"Ngỡ ngàng" bức tranh về kết quả kiểm định chất lượng 117 trường đại học Việt Nam

(Dân trí) - Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục công khai trên cổng thông tin điện tử của bốn Trung tâm cho thấy, trong 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí đánh giá chất lượng, duy nhất có 1 trường đại học có số lượng tiêu chí “Đạt” cao nhất (56/61 tiêu chí “Đạt yêu cầu” và số lượng tiêu chí “Chưa đạt” ít nhất (5/61 tiêu chí “Chưa đạt yêu cầu”...

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp phép hoạt động, bốn Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (sau đây gọi là Trung tâm) đã thực hiện kiểm định chất lượng (KĐCL) các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và KĐCL các chương trình đào tạo đại học.

Hoạt động KĐCL các cơ sở GDĐH được thực hiện theo Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT (do Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT ban hành ngày 28/12/2012) và Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGDĐT (do Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT ban hành ngày 04/3/2014).

Trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2016 đến 31/5/2018, bốn Trung tâm đã đánh giá ngoài 122 trường đại học và học viện, 03 trường cao đẳng, trong đó 117 trường đại học/học viện đã được các Hội đồng KĐCLGD ban hành Nghị quyết công nhận đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ Trường Bộ GD&ĐT ban hành (hiện còn 17 trường đại học chưa được cấp Giấy chứng nhận công nhận đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đang trong thời hạn công bố công khai Nghị quyết của các Hội đồng KĐCLGD theo quy trình KĐCLGD do Bộ GD&ĐT quy định); riêng 05 trường đại học/học viện đã được đánh giá ngoài nhưng không thực hiện tiếp khâu thẩm định và công nhận của Hội đồng KĐCLGD.

Trong 117 trường đại học/học viện đã có Nghị quyết công nhận của các Hội đồng KĐCLGD, có 15,4% là các trường đại học tư thục, 6,8% là trường trực thuộc Ủy ban nhân dân các Tỉnh quản lý và 77,8% là trường/học viện trực thuộc các Bộ chủ quản và các Đại học quốc gia, Đại học vùng.

Theo kết quả KĐCLGD, sau khi các Hội đồng KĐCLGD của bốn Trung tâm đã thẩm định các hồ sơ báo cáo tự đánh giá, hồ sơ báo cáo đánh giá ngoài và nghe trực tiếp 117 Hiệu trưởng cùng các Trưởng Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài báo cáo tại các phiên họp của các Hội đồng, các Hội đồng đã có các câu hỏi chất vấn các Hiệu trưởng và các Trường Đoàn đánh giá ngoài, các Hội đồng KĐCLGD đều đã ban hành Nghị quyết công nhận 117 trường/học viện đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Kết quả KĐCLGD công khai trên cổng thông tin điện tử của bốn Trung tâm cho thấy, trong 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí đánh giá chất lượng, duy nhất có 1 trường đại học có số lượng tiêu chí “Đạt” cao nhất (56/61 tiêu chí “Đạt yêu cầu” và số lượng tiêu chí “Chưa đạt” ít nhất (5/61 tiêu chí “Chưa đạt yêu cầu”); 25 trường/học viện (chiếm tỷ lệ 21,36%) có 49 tiêu chí “Đạt” và 12 tiêu chí “Chưa đạt” (49 tiêu chí “Đạt” là con số tối thiểu để một trường/học viện được công nhận đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục).

Sơ đồ hóa số lượng các trường/học viện với số lượng các tiêu chí “Chưa đạt” như sau:

"Ngỡ ngàng" bức tranh về kết quả kiểm định chất lượng 117 trường đại học Việt Nam - 1

Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bao hàm 10 lĩnh vực quản trị đại học và các sản phẩm đầu ra (10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí) của một cơ sở GDĐH.

Thống kê phân tích các kết quả KĐCLGD của 117 cơ sở GDĐH nêu trên chỉ ra: trong tổng số 61 tiêu chí, có 9 tiêu chí 100% các cơ sở GDĐH đều đạt; với các tiêu chí còn lại, mỗi tiêu chí có ít nhất một cơ sở GDĐH “Chưa đạt”; riêng Tiêu chí 7.5, tỷ lệ cơ sở GDĐH chưa đạt là cao nhất (77,8%); tỷ lệ trung bình 16,4% tiêu chí chưa đạt yêu cầu/cơ sở GDĐH.

Dưới đây là 19 tiêu chí có tỷ lệ trên 20% cơ sở GDĐH chưa đạt yêu cầu. Đây là những hoạt động chưa đạt chuẩn của các cơ sở GDĐH đã được KĐCLGD.

"Ngỡ ngàng" bức tranh về kết quả kiểm định chất lượng 117 trường đại học Việt Nam - 2

Các yêu cầu cụ thể của 19 tiêu chí trong Hình 2 trên được mô tả rõ trong Bảng bên dưới, xắp xếp theo thứ tự tỷ lệ % các cơ sở GDĐH chưa đạt yêu cầu của từng tiêu chí.

Tiêu chí

Tỷ lệ % cơ sở GDĐH chưa đạt yêu cầu

Tiêu chí 7.5. Đảm bảo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không ít hơn kinh phí của trường đại học dành cho các hoạt động này.

77,8

Tiêu chí 9.1. Thư viện của trường đại học có đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài đáp ứng yêu cầu sử dụng của cán bộ, giảng viên và người học. Có thư viện điện tử được nối mạng, phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học có hiệu quả.

66,7

Tiêu chí 3.6. Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

65,0

Tiêu chí 9.7. Có đủ diện tích sử dụng đất theo quy định của tiêu chuẩn TCVN 3981-85. Diện tích mặt bằng tổng thể đạt mức tối thiểu theo quy định.

53,8

Tiêu chí 5.5. Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục nhằm giảm tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên.

53,8

Tiêu chí 7.2. Có các đề tài, dự án được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch.

47,9

Tiêu chí 3.2. Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của đào tạo trình độ đại học và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

43,6

Tiêu chí 4.4. Phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá được đa dạng hoá, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và phù hợp với hình thức đào tạo, hình thức học tập, mục tiêu môn học và đảm bảo mặt bằng chất lượng giữa các hình thức đào tạo; đánh giá được mức độ tích lũy của người học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề.

43,6

Tiêu chí 5.6. Đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định. Giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo; đảm bảo cơ cấu chuyên môn và trình độ theo quy định; có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

43,6

Tiêu chí 10.3. Đảm bảo sự phân bổ, sử dụng tài chính hợp lý, minh bạch và hiệu quả cho các bộ phận và các hoạt động của trường đại học.

38,5

Tiêu chí 2.1. Cơ cấu tổ chức của trường đại học được thực hiện theo quy định của Điều lệ trường đại học và các quy định khác của pháp luật có liên quan, được cụ thể hóa trong quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường.

35,9

Tiêu chí 5.4. Đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

35,9

Tiêu chí 2.6. Có các chiến lược và kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với định hướng phát triển và sứ mạng của nhà trường; có chính sách và biện pháp giám sát, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch của nhà trường.

33,3

Tiêu chí 4.7. Có kế hoạch đánh giá chất lượng đào tạo đối với người học sau khi ra trường và kế hoạch điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.

33,3

Tiêu chí 6.9. Người học được tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên khi kết thúc môn học, được tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của trường đại học trước khi tốt nghiệp.

30,8

Tiêu chí 5.7. Đội ngũ giảng viên được đảm bảo cân bằng về kinh nghiệm công tác chuyên môn và trẻ hoá của đội ngũ giảng viên theo quy định.

26,5

Tiêu chí 3.4. Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức giáo dục và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hoặc cả nước.

25,6

Tiêu chí 8.3. Các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học có hiệu quả, thể hiện qua việc thực hiện dự án, đề án hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các chương trình áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học chung, công bố các công trình khoa học chung.

22,2

Tiêu chí 9.5. Có đủ diện tích lớp học theo quy định cho việc dạy và học; có ký túc xá cho người học, đảm bảo đủ diện tích nhà ở và sinh hoạt cho sinh viên nội trú; có trang thiết bị và sân bãi cho các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao theo quy định.

21,4

Các kết quả phân tích sâu và chi tiết sẽ được thực hiện trong thời gian sắp tới.

GS.TS. Nguyễn Quang Dong, (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) PGS.TS. Nguyễn Phương Nga, (Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam)