“Người cha đặc biệt” của những học trò nghèo
(Dân trí) - Không chỉ mang tri thức đến với học sinh của mình, thầy Đinh Văn Lênh (Quảng Ngãi) còn đem đến cho các em những bữa cơm, đồ dùng học tập và hơn cả là tình yêu thương của một người cha. Giữa bát ngát núi đồi, tiếng thầy đã trở thành tiếng gọi người thân, là điểm tựa yêu thương cho những học trò nghèo.
“Người cha đặc biệt”!
Là một trong hơn 500 thầy cô giáo tại 39 điểm trường nhận đỡ đầu cho các em nhỏ, hằng ngày thầy Lênh cũng như nhiều thầy cô khác vừa là cha, là mẹ vừa là thầy cô chăm lo cho học trò từ miếng ăn, sách vở cho đến việc đưa đón các em đến trường. Bằng tất cả sự tâm huyết của mình, các thầy cô giáo huyện Sơn Hà đang thực sự biến trường học thành một ngôi nhà gần gũi và thân thiện với học sinh.
Đã 2 năm nay, vượt qua cung đường đèo dốc của huyện Sơn Hà, hành trang đến trường của thầy Lênh không chỉ là giáo án, mà còn là sự lo lắng cho một học trò đặc biệt. Với tình yêu thương và tấm lòng chân thành của mình, thầy Lênh đã “nhóm” lên tình yêu con chữ với em Đinh Thị Huệ và các học trò nơi đây.
Bằng tình yêu nghề, mến trẻ thầy Lênh luôn xung phong “chọn việc khó” để đem cái chữ đến các em nhỏ và coi đó là “việc thường” hơn 20 năm qua và cùng các thầy cô giáo trở thành điểm tựa yêu thương cho các em.
Huệ là một học sinh “đặc biệt” của thầy Lênh, việc chăm sóc một đứa trẻ như em đòi hỏi người thầy phải có động lực rất nhiều từ việc đi lại đến việc tự phục vụ.
Sở dĩ như vậy bởi Huệ bị bệnh thiểu năng về trí tuệ, chậm phát triển, đôi mắt lại kém nên việc đi học gặp rất nhiều khó khăn. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt, cha mất sớm, hàng ngày mẹ phải đi làm thuê để gánh vác gia đình, bởi thế suốt hai năm nay Huệ đều được thầy Lênh đến tận nhà đón đi học. Con đường trước đây em đi, phải mất vài tiếng mới đến trường, nay mỗi ngày đều có thầy đồng hành.
Thầy giáo Đinh Văn Lênh - Điểm tựa yêu thương
Thầy Đinh Văn Lênh và hành trình giúp đỡ em học sinh nghèo Đinh Thị Huệ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để tự tin đến lớp.
Khó khăn là thế nhưng từ khi nhận đỡ đầu cho Huệ, thầy Lênh luôn kiên trì dành thời gian để dạy dỗ em. Học chậm hơn so với các bạn ở lớp, thầy thường xuyên kèm cặp Huệ ngoài giờ học. Như một điểm tựa yêu thương thầy Lênh đã đùm bọc, chở che và giúp Huệ yêu mến trường lớp, hòa nhập với bạn bè.
Không chỉ vậy, ngoài công việc ở trường, những lúc mẹ em đi vắng, thầy còn đến tận nhà nấu cơm và coi Huệ như con của mình, chăm sóc chu đáo, ân cần. Gần 2 năm nay, căn bếp nhà Huệ ấm cúng hơn bởi có bóng dáng người thầy “đặc biệt” này.
Từ một học sinh chậm phát triển, Huệ đã có rất nhiều tiến bộ. Em biết đọc, viết, tính toán thành thạo và được lên lớp.
Điểm tựa yêu thương
Muốn đến được trường THCS Sơn Bao và điểm trường Nước Rinh, các em học sinh ở đây chỉ có một con đường duy nhất là phải vượt qua sông, nhưng do không có cầu nên phải đi đò rất nguy hiểm. Đúng vai trò của “người lái đò” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, những người thầy nơi đây không chỉ “chèo những chuyến đò tri thức” mà còn thực hiện việc chèo đò đưa các em vượt sông đến lớp. Đây là điểm trường duy nhất chỉ có các thầy mà không có các cô giáo.
Tại điểm trường nước Rinh, những người thầy không chỉ “chèo những chuyến đò tri thức” mà còn thực hiện việc chèo đò đưa các em vượt sông đến lớp.
Với các thầy cô tại điểm trường Nước Rinh, chiếc áo mưa là người bạn đồng hành quen thuộc trong mỗi lần qua sông. Thầy Lênh chia sẻ: Đây là “vật bất ly thân” và vô cùng cần thiết. Những khi không có đò, chiếc áo mưa này không chỉ có tác dụng che mưa mà có thể gói đồ đạc lại để bơi qua sông đến trường cho kịp giờ dạy.
Nhớ lại lần chèo đò chở học trò đến trường bất ngờ gặp sự cố, thầy Lênh không khỏi bồi hồi: “Lúc đó, trên đò có 15 học sinh, đang chèo thì bỗng dây đu bị tuột. Ngay lập tức mình phải trấn an học sinh bởi nếu các em hoảng loạn đò sẽ bị nghiêng, chao đảo và lật. Sau đó, mình ráng chèo, rất may đò cũng vào đến bờ và tất cả đều an toàn”.
Với các thầy, chiếc áo mưa là người bạn đồng hành quen thuộc trong mỗi lần qua sông. Đây là “vật bất ly thân” và vô cùng cần thiết.
Cứ như thế, mỗi năm học, thầy Lênh và hàng trăm thầy cô giáo của huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi lại nhận đỡ đầu các em học sinh khó khăn, nhờ vậy bao ước mơ của những trẻ em nghèo miền núi Sơn Hà đã được viết lên, niềm vui được đến trường đã không còn là điều xa xỉ.
Khi ước mơ có được một cây cầu vững chắc vẫn là quá xa xôi thì tình yêu thương, sự hy sinh thầm lặng của các thầy chính là sợi dây kết nối các em đến với bến bờ tương lai.
Công việc dạy học tại vùng cao là công việc với muôn vàn những khó khăn, thử thách. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề, mến trẻ thầy Lênh và rất nhiều thầy cô giáo đã không quản ngại để ươm lên những mầm non tương lai của Đất nước. Giờ đây, tất cả những sự thay đổi này không chỉ riêng Huệ mà với hơn 600 em học sinh của huyện Sơn Hà đó là món quà từ những tấm lòng tử tế.
Chương trình truyền hình Việc tử tế đồng hành bởi Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) sẽ đem đến cho người xem những thước phim ý nghĩa nhất về những tấm gương đẹp, đồng thời lan toả những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Chương trình phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Số tháng Việc Tử Tế phát sóng lúc 20h10 thứ 7 (tuần thứ 2 của tháng) trên VTV1. Khán giả có thể theo dõi thêm thông tin chi tiết về chương trình tại:
Fanpage: bit.ly/viectute-facebook
Youtube: bit.ly/viectute-youtube