Cháu nó bị như vậy học hành làm gì cho tốn tiền!”. Người cha vẫn nhẫn nại nhờ người nọ khóa đàn lại để Mừng tự mở. Trước ánh mắt tò mò xen lẫn nhiều nghi ngại, cậu bé Mừng làm theo lời cha và đặt bàn tay lên phím đàn dạo những bản nhạc đơn giản. Thấy vậy, người chủ ngạc nhiên: “Ủa, nó biết chơi đàn luôn hả?”.
Để tiện chăm sóc con, bà An phải xin nghỉ việc ở cơ quan. Mỗi đêm trước khi Mừng ngủ, bà đều dành ra một khoảng thời gian nhất định để kể chuyện cổ tích cho con nghe. Ông Mỹ thì luôn sát cánh bên con trong việc học hành. “Để cho con có đầy đủ chất dinh dưỡng, tôi luôn áp dụng chế độ ăn nhiều rau củ quả, thực phẩm có lợi cho sự phát triển của não bộ.
Trong quá trình tiếp xúc hàng ngày, mình phải hòa đồng với con, không chỉ làm cha, làm mẹ mà còn là một người bạn. Thấy con có lỗi thì phải “mổ xẻ” đi từ ngoài vào trong, mưa dầm thấm lâu chứ không thể đi ngang về tắt được”, bà An chia sẻ.
Hai vợ chồng ông Mỹ trước đây đều theo học chương trình giáo dục của Pháp, nên để dạy cho con ông bà phải tự mày mò tìm từng cuốn giáo trình tiếng Việt. Rồi họ quyết định cho Mừng đi học. Nghe tin này, họ hàng nội ngoại phản đối, vì lo Mừng không thể tiếp thu. Vậy mà Mạc Đăng Mừng đã hoàn thành chương trình học lớp 9 tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và đào tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM.
Phạm Đăng Mừng trong lớp võ Aikido.
Tình yêu thường làm thay đổi một số phận
Cách đây 2 năm, sau khi Mừng hoàn thành chương trình học lớp 9 cho người tàn tật, vợ chồng ông Mỹ quyết định cho con đi học nghề. Hai ông bà xin được cho Mừng học tin học tại trung tâm ở đường Bến Vân Đồn (Quận 4). “Chỉ tháng đầu là tôi đưa con đi và đón con về. Còn sau đó, sáng thì tôi chở, trưa Mừng tự đi bộ về. Từ trung tâm về nhà cũng khá xa nhưng tôi muốn tập cho con tính tự lập. Thi thoảng, tôi chạy xe từ xa để nhìn con đi về, mỗi lần như thế tôi thấy rất mừng. Có hôm đi học về thì trời mưa, nó tìm chỗ trú rồi gọi điện về bảo con đang đứng ở đoạn đường nào, số nhà mấy để tôi chạy đến chở về”, ông Mỹ nghẹn ngào kể.
Suốt hơn một năm trời, Mừng miệt mài bên chiếc máy vi tính và đã lấy được chứng chỉ A tin học, đồng thời tiếp tục học nâng cao. Cách đây mấy năm, có một nhà sư đã chỉ cho ông Mỹ lấy những hạt đá nhỏ li ti đem về để con trai chà chân mỗi ngày. Theo ông Mỹ, việc này sẽ làm tăng ma sát ở chân để con có cảm giác. Ban đầu mới chà thì hơi đau, nhưng dần dần Mừng lại thấy thích thú. Hôm nào không phải đến lớp, hai cha con lại cùng nhau đi xe đạp quanh công viên.
Ông Mỹ cho biết, hiện tại Mừng đang theo học lớp Kĩ thuật đồ họa tại Trường Đại học Văn Lang (quận Bình Thạnh). Vì trường học khá xa, nên hôm nào hai cha con cũng phải dậy từ rất sớm mới kịp giờ học. Buổi trưa, hai cha con ở lại ăn cơm chay từ một tổ chức từ thiện để lấy sức cho buổi chiều lên lớp. Vì chương trình học khá nặng, nên ông Mỹ xin Ban giám hiệu nhà trường cho phép được dự thính trong lớp học cùng con.
Người cha già vẫn cần mẫn ghi chép cẩn thận trong mỗi giờ học vi tính, học tiếng Anh chuyên ngành để về nhà giảng lại cho con. “Vợ chồng tôi luôn mong sau này con sẽ có tương lai. Nghĩ vậy, tôi cũng ráng đi học để tối về chỗ nào con chưa hiểu giảng lại cho nó. Hy vọng sau này con sẽ có công ăn việc làm để tự lo cho bản thân”, ông Mỹ nghẹn ngào nói.
Bất kể là mưa hay nắng, Mừng vẫn đến lớp đều đặn mỗi ngày. Ở trường con học thì cha cũng học, về nhà khi con học thì cha lại là thầy. Đều đặn công việc ấy suốt hơn 20 năm nay, ông bà đã dần đưa con tiếp cận trí thức hòa nhập với cộng đồng. Giờ đây, Mừng không chỉ biết tự lo liệu cho sinh hoạt cá nhân, mà còn biết quan tâm tới người xung quanh. “Có hôm đi học về thấy mẹ bị ốm, Mừng hỏi han liên tục xem mẹ đau chỗ nào, đã đỡ hơn chưa.
Có hôm anh chàng bảo mẹ từ nay để con tự giặt giũ quần áo, nhưng tôi không đồng ý và bảo con phải học tính ngăn nắp, gọn gàng trước đã. Nghe mẹ nói vậy, Mừng cười rồi ngoan ngoãn làm theo”, bà An vui vẻ cho hay.
Tình yêu thương con chính là nguồn động lực để vợ chồng ông Mỹ nỗ lực, bền bỉ sát cánh bên con suốt một thời gian dài. Chia sẻ về phương pháp giúp con hòa nhập với tri thức cộng đồng, ông Mỹ vui vẻ cho hay: “Để con có cuộc sống ổn định như hiện tại, hai vợ chồng tôi đã phải huấn luyện con từ khi còn nhỏ để cháu tập tính tự lập, bền bỉ và ngăn nắp. Bản thân tôi thấy có 4 cách áp dụng với cháu và có kết quả ngoài mong đợi, đó là dạy cháu học đàn, học võ, đi bơi và chà chân.
Những phương pháp này có tác động rất lớn đến sự phát triển thể chất, não bộ và tinh thần cho con. Tôi rất mừng khi có một ông giám đốc đồng ý nhận cháu về công ty tin học làm việc, sau khi cháu ra trường”. Khi được hỏi về ước mơ sau này, chàng trai Mạc Đăng Mừng trả lời rành rọt: “Ước mơ của Mừng đó là trở thành võ sư Aikido, hoàn thành xong khóa học Thiết kế đồ họa. Con cũng sẽ cố gắng học thật giỏi để tự đi làm”.
Nhìn vào cuốn album của gia đình ghi lại khoảnh khắc của Mừng đạt được nhiều huy chương, không ai ngờ được đây chính là thành tích của một chàng trai bị bệnh Down. Tại giải thể thao dành cho người khuyết tật năm 2014, Mừng giành được HCV cá nhân, HCĐ tập thể môn bóng rổ và HCB đồng đội môn bóng đá kết hợp dành cho người thiểu năng trí tuệ và người không bị thiểu năng trí tuệ. Ngoài ra, chàng trai này còn biết chơi đàn Organ khá điêu luyện, biết võ Aikido, thành thạo bơi lội, yêu đá banh và có khả năng đọc hiểu một số câu tiếng Anh cơ bản. Nhìn vào cuốn album của gia đình ghi lại khoảnh khắc của Mừng đạt được nhiều huy chương, không ai ngờ được đây chính là thành tích của một chàng trai bị bệnh Down. Tại giải thể thao dành cho người khuyết tật năm 2014, Mừng giành được HCV cá nhân, HCĐ tập thể môn bóng rổ và HCB đồng đội môn bóng đá kết hợp dành cho người thiểu năng trí tuệ và người không bị thiểu năng trí tuệ. Ngoài ra, chàng trai này còn biết chơi đàn Organ khá điêu luyện, biết võ Aikido, thành thạo bơi lội, yêu đá banh và có khả năng đọc hiểu một số câu tiếng Anh cơ bản. |
Theo Khôi Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội