Nghịch lý nghề Lập trình: Việc đi tìm người
Thay vì phải lo lắng đi tìm kiếm việc làm như sinh viên ngành tài chính – ngân hàng, kế toán…, sinh viên ngành lập trình hiện nay được các doanh nghiệp “trải thảm đỏ” mời vào làm ngay khi vừa tốt nghiệp với nhiều ưu đãi về lương thưởng.
Đang làm cho một trong những doanh nghiệp phần mềm tên tuổi nhưng Trần Duy Nam (21 tuổi) vẫn chưa thể tin “nhiệm vụ” đi xin việc của mình lại dễ dàng hoàn thành đến vậy.
Nam kể: “Trước thời điểm em tốt nghiệp trường Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech 3 tháng, một số doanh nghiệp đã tìm đến tận trường để phỏng vấn tuyển dụng. Sau khi vượt qua các bài test mà bên doanh nghiệp đưa ra, cũng như cân nhắc kỹ, em đã quyết định lựa chọn làm việc tại một doanh nghiệp phần mềm lớn của thế giới có chi nhánh tại Việt Nam”.
Các bạn sinh viên Aptech được các giảng viên hướng dẫn, cầm tay chỉ việc trong quá trình học
Không giấu được niềm vui, cô Nguyễn Ngọc Ánh - mẹ Nam cho hay, lúc đầu gia đình đã xác định khi Nam tốt nghiệp sẽ phải vất vả đi tìm kiếm việc làm, thậm chí thất nghiệp thời gian đầu. “Nay không những không phải mất công đi xin việc mà còn được doanh nghiệp đến tận trường để tuyển cháu vào. Tôi rất vui, vì cháu đã chọn đúng ngành nghề mà xã hội đang rất cần người”, cô Ánh tâm sự.
Hiện, mức lương khởi điểm sau khi vừa ra trường của Nam khoảng 10 triệu đồng. Tuy chưa cao, nhưng theo Nam, ở độ tuổi của cậu, mức lương này là hoàn toàn chấp nhận được. “Em còn trẻ và cần học hỏi thêm nhiều để nâng cao trình độ. Khi đã có 3 – 4 năm kinh nghiệm, lương thưởng sẽ tự động tăng lên”, Nam cho biết.
Tại Aptech, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp “ưu ái” nhận vào làm. Nhiều trường hợp thậm chí được nhận vào làm khi còn chưa tốt nghiệp. Theo ông Lê Trường Tùng, đại diện Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech tại Việt Nam: “Các doanh nghiệp công nghệ đã chủ động liên hệ với nhà trường để tìm kiếm ứng viên tiềm năng ngay khi các em bước vào giai đoạn chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp. Tuy vậy, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm của Aptech vẫn chưa thể đáp ứng “cơn khát” nhân lực của các doanh nghiệp này”.
Theo ước tính của VietnamWorks, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 Việt Nam cần 1,2 triệu nhân lực CNTT, lúc đó sẽ thiếu hơn 500.000 người (chiếm hơn 78% tổng số nhân lực CNTT thị trường cần), gấp hàng trăm lần tổng số sinh viên một đại học lớn tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Hàng ngàn sinh viên Aptech tốt nghiệp mỗi năm nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường
Thiếu hụt nhân lực CNTT lớn đến mức buộc các doanh nghiệp như Samsung Việt Nam phải liên kết với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho các trung tâm phần mềm tại Hà Nội và TP.HCM, Intel tại Việt Nam tham gia sáng lập chương trình liên kết đào tạo kỹ sư cao cấp tại Việt Nam… Tuy vậy, cung vẫn không đủ cầu và các doanh nghiệp này buộc phải tuyển dụng nhân lực CNTT nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký VINASA cho biết, với những nhân sự mới ra trường, mức lương của họ khoảng 250 - 280 USD. Nhân sự đã có 3 năm kinh nghiệm là 400 - 600 USD, cấp Trưởng phòng khoảng 800 - 1.000 USD và các lãnh đạo cao cấp có thu nhập 1.500 - 2.000 USD/ tháng.
Rõ ràng, khác với các ngành nghề khác, người làm nghề lập trình đã không còn ở tư thế của “người tìm việc”, mà đã chuyển sang “việc tìm người”. Đây có thể xem như điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, và là tiêu chí quan trọng để các bạn trẻ cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp tương lai.