Nghịch lý thiếu giáo viên ở các huyện miền núi

(Dân trí) - Hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học theo diện cử tuyển ra trường vẫn chưa được bố trí việc làm. Trong khi đó, tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóathì tình trạng thiếu giáo viên đang trở nên trầm trọng.

Theo quy định mới của tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu các đơn vị trực thuộc chưa được phép tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên (GV) để thực hiện việc điều động, cân đối đội ngũ cán bộ quản lý và GV trên phạm vi toàn tỉnh.

Nhiều học sinh ở các huyện miền núi có nguy cơ không được đến trường vì tình trạng thiếu giáo viên.
Nhiều học sinh ở các huyện miền núi có nguy cơ không được đến trường vì tình trạng thiếu giáo viên.

Tại huyện Mường Lát hiện tại huyện này có 40 con em đồng bào dân tộc trong huyện đi học theo diện cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường. Đó là chưa kể hàng chục sinh viên theo học các ngành khác nhau ra trường vẫn chưa được bố trí việc làm. 

Ông Lương Văn Bường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, huyện Mường Lát còn thiếu gần 200 GV, trong đó có 74 GV bậc mầm non; riêng bậc Tiểu học thiếu 120 GV, trong đó GV văn hoá thiếu 40 người, còn lại là GV đặc thù; đối với bậc THCS còn thiếu 25 GV.

Cũng theo ông Bường, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thanh Hoá có văn bản chỉ đạo không được tuyển và hợp đồng mới GV. Đặc biệt năm 2012 có chỉ tiêu nhưng không được tuyển. Tỉnh Thanh Hoá có chủ trương đưa GV miền xuôi lên theo diện bố trí, sắp xếp lại GV dôi dư nhưng nhiều GV không lên do điều kiện khó khăn.

Việc thiếu GV đã gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của địa phương. Cấp Tiểu học phải học 2 ca/ngày, GV vừa thiếu, số còn lại phải vất vả hơn trong công tác giảng dạy. 

Điều kiện kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng đến chất lượng học của các em học sinh miền núi.
Điều kiện kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng đến chất lượng học của các em học sinh miền núi.

"Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD-ĐT kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh. Đây là vấn đề bức xúc ở địa phương. Riêng bậc học mầm non nếu thấy cần thiết chúng tôi sẽ hợp đồng, không để học sinh (HS) không được đến lớp", ông Bường nhấn mạnh. 

Còn tại huyện Quan Hóa thì tình trạng trên cũng tương tự. Từ năm 2005 - 2011 huyện Quan Hóa có hơn 140 em tốt nghiệp ngành Sư phạm theo diện đi học cử tuyển nhưng cho đến nay cũng mới chỉ sắp xếp công việc được 18 trường hợp. Trong khi đó, huyện Quan Hóa đang thiếu 60 GV mầm non nếu căn cứ theo tình hình thực tế; cấp Tiểu học thiếu 47 GV; cấp THCS thiếu 24 GV.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa trong việc tạm dừng tuyển dụng, hợp đồng GV là cần thiết đối với tình trạng chung của Thanh Hóa. Tuy nhiên, với các huyện vùng cao khó khăn như Mường Lát và Quan Hóa với những đặc điểm kinh tế - xã hội đặc biệt, quy định trên lại đang gây ra những khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh miền núi.

Do đặc điểm dân cư cư trú phân tán trên địa hình phức tạp ở vùng cao nên lớp học tại vùng cao hầu hết không đáp ứng được yêu cầu về sĩ số của tỉnh Thanh Hóa. Như tại Quan Hóa, chỉ tiêu của tỉnh Thanh Hóa là 30 HS/lớp (bậc Trung học cơ sở) thì Quan Hóa chỉ đáp ứng được ở mức 25 HS/lớp; bậc tiểu học quy định 20 HS/lớp thì Quan Hóa chỉ đáp ứng được 14 HS/lớp. 

Huyện Quan Hóa có 258 lớp Tiểu học thì có tới 110 lớp ghép hai trình độ. Đặc biệt có nơi dù là lớp ghép hai trình độ song cũng chỉ đạt được 6-8 HS/lớp ghép, như tại bản En (xã Phú Thanh), bản Giá (xã Thanh Xuân). Chính vì vậy, việc bắt buộc phải phân chia GV ra các vùng nhỏ lẻ cũng tác động lớn đến tình trạng thiếu GV ở các huyện vùng cao Thanh Hóa.

Ông Phạm Anh Toàn, Phó phòng GD-ĐT huyện Quan Hoá cho biết: “Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Hoá đang cố gắng bố trí, sắp xếp không để bản nào trắng GV mầm non. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế thì vấn đề thiếu GV đang gây nhiều khó khăn cho địa phương. Hiện con em địa phương ra trường mới bố trí được khoảng 40% vào công tác trong ngành, còn lại Phòng cũng đã báo cáo cấp trên để có hướng xử lý".

Việc thiếu giáo viên đã gây không ít khó khăn cho ngành giáo dục của các địa phương miền núi.
Việc thiếu giáo viên đã gây không ít khó khăn cho ngành giáo dục của các địa phương miền núi.

Từ nhu cầu thực tế, năm học 2011-2012, huyện Mường Lát đã tuyển dụng tạm thời 50 GV. Tuy nhiên, do tỉnh ra quy định cấm tuyển dụng, hợp đồng GV trong năm học 2012 - 2013 nên số giáo viên này đã phải nghỉ dạy, làm tăng tình trạng thiếu GV trên địa bàn huyện. Trong khi đó vẫn chưa có GV mới nào được điều động từ các huyện khác lên cho Mường Lát.

Nghịch lý vấn đề GV ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đang khiến nhiều HS có nguy cơ không được đến trường vì không có GV.

Duy Tuyên