Bạn đọc viết:

Nghịch lý trong việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm

(Dân trí) - Dạy thêm, học thêm đã và đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Không riêng gì TPHCM và Hà Nội mà rất nhiều tỉnh thành trong cả nước ra sức chấn chỉnh tình trạng dạy thêm tràn lan. Tuy nhiên, những nghịch lý vẫn tồn tại trong chính quy định siết chặt dạy thêm.

Ở quê tôi không có phong trào dạy thêm trong trường THCS nhưng có tổ chức dạy phụ đạo thành 2 buổi/ngày. Và buổi học thứ 2 này tất nhiên phụ huynh phải đóng học phí. Thú thật ai chẳng muốn con học thêm được vài chữ, ôn luyện thêm vài bài và hạn chế thời gian la cà, lêu lỏng nên dù khó khăn thì hầu hết phụ huynh vẫn đồng thuận cho con đi học. Tuy nhiên, chỉ mới thực hiện một thời gian, phong trào này tạm dừng ở rất nhiều trường. Theo sự lí giải của nhà trường là do thiếu cơ sở vật chất và điều kiện tổ chức nên cơ hội cho các cháu học yếu được bồi dưỡng kiến thức đã không còn.

Thay vào đó là các lớp học thêm mở ra như nấm và đông nghịch đến mức “chặt như nêm”. Không chỉ học sinh trung bình, yếu cần trau dồi tìm đến học mà ngay cả các cháu khá, giỏi cũng nô nức đi học. Rõ ràng là giáo viên thích dạy các lớp học thêm tự mở hơn nhiều so với nhận tiền bồi dưỡng ít ỏi từ các lớp học phụ đạo trong trường. Còn học sinh tiểu học cũng chẳng kém cạnh gì các anh chị khi lịch học thêm kín mít với nhiều xuất học. Không thể phủ nhận nhiều hệ lụy đã nảy sinh từ việc học thêm, “chạy” trước chương trình và kiến thức.

Trước tình trạng dạy thêm, học thêm ồ ạt với nhiều điều tiếng trong dư luận, Sở GD&ĐT một số tỉnh thành đã ra nhiều công văn siết chặt tình trạng dạy thêm. Nhiều quy định đã được ban hành: Giáo viên viết giấy cam kết không dạy thêm, cấm giáo viên dạy thêm học sinh mà mình đứng lớp, giáo viên chỉ được dạy thêm ở các trung tâm đã được cấp phép do người đã nghỉ hưu hoặc không thuộc biên chế đứng tên...

Một vài vụ xử phạt tình trạng giáo viên vi phạm dạy thêm đã xảy ra. Tuy nhiên chỉ như “muối bỏ bể” khi tình trạng dạy theê, học thêm vẫn âm thầm diễn ra, thậm chí sâu và rộng hơn trước rất nhiều. Chẳng biết cơ quan quản lí giáo dục có nắm bắt hết những hình thức biến tướng dạy thêm vẫn đang như cơn sóng ngầm âm ỉ mà dữ dội đang diễn ra hay không chứ người dân chúng tôi thì chứng kiến quá nhiều.

Trò chuyện cùng bố mẹ các cháu tiểu học thì mới biết hầu như đều gửi cháu cho cô giáo ở lớp kèm cặp thêm sau giờ học. Không phải tất cả giáo viên tiểu học nhưng rất nhiều giáo viên đang dạy thêm, ngay ở nhà, ngay học sinh mình đứng lớp. Chuẩn bị vào năm học mới, phụ huynh đã nhận được tin nhắn thông báo lịch học thêm từ cô giáo là chuyện bình thường. Thậm chí từng có phụ huynh ca thán cô giáo giả vờ “chê” chỗ này chưa được, chỗ kia chưa được để ép học thêm.

Còn việc chấn chỉnh tình trạng học sinh trung học cơ sở học thêm cũng chưa có biến chuyển gì mới. Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và các lớp học thêm được cấp phép khá nhiều với nhiều hình thức, nhiều chiêu trò. Từ kẽ hở cấp phép dạy thêm cho người đã về hưu hoặc người không trực tiếp đứng trong hàng ngũ biên chế nên khá nhiều giáo viên đã nhờ “danh” và “bằng” của người khác đứng ra mở trung tâm còn mình thì yên tâm dạy. Và có cả những lớp học thêm nhỏ vẫn mở ra mà tôi biết chắc là không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để lập trung tâm.

Thế đó, nghịch lý giữa các quy định cấm dạy thêm, học thêm và thực tế quản lý lỏng lẻo, nhiều kẽ hở đã không đem lại hiệu quả tích cực cho một chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục. Dẫu biết nhu cầu học thêm là có thật của xã hội nhưng dạy thêm tràn lan với nhiều chiêu trò “ép”, “gạ” như thế thì cần triệt để bài trừ để tạo ra hiệu ứng tốt trong dư luận.

Ngọc Hùng

(Thừa Thiên - Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm