Nghị lực phi thường của nữ sinh trường Báo hứa thay cha gánh vác gia đình

(Dân trí) - “Bố mình mất sớm khi mình học lớp 5, em trai mới 4 tuổi. Khi ấy, nhìn mẹ vất vả, em trai thì bé quá, chưa tự ý thức được nên mình luôn nghĩ nhất định phải cố gắng, phải thay bố là trụ cột gánh vác việc gia đình”, Lan Hương chia sẻ.


Lan Hương là sinh viên xuất sắc năm học 2016 – 2017

Lan Hương là sinh viên xuất sắc năm học 2016 – 2017

Nguyễn Thị Lan Hương (sinh năm 1996, Lâm Thao, Phú Thọ), hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Công tác xã hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, bố mất sớm khi Hương và em trai còn nhỏ, một mình mẹ là người nuôi hai chị em ăn học. Hương luôn thường trực suy nghĩ phải cố gắng học tập, làm việc để không phụ công và đỡ đần mẹ.

“Bố mình mất sớm khi mình học lớp 5, em trai mới 4 tuổi. Khi ấy, nhìn mẹ vất vả, em trai thì bé quá, chưa tự ý thức được nên mình luôn nghĩ nhất định phải cố gắng, phải thay bố là trụ cột gánh vác việc gia đình. Từ khi học cấp 2 mình đã đi dạy gia sư cho 2 em hàng xóm để lấy tiền học thêm tiếng Anh”, Lan Hương nhớ lại.

Học phí thời học sinh một chuyện, học lên đại học lại khác, một kỳ học có thể bằng cả năm học phí ở trường cấp 3 nên cuộc sống càng thêm khó. Thương mẹ, thương em, Hương chỉ có một suy nghĩ duy nhất làm sao nhanh đi làm kiếm được tiền để mẹ không phải đi vay mỗi khi Hương cần tiền đóng học.

“Mình không muốn xin tiền mẹ bởi mỗi lần xin tiền học, mẹ mình đều đi vay. Nhất là khi mình đi xuống học đại học, tiền học kỳ đầu tiên là mẹ bán đàn chó con em trai mình nuôi, được 2 triệu cho mình nộp học mà nó khóc hết nước mắt. Em trai mình rất thích nuôi chó, thấy đàn chó bị bán cứ ngồi đầu hè khóc làm mình thấy vừa có lỗi, vừa thương”, Hương xúc động kể.

Năm ấy, khi vừa xuống Hà Nội học, Hương đã đi tìm việc ngay, đạp xe đạp đi khắp nơi, dù chưa biết đường nhưng mong muốn nhanh tìm việc để có tiền đỡ mẹ. Chính vì vậy, giờ đây khi nhớ lại, Hương vẫn trăn trở vì lý do đi làm thêm lúc đầu không phải vì kinh nghiệm, không phải để bản thân dày dạn hơn mà là vì… chi phí.

3 năm liền Hương không có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình vì trong đầu Hương chỉ nghĩ nếu làm xuyên Tết sẽ được nhận lương 5 ngày, nhân gấp 3. Tạm bỏ qua sự tủi thân vì ngày Tết không được ở bên gia đình, Hương cố gắng thuyết phục mẹ cho ở lại làm.

Hương tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng
Hương tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng

Nghị lực phi thường của nữ sinh trường Báo hứa thay cha gánh vác gia đình - 3

“Mẹ mình không đồng ý nhưng mình nói với mẹ chỉ cần con đi làm mấy ngày Tết là có thể đủ tiền học cho 1 kỳ. Và ở đây có các anh chị cùng làm, các anh chị nhà ở Hà Nội, đi làm có bánh chưng, thịt thà hôm nào cũng mang đi phần. Mình cũng giỏi thuyết phục nên mẹ đành chịu”, Hương kể.

Tháng 11/2014, sau 3 tháng đặt chân xuống mảnh đất thủ đô học tập, Hương bắt đầu tự lập và không phải xin tiền mẹ nữa. Khi đó, công việc đầu tiên của Hương là làm nhân viên bán pizza với mức lương khởi điểm là 12.000 đồng/giờ.

Vừa học, vừa làm lại tham gia các hoạt động ở trường, có những lúc Hương chán nản, nhất là lúc gần thi hoặc phải làm bài tập nhóm. Có những dịp gần thi, Hương kể không dám đi làm nhiều vì sợ không ôn kịp nhưng lại nghĩ nghỉ làm thì tháng sau không đủ tiền nhà nên rất đau đầu, áp lực.

“Lúc ấy không nghĩ được gì toàn khóc một mình xong đâu đấy mới gọi điện cho mẹ chủ yếu là để nói chuyện, nghe mẹ kể chuyện ở nhà”, Hương nói.

Cô sinh viên trường Báo nổi tiếng với biệt danh “cô gái đội máu”, luôn xuất hiện với gương mặt rạng rỡ cùng nụ cười tươi tắn nhưng ít ai biết được, đằng sau sự lạc quan kia là sự nỗ lực phi thường để tìm cách tự lập, những lo toan cuộc sống được Hương giữ kín trong lòng để bộc phát ra ngoài, người ta chỉ nhìn thấy hai từ “cố gắng”.

Tuy bận rộn là vậy nhưng Hương không bỏ bê chuyện học hành. Từ thời học sinh, không phụ công mẹ, 12 năm liền Hương là học sinh giỏi, là thành viên đội tuyển Văn của trường. Điều đặc biệt, Hương là học sinh duy nhất theo học Văn tại lớp chuyên khối A của trường THPT Phong Châu.

Lên đại học, bận rộn là thế nhưng cả 6 kỳ Hương đều được học bổng, trong đó có một năm là Sinh viên xuất sắc của trường. Bên cạnh đó, Lan Hương còn là một hội viên tích cực của Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, trong 5.000 hồ sơ đăng ký, Hương vinh dự là 1 trong 140 chiến sĩ tiêu biểu được tham dự Hành trình đỏ.

Lan Hương bồi hồi kể: “Thế nên khi thấy tên trong danh sách Chiến sĩ Đỏ, mình sướng đến mức không ngủ nổi. Cả đêm ấy mình đi nhắn tin hỏi kinh nghiệm các anh chị đi năm trước. Nhắc đến Hành trình Đỏ giống như chạm tới phần thanh xuân tươi đẹp nhất của mình vậy”.

Thi vào trường Báo với ước mơ trở thành một Phát thanh viên nhưng lỡ duyên nên cô bạn chọn học ngành Công tác xã hội. Thích viết lách, làm MC, tuy nhiên khi được hỏi Hương chia sẻ vẫn có mong muốn được trở thành một thành viên của tổ chức phi chính phủ, đúng như ngành học hiện tại của Hương để giúp đỡ những người yếu thế, góp phần phát triển cộng đồng vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Cô bé lớp 5 ngày nào đã lớn, đã trưởng thành và lo được cho mẹ, cho em, xứng đáng với lời hứa “thay bố trở thành trụ cột gia đình”...

Kim Bảo Ngân

Ảnh: NVCC

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục