Ngô Phi Long: "Cậu bé vàng" với tố chất thiên bẩm
Là học sinh chuyên toán nhưng hai năm liên tiếp Ngô Phi Long tham dự và đều đoạt Huy chương vàng Olympic Vật lý Châu Á và Olympic Vật lý quốc tế. Với thành tích của mình, Long đã được tặng Huân chương lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2013.
Long khẳng định: “Đam mê lớn nhất của em vẫn là Vật lý”.
Từ buổi đầu vào đội tuyển, Long đã là một học sinh đáng chú ý. Trong buổi tập trung đội dự tuyển để bắt đầu kỳ huấn luyện để tham dự Olympic Vật lý Châu Á năm 2013, một phụ huynh cũng là nhà giáo có con được chọn vào đội dự tuyển đã thốt lên: "Đáng gờm nhất trong đội tuyển chính là Ngô Phi Long. Vị phụ huynh này cho biết: “Con nhà mình có thể giỏi hơn người khác một chút là nhờ chăm chỉ luyện tập, còn cậu bé này thì phải nói là tố chất thiên bẩm.”
Có thể, Long đã khiến mọi người “biết tiếng” vì trước đó, trong năm 2012, khi đang học lớp 11, Ngô Phi Long đã kịp “trang bị” một huy chương vàng của kỳ thi Olympic Vật lý châu Á, một huy chương vàng của Olympic vật lý quốc tế.
Tại Olympic Vật lý châu Á và Olympic Vật lý quốc tế 2013, Long tiếp tục giành cú đúp khi tiếp đoạt ngôi vị đứng đầu của hai kỳ thi này. Long được gọi là “cậu bé vàng “ của môn Vật lý.
Tiếp xúc và trò chuyện với “cậu bé vàng”, Long giống như bao bạn trẻ cùng trang lứa, rất trẻ trung, cởi mở, thân thiện… và dường như có thêm vẻ chín chắn, chỉn chu của một nhà khoa học. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện nhỏ với Ngô Phi Long, nghe Long chia sẻ về thành tích, nói về sở thích chơi games, cầu lông… và tất nhiên, không thể không nói về Vật lý.
Khi mọi người nhắc nhiều đến thành tích của Long, em nghĩ gì?
Khi được nhận Huân chương lao động và bằng khen của Chính phủ, em cảm thấy rất bất ngờ. Đối với em đây là vinh dự, tự hào rất lớn nhưng ngoài niềm vui đó, em cũng có áp lực nho nhỏ vì rõ ràng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu mình có được, được mọi người tin tưởng và trao tặng.
Em có kinh nghiệm riêng để học tốt không?
Mỗi người có phương pháp học tập khác nhau và tự tìm ra cách phù hợp với mình nhất. Riêng em chọn học tập hay làm bất cứ việc gì đều vào những lúc thấy thoải mái nhất. Ngoài ra thì với bất cứ lĩnh vực gì trong cuộc sống, muốn thành công thì đều phải có đam mê. Theo em đó là điều quan trọng nhất đối với các bạn trẻ nếu muốn thành công trong đời sống, học tập hay bất cứ lĩnh vực nào khác.
Long có thể chia sẻ kế hoạch trong tương lai không?
Trong thời gian tới em vẫn muốn tiếp tục học tập và nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật. Sau khi học xong đại học em có thể tiếp tục con đường học tập cao hơn để có khả năng nghiên cứu những kiến thức mới có ích cho mọi người.
Chắc sau này, em cũng sẽ tìm kiếm một môi trường tốt để làm việc?
Quan điểm được nhắc đến nhiều là chảy máu cất xám, theo em điều này không phải là chuyện gì quá đặc biệt nữa khi hầu như rất nhiều người khi tìm được công việc làm ổn định ở nước ngoài thì sẽ ở lại tiếp tục làm việc ở đó.
Quan điểm của bản thân em hiện tại nhà nước vẫn đang đầu tư thêm cho giáo dục. Em hy vọng trong tương lai gần việc học tập, nghiên cứu trong khoa học phát triển sẽ thuận lợi hơn vì thế các nhà khoa học dù ở trong nước hay nước ngoài đều có điều kiện làm nghiên cứu.
Đối với các nhà khoa học, thu nhập chưa phải là điều kiện quan trọng nhất mà là môi trường nghiên cứu và phát triển. Em biết viện nghiên cứu toán học cao cấp (VIASM) của GS. Ngô Bảo Châu. Hiện tại VIASM đã tạo được môi trường tốt và tạo cơ hội cho các nhà Toán học VN có thể tiếp tục nghiên cứu. Em hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn viện nghiên cứu, không chỉ Toán học mà Vật lý, Hóa học hay Sinh học… Những viện nghiên cứu đó có thể tạo điều kiện cho tất cả các nhà khoa học VN làm việc với nhau và có thể làm việc với các nhà khoa học nước ngoài nữa. Ngoài ra, em cũng cho rằng đối với một con người, dù có đi đâu chăng nữa, đến đất nước nào thì cuối cùng cũng chỉ có một VN là quê hương thôi. Theo em, dù có làm việc ở nước ngoài thì mọi người vẫn cố gắng hết sức để có thể cống hiến và đóng góp cho nước nhà.
Như thầy Ngô Bảo Châu để có điều kiện nghiên cứu tốt thì thầy vẫn ở viện nghiên cứu Chicago nhưng thầy cũng làm giám đốc khoa học ở VIASM và đã đóng góp rất nhiều về định hướng tương lai cho các bạn học sinh và cũng là để phát triển hơn nền toán học nước nhà. Như vậy mọi người tùy điều kiện có thể lựa chọn làm việc ở nước ngoài hay trong nước, miễn sao có suy nghĩ phát triển cho đất nước được tốt nhất.
Từ khi được các giải thưởng đến nay, em có nhận được sự hỗ trợ nào không?
Từ khi nhận giải em có nhận được đề nghị, hỗ trợ từ một số nơi dưới dạng học bổng. Em rất trân trọng đón nhận tài trợ đó. Các tài trợ đó đã giúp cho em phần nào trong quá trình tìm kiếm những kế hoạch dài hạn hơn cho quá trình học tập của bản thân.
Chắc em cũng đã gặp thêm nhiều nhà khoa học nổi tiếng?
Thực sự là từ khi có kết quả này em đã có rất nhiều cơ hội gặp gỡ với những người không chỉ thành công trong giới khoa học mà cả những lĩnh vực khác nữa. Như thầy Ngô Bảo Châu hay thầy Nguyễn Văn Hiệu… Mặc dù chỉ được gặp qua nhưng em đã tìm được rất nhiều niềm đam mê từ những con người ấy. Có lẽ đó cũng là một phần động lực để em tiếp tục phấn đấu.
Ngoài Vật lý, em có đam mê khác không?
Ngoài đam mê khoa học, em có đam mê nghe nhạc, chơi thể thao. Lúc rảnh rỗi, em vẫn chơi cầu lông, nghe nhạc, chơi games… Nhưng đam mê lớn nhất của em vẫn là Vật lý.
Em có thể nói gì với các bạn trẻ có đam mê nghiên cứu khoa học nhưng chưa thành công?
Không phải chỉ nghiên cứu khoa học, mà cả ở những lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị hay báo chí chẳng hạn… tất cả mọi người đều cống hiến cho đất nước. Nhưng nếu các bạn có đam mê nghiên cứu khoa học thì nên lựa chọn theo nghiên cứu khoa học, vì nếu làm một điều gì trái với đam mê của bản thân là một điều gì đó có lẽ không tốt cho cả tương lai và đất nước. Với điều kiện nghiên cứu ngày một tốt hơn em cho rằng người nghiên cứu khoa học vẫn có thể có một mức sống đủ để yên tâm làm nghiên cứu.
Cảm ơn Long và mong em sẽ có nhiều thành công hơn nữa.