Nghị lực của nữ sinh “ăn cơm với mắm với muối cũng không bỏ học”

(Dân trí) - Gương mặt xinh đẹp, tác phong nhanh nhẹn, nhiệt tình trong mọi công tác xã hội của Đoàn trường, học lực khá, ít ai biết đằng sau nụ cười tươi tắn của cô sinh viên mồ côi Nguyễn Thị Ánh Nguyệt là một nghị lực đáng cảm phục...

Nữ sinh viên điển hình của phong trào Mùa hè xanh

 

Nói về các nữ Đoàn viên sinh viên tiêu biểu của Đoàn trường, cô Phạm Thị Tú Phương - Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng nhắc tới “điển hình” Nguyễn Thị Ánh Nguyệt. Từ khi vào năm nhất đại học, Nguyệt đã thể hiện là một sinh viên học lực khá, năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động công tác xã hội ở trường. Đặc biệt là trong chiến dịch Mùa hè xanh vừa qua.

Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - sinh viên năm 2 CĐ Công nghệ Đà Nẵng
Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - sinh viên năm 2 CĐ Công nghệ Đà Nẵng

 

Chia sẻ với chúng tôi, Ánh Nguyệt cho biết: “Chính từ việc tham gia công tác xã hội, tham gia chiến dịch Mùa hè xanh hay các hoạt động khác ở trường, em được học nhiều kỹ năng sống từ thực tế, và cũng thấy vui với việc làm của mình dù nhỏ nhoi thôi. Như khi em cùng các bạn đến xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) dạy học cho các em nhỏ ở đó hơn nửa tháng. Các em ở vùng sâu vùng xa ít có điều kiện nên học lực hạn chế nhưng các em rất chịu học, rất ngoan. Hôm tụi em lên xe rời lớp học Mùa hè xanh, các em nhỏ còn chạy theo níu tay hỏi bao giờ các thầy cô trở lại. Mùa Tết Trung thu vừa rồi, nhớ ánh mắt nụi cười của tụi nhỏ mà tụi em cặm cụi làm những chiếc đèn lồng mang theo trở lại Hòa Nhơn làm quà cho tụi nhỏ. Những chiếc lồng đèn tụi em tự tay làm còn vụng về, vậy mà tụi nhỏ đã vui biết bao nhiêu. Tụi em cũng vui...

Hay như đầu năm học mới, em cùng các bạn đi tìm nhà trọ lập danh sách sẵn để hỗ trợ các bạn sinh viên năm nhất mới vào trường. Thấy các bạn mới chân ướt chân ráo ra thành phố yên tâm tìm được chỗ ở trọ tử tế, không bị các chủ nhà trọ “hét giá”, tụi em cũng vui”.

Ánh Nguyệt (áo hồng) cùng các bạn SV Đoàn trường CĐ Công nghệ mang quà Tết Trung thu đến với các em nhỏ ở xã Hòa Nhơn
Ánh Nguyệt (áo hồng) cùng các bạn SV Đoàn trường CĐ Công nghệ mang quà Tết Trung thu đến với các em nhỏ ở xã Hòa Nhơn

“Dù có ăn cơm với mắm với muối cũng không được bỏ học”

“Dù có khổ mấy đi nữa, dù có ăn cơm với mắm với muối cũng không được bỏ học” là lời dặn dò trong di chúc của ba để lại cho 4 anh em Nguyệt. “Ba em mất khi em mới 8 tuổi, khi đó em còn đang lùa bò đi ăn cỏ ngoài đồng, không kịp về nghe ba trăng trối. Nhưng những lời ba dặn dò mấy anh em trong di chúc, em vẫn luôn ghi nhớ trong lòng. Ba dặn nhà mình nghèo, nhưng dù có khổ mấy đi nữa, dù có ăn cơm với mắm với muối cũng không được bỏ học.

Em còn nhớ ngày đó, mẹ em đưa ba đi bệnh viện (ba Nguyệt bị ung thư máu) truyền máu khi trong túi mẹ có 600 nghìn đồng sau khi đã bán hết nhà cửa, tài sản lo chạy chữa bệnh cho ba bao năm. Mẹ tính lấy tiền nộp viện phí cho ba. Vậy mà ba ngăn lại, nói để tiền đó mua xe đạp cho anh trai em đi học... Rồi ba cũng không qua được bệnh tình...”  - đôi mắt Nguyệt đỏ hoe khi nhắc nhớ những kỷ niệm về người ba đã qua đời.

Đằng sau hình ảnh năng động của một nữ đoàn viên sinh viên điển hình của phong trào Đoàn trường là một nghị lực đáng cảm phục.
Đằng sau hình ảnh năng động của một nữ đoàn viên sinh viên điển hình của phong trào Đoàn trường là một nghị lực đáng cảm phục.

 

Ba Nguyệt mất sớm, một mình mẹ em làm công nhân nuôi 4 con ăn học. Chị gái Nguyệt học xong lớp 12, tình nguyện hy sinh không học tiếp để vào Sài Gòn làm công nhân phụ mẹ lo cho các em. “Từ nhỏ tới lớn, thật sự là trong nhà em chưa được một bữa cơm đầy. Ăn cơm độn khoai độn sắn là chuyện thường. Có lần chị gái ở Sài Gòn gửi về cho 1 triệu đồng, em dành dụm sống qua được 3 tháng. Em không dám hỏi xin tiền mẹ, vì biết nhà mình rất khó. Hỏi xin mẹ không lo được cho mình, mà mẹ lại càng thêm lo âu trong lòng. Khó khăn quen rồi, nên dù thế nào, cả nhà vẫn cố gắng. Nhưng đã có lúc, em tưởng chừng như mình không thể đứng dậy nổi...” - Nguyệt tâm sự.

Đó là hồi tháng 2/2014, khi đang học ở trường thì Nguyệt nghe tin mẹ bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Đó là ngày sinh nhật Nguyệt, cũng là ngày anh trai Nguyệt nhận bằng tốt nghiệp đại học. Hai anh em tìm mọi cách về quê với mẹ ngay. Tai nạn giao thông khiến mẹ Nguyệt mất đi một chân. Lo cho mẹ ở viện về xong trở lại trường học, Nguyệt thật sự không còn tâm trí lo học hành hay nghĩ ngợi điều gì ngoài việc lo lắng cho mẹ.

Thấy cô sinh viên thường ngày nhanh nhẹn, hoạt bát, nay bỗng dưng trầm tính, gương mặt lúc nào cũng đượm buồn lo, thầy cô bạn bè ở trường thăm hỏi mới hay hoàn cảnh của Nguyệt quá khó khăn như vậy. Cô Phạm Thị Tú Phương nói: “Thấy Nguyệt lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan, nhiệt tình trong các hoạt động của Đoàn trường. Chưa bao giờ em than phiền một lời về hoàn cảnh khó khăn... cho tới khi mẹ em bị tai nạn giao thông, chúng tôi mới biết là hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn như thế; mới hay lâu nay, Nguyệt vẫn thường vừa đi học, vừa đi làm thêm phụ bán quán ăn tới 11, 12 giờ đêm mới về. Ba mất sớm, mẹ bị tai nạn giao thông, anh trai tốt nghiệp đại học ra trường chưa có việc làm. Em trai út của Nguyệt thi được 22,5 điểm khối A trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua nhưng phải tạm gác lại chuyện học hành. Chúng tôi phải động viên Nguyệt dù thế nào cũng phải học. Rồi chúng tôi tìm đủ cách kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ em qua cảnh khốn khó”.

Được biết hiện nay Nguyệt vẫn vừa đi học vừa đi làm thêm, vừa tham gia công tác xã hội, hoạt động Đoàn trường. Cô sinh viên mồ côi tâm sự: “Vì mình khổ nên mình càng phải lạc quan, sống tích cực hơn để sống tốt hơn, chứ than thân trách phận chỉ làm cho mình càng thêm bế tắc. Ngày ba mất em không kịp chạy về nói với ba một lời là Ba ơi, con sẽ chăm học hành như ba mẹ em luôn mong mỏi. Nhưng lời hứa đó em giữ trong lòng để vực mình dậy qua những khó khăn”.

Khánh Hiền

(khanhhien@dantri.com.vn)